Cô vũ nữ thoát y
Theodora sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp thấp của xã hội ở Byzantine. Cha cô là Akamas, một người chuyên huấn luyện gấu trong các đấu trường La Mã, còn mẹ cô là một vũ nữ kiêm diễn viên. Cha cô chết sớm, bỏ lại mẹ và ba chị em gái của cô. Mẹ cô sau đó tái hôn với một người đàn ông khác và cả ba chị em cũng theo mẹ về sống với cha dượng. Điều may mắn là, mặc dù trải qua cuộc sống khó khăn khi còn nhỏ nhưng khi lớn lên, cả ba chị em của Theodora đều rất xinh đẹp.
Vốn là một vũ nữ, mẹ Theodora đã đồng ý để ba chị em cô nối nghiệp bà, đi biểu diễn trên các sân khấu. Đúng như tên gọi của mình (tên của cô trong tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là “món quà của thượng đế”), vẻ ngoài xinh đẹp của cô đã cuốn hút tất cả người xem dù cô không được đào tạo để trở thành một vũ công chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, do dựa dẫm quá nhiều vào hình thể, Theodora càng ngày càng phải bạo dạn và gợi cảm hơn đế giữ chân khán giả của mình. Cô chấp nhận đóng nhiều vai khỏa thân trong các vở kịch trên sân khấu. Khán giả ngây ngất trước vẻ đẹp quyến rũ không gì cưỡng nổi của cô vũ nữ này. Cũng từ đó, trong những buổi yến tiệc sang trọng của các gia đình quyền quý, cô đều được mời tới biểu diễn, chính thức bước chân vào giới thượng lưu.
Sử sách chép lại rằng, Theodora đã trở thành đối tượng săn đuổi của không ít các vị quý tộc ở nơi này. Và cũng không ít người trong số đó trở thành người tình của cô. Người ta kể rằng, vị thống đốc thành phố Pentaphos từng có một thời gian ngắn là người tình của Theodora và trong thời gian này, cô đã hạ sinh đứa con trai duy nhất của mình.
Hành động phóng túng cả trên sân khấu lẫn ngoài đời thực của cô đã khiến giới quý tộc nóng mặt. Các sử gia truyền thống khẳng định, mặc dù qua lại với rất nhiều quý tộc, song cô vũ nữ thoát y này không hề nhận được sự kính trọng từ họ. Tuy nhiên, những điều này trở nên vô nghĩa khi cô vũ nữ thoát y lọt vào mắt xanh của vị hoàng đế tương lai Justinian.
Trở thành hoàng hậu
Justinian là cháu trai của hoàng đến Byzantine đương thời và cũng là người được lựa chọn để thừa kế ngai vàng sau khi cậu mất. Trên thực tế, hoàng đế Justin I khi đó đã quá già yếu và mọi quyền lực dường như nằm trong tay của người cháu trai. Điều đáng nói hơn, Justinian lại là một trong những người si mê cô vũ nữ thoát y Theodora một cách cuồng nhiệt nhất.
Sử gia Procopius đã viết về tình yêu của ông đối với nàng vũ nữ thoát y rằng: “Theodora là mối tình mê khoái nhất của Justinian. Nàng đòi hỏi ân huệ gì, hoặc món vàng bạc châu báu nào, ông sung sướng cho nàng đầy đủ như nàng mong ước”.
Không chỉ chiều lòng tất cả những mong muốn của Theodora, ông còn si mê cô vũ nữ thoát y này tới mức ông không chỉ muốn cô trở thành người tình mà còn muốn cô trở thành hoàng hậu tương lai. Tuy nhiên, điều này là không thể chấp nhận trong xã hội lúc bấy giờ. Bởi lẽ, luật pháp La Mã khi đó không cho phép tầng lớp quý tộc kết hôn với các tầng lớp khác, đặc biệt là tầng lớp thấp hơn trong xã hội.
Để có thể cưới được Theodora làm vợ, Justinian đã quyết định thay đổi cả luật pháp của La Mã. Ông đã thuyết phục người bác vốn già yếu của mình ra một đạo luật cho phép kết hôn giữa các tầng lớp khác nhau. Đạo luật bị giới quý tộc khi đó phản đối một cách kịch liệt, tuy nhiên không ai có thể ngăn cản được một người đang nắm toàn bộ quyền lực của đế chế Byzantine như Justinian.
Năm 523, ông chính thức làm lễ cưới với Theodora một cách hợp pháp, đám cưới được cho là sẽ ảnh hưởng rất lớn tới lịch sử của đế chế La Mã sau này.
Năm 527, Justin I qua đời, Justinian trở thành hoàng đế nắm quyền cai trị Byzantine. Cùng năm đó, ông lập Theodora làm hoàng hậu, cùng mình cai trị đế quốc La Mã. Đây được cho là một quyết định vô cùng đúng đắn của ông bởi lẽ chẳng bao lâu sau đó, ông vua La Mã phát hiện ra rằng Theodora không chỉ có vé ngoài quyến rũ mà còn là một phụ nữ cực kỳ tài bà và quyết đoán.
Dựa vào trí tuệ và tài năng cùa mình, Theodora đã có ảnh hưởng rất lớn tới những quyết sách của Justinian trong việc cai trị đất nước. Cũng chính sự dũng càm và quyết đoán này mà bà đã giúp đế chế La Mã thoát khỏi họa diệt vong trong cuộc nổi loạn sau đó.
Cứu vớt đế chế La Mã
Trong triều, có hai phe xưa là thù địch của nhau, đoàn kết lại để diệt trừ Justinian và Theodora. Hai phe liên minh tuyên bố quyết tâm đoàn kết đánh đổ chế độ Justinian cho đến toàn thắng. Cuộc khởi loạn lan rộng ra đến các vùng ngoại ô, và sự đe dọa mỗi ngày mỗi bành trướng, vua Justinian bắt đầu lo sợ.
Trước tình thế chính trị trầm trọng, hoàng đế Justinian nhóm họp một phiên nội các khẩn cấp để tìm biện pháp thích nghi. Nhưng hầu hết các vị đại thần trong triều đình đều nhận thấy rằng tình hình đã tuyệt vọng. Họ khuyên hoàng đế âm thầm bỏ kinh đô, đem hết vàng bạc châu báu trốn ra ngoại quốc.
Nhà vua tán thành giải pháp lưu vong và lập tức truyền lệnh vận chuyển tất cả các kho vàng bạc châu báu trong cung điện xuống mấy chiếc tàu của vua đậu ở ngoài khơi. Nhà vua không dám cho Theodora biết quyết định của triều đình, và đợi đến phút chót sẽ mời hoàng hậu xuống tàu thoát nạn.
Theodora đoán biết có biến cố trầm trọng khi thấy lính tráng thu xếp đồ đạc. Nàng chạy ngay ra toà nội các hỏi và biết được ý định bỏ kinh đô của nhà vua. “Không! Một ngàn lần không! Ta không tán thành kế hoạch chủ bại và rút lui hèn nhát như thế! Ta không thoái vị, và quyết bảo vệ ngôi hoàng hậu của ta!”, Theodora lớn tiếng.
Theodora truyền lệnh khiêng các thùng vàng và châu báu trở về cung điện, nàng quyết ở lại, đương đầu với cuộc nổi dậy của dân chúng để bảo vệ ngai vàng. Lợi dụng cơ hội hai phe chống đối bất hòa, Theodora chia rẽ rồi dùng tiền mua chuộ. Đến khi tình thế chín mùi, Theodora mới đánh một đòn bất ngờ để tiêu diệt phong trào chống đối.
Justinian ngồi vững trên ngai nhờ sự quyết đoán của vũ nữ Theodora, hoàng hậu của Đế quốc Byzantine. Sau đó, Justinian và Theodora đã cùng nhau trị vì thêm 21 năm nữa cho tới khi bà qua đời năm 548.
Ngày nay, cho dù các sử gia không tiếc lời bình luận về tính dâm đãng và tàn độc của Theodora, nhưng họ cũng phải thừa nhận năng lực của Theodore trong vai trò phụ tá Justinian. Khi trở thành hoàng hậu, nàng tăng cường sức mạnh của các Giáo hội Kitô giáo đông phương rồi sau đó trở thành một vị thánh trong Giáo hội Chính thống.
Bên cạnh đó, nàng từng giành nhiều thời gian đấu tranh vì nữ quyền bằng cách thiết lập các hình phạt đối với tội cưỡng bức; cấp quyền cho phụ nữ trong các trường hợp ly hôn cũng như cho phép phụ nữ sở hữu, thừa kế tài sản. Chính vì những lẽ đó, Theodora được mệnh danh là một trong số những người phụ nữ quyền lực nhất trong lịch sử thế giới.
Phong Nguyệt