“Cò” chuyên nghiệp
PV Người Đưa Tin đã có cuộc khảo sát tại các bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát, ga Hà Nội… về tình trạng cò vé. Tại các bến xe, đối tượng cò vé thường nấp dưới danh nghĩa xe ôm, nhiệt tình mời chào khách. Chúng thường gạ gẫm khách mua vé xe đường dài đi các tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Thanh Hóa, Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh …
Nhóm cò vé tại ga Hà Nội đang chia nhau địa bàn bán vé
Ngày 26/8, PV có mặt tại bến xe Mỹ Đình và được một đối tượng mời đi xe ôm. Sau khi bị từ chối, người này liền mời PV mua vé giường nằm, chất lượng cao đi TP. Hồ Chí Minh các ngày 31/8, mồng 1/9 và mồng 2/9. Đối tượng cho biết, "mua vé trong bến thời điểm này đang đông và dễ bị các đối tượng khác móc túi nên anh đã tận dụng mua vé để phục vụ những người có "nhu cầu nhanh". Giá vé chỉ đắt hơn so với giá vé trong bến là 10 nghìn đồng, được coi là "phí đi lại" cho người bán vé. Giá vé của các ngày cũng có sự khác nhau. Càng cận ngày lễ, giá vé càng được đội lên cao. Giá chênh giữa các ngày là 20 nghìn đồng".
Cùng ngày, PV đến khu vực ga Hà Nội vào cuối buổi chiều, hiện tượng cò vé nơi đây đã khá nhộn nhịp. PV vừa đến cổng ga thì đã có một người đàn ông đứng tuổi đến chặn đầu xe mời mua vé tàu đi Sài Gòn. Khi hỏi giá vé, người này không trả lời mà nhìn xung quanh và dẫn PV sang bên đường để bán vé. Song khi vừa sang đến nơi thì đối tượng liền đánh tháo quay trở lại khu vực sân ga vì được đối tượng khác ngầm báo bằng tín hiệu có công an phát hiện. Theo đó, đối tượng đã từ chối bán vé cho phóng viên.
Trước tình hình đó, PV đã kịp thời theo dõi đối tượng và ghi nhận hoạt động của một nhóm cò vé nơi đây. Cứ khoảng chừng nửa tiếng đồng hồ họ lại tụ họp một chỗ đểâ điểm danh số vé đã bán được. Sau đó, một người trong nhóm chia vé cho số người còn lại và tung ra các hướng để bán vé. Theo quan sát của PV Người Đưa Tin thì một nửa cò vé ở nhóm này là dân xe ôm. Có khoảng 3 đến 4 người xe ôm thường đứng trước cửa ga đón người đi tàu về mời xe, đồng thời cũng mời mua vé đi du lịch nhân ngày lễ 2/9. Các loại vé đối tượng này thường mời là vé đi từ Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đà Nẵng, Long Biên - Hải Phòng, hoặc Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh…
Các đối tượng còn lại thì được tung ra các hướng như tại nơi trông giữ xe, sân ga… để bắt khách. Hễ thấy bất kỳ ai vào trong sân ga là nhóm này tiếp cận để cò mồi. Nhiều trường hợp, hành khách chưa kịp vào trong sân ga thì đã có đối tượng đến chặn hỏi khiến không ít người phải giật mình. Một số trường hợp bị cò vé chặn xe đã gây cản trở giao thông làm cho người đi đường không khỏi bức xúc. Khi đó, lực lượng bảo vệ của nhà ga mới xuất hiện để dẹp những cò vé này. Nhưng chỉ được một lúc thì hoạt động của các cò vé lại trở lại bình thường.
Một đối tượng tình nghi trong nhóm cò vé đang cầm vé đi tìm khách hàng
Khó kiểm soát?
Sau 2 giờ quan sát nhóm cò vé tại ga Hà Nội, PV đã tiếp cận được một khách hàng của nhóm này. Thanh Thảo (sinh viên đại học Sư phạm Hà Nội) bị một đối tượng trong nhóm cò vé câu dụ mua tấm vé Hà Nội - Hà Tĩnh với giá 270 nghìn đồng. Thảo cho biết, giá vé này đã được đàm phán bớt 30 nghìn đồng so với giá của cò đưa ra. Song khi phóng viên trực tiếp vào hỏi mua vé Hà Nội đi Hà Tĩnh, ở trong ga chỉ niêm yết với giá 230 nghìn đồng.
Theo ghi nhận của PV, công tác rà soát, quản lý trật tự an ninh của ga Hà Nội được thực hiện rất nghiêm ngặt. Các đối tượng nghi vấn là "cò vé" đều được lực lượng bảo vệ của nhà ga kiểm soát chặt chẽ. Hầu hết các đối tượng không được đến gần nhà ga. Thậm chí, một số đối tượng còn bị lực lượng nghiêm cấm vào ga. Để lý giải cho vấn đề này, bà Phùng Lý Hà (Phó trưởng ga Hà Nội) cho biết: "Nhà ga vẫn thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bán vé để đảm bảo cho người dân. Song hiện tượng cò vé có tại các bến xe, nhà ga vào các dịp lễ tết là rất khó tránh khỏi và kiểm soát được". Cũng theo "Kế hoạch chạy tàu, công tác phục vụ hành khách dịp mồng 2/9/2013", do bà Lý Hà cung cấp cho PV, nhà ga đã có kế hoạch tăng thêm các chuyến tàu chạy cho các ngày 30/8, 31/8, 1/9, 2/9 để phục vụ nhu cầu của hành khách.
Trong bản kế hoạch của nhà ga cũng ghi rõ: "Không áp dụng giảm giá vé cho hành khách mua vé tập thể để đi tàu đối với địa phương (trừ tàu SE19/20 và NA1/2) chạy trong thời gian từ 0h ngày 21/5/2013 đến hết ngày 03/9/2013; Không áp dụng giảm giá cho hành khách mua vé tập thể đi tàu đối với tàu Thống Nhất và tàu SE19/20, NA1/2 chạy trong thời gian từ 0h ngày 30/8/2013 đến hết ngày 03/9/2013". Những quy định này nhằm giảm thiểu tình trạng "cò vé" tại nhà ga, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách nhân dịp Quốc khánh năm nay.
Trước đó, trả lời báo chí, bà Phùng Lý Hà đã nhận định, hành khách năm nay đi lại chủ yếu các tuyến du lịch ngắn như Lào Cai, Vinh, Quảng Bình, Thanh Hóa... Đặc biệt, các đơn vị tập thể đều đã chọn phương án mua vé từ sớm, không để sát ngày mới ra ga mua vé. Để phục vụ hành khách đi lại dịp này, ngoài các đôi tàu đang hoạt động bình thường thì ngành đường sắt sẽ tăng thêm các đôi tàu chạy tuyến Sa Pa, Vinh, Quảng Bình. Trong trường hợp hành khách tăng đột biến, ga sẽ nối hết toa xe của các đoàn tàu. Tất cả các dự kiến sẽ được triển khai theo kế hoạch để đảm bảo tốt nhất cho việc đi lại của người dân vào dịp lễ mồng 2/9. Nhưng để đảm bảo được quyền lợi của người dân thì chính người dân phải tự cảnh giác với các đối tượng "cò vé" tại các bến xe, sân ga để có tấm vé tốt cho mình.
Bình Minh