Nhà vợ tôi cách Thác Bản Giốc tầm trên dưới ba lăm ki lô mét, lần về quê mùng 02 tháng 9 năm 2023, chúng tôi có đi xe máy lên đó. Cao Bằng nói chung, huyện Trùng Khánh nói riêng, cảnh sắc núi non rất đẹp. Hàng ngàn ngọn núi nhấp nhô, nằm xen kẽ với những thung lũng, tạo nên một vẻ đẹp riêng biệt.
Nếu Hà Giang là những ngọn núi cao chót vót, vực sâu thăm thẳm, thì Cao Bằng là những ngọn núi ở mức lưng chừng nằm rải rác giữa những cánh đồng nhỏ (mỗi thung lũng thường là một cánh đồng).
Bởi vậy, Cao Bằng được mệnh danh là Non Nước Cao Bằng. Khung cảnh những ngọn núi nằm bên cạnh những thung lũng nhỏ (là những cánh đồng) và dòng sông, tạo nên một sự đan quyện hữu tình giữa sông núi mây trời. Vẻ đẹp đó ít nhiều làm tôi thích thú.
Nhưng ngoài cái vẻ đẹp kỳ thú do thiên nhiên ban tặng đó, thì đời sống của người dân (đặc biệt là cộng đồng dân cư thiểu số nằm sâu trong những ngọn núi cao) còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nó như một sự đối lập, giữa vẻ đẹp đầy quyến rũ của thiên nhiên và cuộc sống lam lũ, cực nhọc của con người.
Nhà vợ tôi nằm trong một thung lũng bé xíu, với tổng diện tích chưa đầy nửa ki lô mét vuông (ước chừng khoảng 0,25 ki lô mét vuông), với xung quanh là những ngọn núi.
Nếu nhìn từ trên cao, cộng đồng hơn hai mươi hộ dân sinh sống tựa như đang ở trong “lòng chảo”. Ngày đầu tiên đến đây, tôi ngỡ mình lạc vào một xứ sở phi thực nào đó.
Sau khi trải qua những huyễn mộng của những khung cảnh thiên nhiên đầy mê hoặc, thì điều đập vào mắt tôi là những con đường đầy phân bò, phân trâu. Rồi đến những người dân toát lên vẻ chất phác, hiền lành, nhưng cũng có đôi phần quê mùa, xộc xệch.
Khi đến nhà vợ, tôi chưa kịp bước lên những bậc thang đá, để lên nhà, thì tôi nhìn thấy trước mặt mình là một hố phân lợn của nhà hàng xóm, mùi vẩn lên.
Trong tâm trí tôi hiện lên một điều gì đó quá sức mường tượng, mặc dù được vợ (lúc này là người yêu) chụp cho những tấm ảnh về làng quê của mình, nhưng tôi chưa thể hình dung được là nơi vợ ở còn nhiều điều lạc hậu đến vậy. Không khí bên trong ngôi làng như một thế giới hoàn toàn khác với khung cảnh đẹp nên thơ của thiên nhiên bên ngoài.
Tôi bước lên những bậc thang đá, tới sàn, và vào trong nhà. Ngôi nhà vợ tôi ở là một căn nhà kiểu nhà sàn gỗ, mà phía trên sàn là người ở, còn phía dưới là trâu, bò, ngựa, gà, heo.
Đương nhiên, với sự lốt ván gỗ thì không thể nào làm tan biến đi được mùi phân từ phía dưới bay lên. Đây là nơi vợ tôi sinh ra và lớn lên hay sao? Tôi thầm nghĩ trong đầu. Và bên trong tôi dấy lên một cảm xúc rất lạ, vừa buồn vừa mang một nỗi niềm thương cảm.
Nhà vợ tôi cũng như những căn nhà khác trong ngôi làng, điều này làm tôi hoài nghi về những căn nhà ổ chuột nơi thành phố. Ngột ngạt. Bức bí. Ô nhiễm. Và đâu đó trong tôi thoáng hiện lên luồng suy tưởng: Không ai có thể chọn được nơi mình sinh ra.
Bao nhiêu năm tôi thầm trách hoàn cảnh xuất thân của mình nghèo khó, cố gắng vươn lên mãi, mà thành công vẫn chưa tới. Tôi từng khát khao một cuộc sống có đầy đủ tiện nghi, một sự nghiệp thành đạt.
Nhiều lúc, tôi tự trách chính mình bất lực, trách ông trời bất công. Nhưng khi đặt chân đến đây, và sống ở đây vài ngày, tôi mới thấy những gì mình từng có là niềm hạnh phúc lớn.
Tôi từng nói với vợ: Chồng từng có một tuổi thơ khó khăn, từng ngủ ở chuồng bò, nên khi về nhà vợ, ký ức tuổi thơ của chồng trỗi dậy. Bởi vậy, chồng mới ở lại với vợ được. Nếu vợ quen một người thành phố, khi về thăm nhà, có khi họ không thể nào chịu đựng được!...
Đó là một giả dụ thế, bởi cuộc sống ở thành phố và thế giới quê nhà vợ tôi là hai thực thể quá đối cực nhau. Một người quen sống trong nhung lụa, thật khó để có thể chung sống ở một môi trường như vậy.
Nghĩ đến điều này, tôi lại càng thương những người dân nơi đây. Cùng một kiếp người như nhau, tại sao lại có những cuộc đời buồn bã đến thế?...
Hẳn nhiên, tôi và vợ chỉ về thăm quê một thời gian rồi lại về Hà Nội. Lần về quê dịp giỗ tổ hùng vương này, là lần thứ bốn tôi lên nhà bố mẹ vợ, và là lần thứ hai tôi ở lại nghỉ ngơi, ngủ qua đêm. Hai lần ở giữa là hai đợt đám hỏi và đám cưới, tôi lên dự rồi về ngay sau lễ, tiệc.
Trước khi về Hà Nội, tôi có ghé nhà chú hàng xóm. Vợ chồng chú tiếp tôi rất nhiệt thành, vui vẻ như người nhà. Ngồi trong căn nhà sàn, nhìn ra ngoài cánh đồng đẹp như miền cổ tích, tôi vừa nhấm trà vừa trò chuyện cùng vợ chồng chú. Và cũng như câu hỏi từ lần về trước, cô hỏi tôi: Cháu có về đây ở hẳn được không?...
Cảnh thiên nhiên đẹp quá, nhưng sao cuộc sống của người dân vẫn còn cơ cực vậy? Tôi là một người ở thành phố, quê tôi sắp lên phường, cuộc sống của tôi ở quê nhà cũng đã thay đổi nhiều, tiệm cận được đời sống đầy tiện nghi của thành phố. Và tôi không biết trả lời câu hỏi của cô sao cho phải.
Nỗi day dứt đó vẫn còn ám ảnh tôi mãi, cho đến tận lúc này?...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả