Cốc Thôn, làng cổ bị lãng quên

Cốc Thôn, làng cổ bị lãng quên

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Làng Cốc Thôn thuộc xã Cam Thượng (Ba Vì, Hà Nội) với rất nhiều ngôi nhà cổ có tuổi thọ mấy trăm năm nằm ngay sát cạnh làng cổ Đường Lâm.

Tuy nhiên, so với "người hàng xóm" được đầu tư gìn giữ và bảo tồn, hàng năm thu hút vô số lượt khách du lịch thì những ngôi nhà cổ kính ở Cốc Thôn lại bị bỏ quên trong một thời gian dài. Đến nay, những ngôi nhà cổ ở đây đang dần bị thay thế bởi những ngôi nhà gạch ngói khang trang vì người dân cũng không biết giữ lại nhà cổ để làm gì.

Xã hội - Cốc Thôn, làng cổ bị lãng quên

Cụ Mẫn bên ngôi nhà cổ từ thời Cảnh Hưng thứ 5

Những ngôi nhà hơn hai thế kỷ

Được sự chỉ dẫn tận tình của người dân, chúng tôi dễ dàng tìm được gia đình bà Đặng Thị Thành, đang sở hữu ngôi nhà cổ trong thôn. Ngôi nhà nằm khuất sâu trong một con ngõ nhỏ của làng, hai bên là những bức tường đá ong cổ kính đã tồn tại vững chắc cùng mưa nắng. Bà Đặng Thị Thành năm nay 85 tuổi. Hiện tại, trong ngôi nhà cổ của gia đình bà có ba thế hệ cùng chung sống. Mặc dù đã ở đây mấy thập kỷ nhưng bà không biết ngôi nhà được xây từ bao giờ.

"Ngôi nhà này trước kia là của địa chủ xây dựng. Sau cách mạng, Nhà nước thực hiện cải cách ruộng đất, gia đình tôi được chính quyền chia cho ngôi nhà. Tôi đã ở đây gần 60 năm rồi. Trên trần nhà có khắc những chữ Hán ghi niên đại của ngôi nhà, chúng tôi đã nhờ người dịch hộ và hàng chữ dịch ra là Minh mệnh thứ 14 - 1833. Tôi đã dùng phấn ghi lại bằng tiếng Việt lên góc nhà để con cháu sau này biết", bà Thành cho biết.

Ngôi nhà của gia đình bà Thành được dựng hoàn toàn bằng gỗ, trên lợp ngói mũi. Trên trần nhà, những thanh gỗ dài và dầy tạo nên một kết cấu đẹp mắt và vững chắc. Đặc biệt, mái hiên bên ngoài còn có các thanh gỗ chạm khắc hoa văn rồng phượng rất tinh xảo. Nhà gồm có 5 gian, nhưng nay chỉ còn 4 vì 1 gian đã bị mối mọt phá hủy. Chủ nhân của ngôi nhà vẫn bày trí đồ vật trong nhà theo lối cổ xưa. Chính giữa là gian thờ ông bà tổ tiên, được phủ một tấm nhiễu điều màu đỏ dài sát đất; hai gian bên kê hai chiếc giường, gian ngoài cùng là buồng.

Trong quá trình ở, gia đình bà không sửa chữa nhiều, chỉ dỡ bỏ gian mối mọt và xây lại bức tường phía sau bị xuống cấp. "Vì gia đình không có điều kiện, nên vẫn chưa xây lại, chứ nếu có thì cũng chẳng giữ lại làm gì vì ai cũng muốn nhà cửa khang trang, hiện đại. Cũng chẳng có ai bảo chúng tôi phải giữ lại nhà, trong thôn này có nhiều ngôi nhà còn lâu đời hơn nhà tôi người ta cũng phá bỏ rồi...", chị Thanh, con gái của bà Thành cho biết.

Rời nhà bà Đặng Thị Thành, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị Mẫn (85 tuổi), ở xóm Đình - ngôi nhà được người dân Cốc Thôn cho là vẫn giữ được nét nguyên cổ nhất. Ông Nguyễn Bá Tạo, con trai trưởng bà Mẫn cho biết: "Theo gia phả các cụ nhà tôi ghi lại thì ngôi nhà này được xây dựng từ thời Cảnh Hưng thứ 5. Tính đến nay, nó cũng đã tồn tại khoảng hơn hai thế kỷ. 9 đời gia đình tôi đều sinh sống ở đây". Ngôi nhà cổ của gia đình cụ Mẫn gồm có 6 gian và 1 dĩ (nửa gian - PV). Gian chính giữa là ban thờ gia tiên, được phủ nhiễu điều đỏ. Ở phía trên có một tấm hoành phi được sơn son thiếp vàng viết 4 chữ Nôm. Hai bên là bốn cột song song với 4 câu đối, dù lớp sơn đã mờ nhưng nét chữ vẫn rất rõ ràng. Theo lời ông Tạo, bốn chữ trên bức hoành phi được phiên âm là "Đức hậu lưu quang", khuyên nhủ con cháu phải giữ gìn đạo đức trong sáng.

Ở 4 góc của gian chính có 4 ô khắc hình long phượng. Về 4 ô này ông Tạo cho biết: "Các nhà nghiên cứu của Viện khảo cổ khi về tham quan cho rằng ngôi nhà trước kia chắc chắn có người làm quan hoặc là nhà của trưởng tộc thì mới có những hình khắc này. Quả đúng nhà tôi là nhà trưởng tộc".

Giữ nhà cổ làm gì?

Bà Lã Thị Du, bí thư chi bộ (trước đây là trưởng thôn) Cốc Thôn cho biết: "Trước kia Cốc Thôn có khoảng hơn 40 ngôi nhà cổ nhưng hiện nay chỉ còn khoảng trên 10 ngôi còn nguyên cổ. Ngôi nhà cổ nhất trong làng là của gia đình ông Đặng Văn Chính, có từ cách đây hơn 300 năm. Tuy nhiên, hiện nay ngôi nhà này đã không còn nguyên vẹn nữa vì gia đình ông Chính đã phá đi một số chỗ bị xuống cấp để xây mới. Ngoài nhà cụ Mẫn, bà Thành, trong thôn hiện nay còn nhà cổ của ông Đạt, ông Đài, ông Tuệ... cũng vẫn giữ được kiến trúc gỗ rất đẹp. Do sự tác động của thời gian, thời tiết, những ngôi Nhà cổ xuống cấp, hư hại, người dân phải sửa chữa chắp vá hoặc ai có điều kiện thì phá đi xây mới luôn. Tôi cũng luôn động viên bà con giữ lại những căn nhà cổ có ý nghĩa lịch sử văn hóa này nhưng khổ nỗi chính tôi cũng không thể cho bà con một lý do để giữ lại.

Làng cổ Đường Lâm bên cạnh được công nhận, được xếp hạng di tích; những ngôi nhà cổ được Nhà nước đầu tư bảo tồn và thu hút khách du lịch còn Cốc Thôn lại chẳng ai biết đến thì có giữ lại cũng chẳng để làm gì. Chúng tôi cũng đã nhiều lần đề nghị lên các cấp lãnh đạo về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Trước đây cũng đã có các nhà nghiên cứu ở Viện khảo cổ, Đại học Osaka Nhật Bản đến thăm quan, nghiên cứu tỉ mỉ ngôi nhà của gia đình cụ Mẫn, nhưng tất cả cũng chỉ mới dừng lại ở đó".

Một thực tế là do chưa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa nên việc bảo tồn và giữ gìn những ngôi nhà cổ này đều phụ thuộc vào ý thức của người dân. Ông Nguyễn Bá Tạo cho biết, gia đình ông không hề có ý định phá nhà đi xây mới vì đây là ngôi nhà do tổ tiên, cha ông để lại và lưu những giá trị lịch sử vô cùng ý nghĩa. Tuy nhiên, với cuộc sống ngày càng hiện đại, tiện nghi thì không phải ai cũng nhận thức được giá trị văn hóa và lịch sử của ngôi nhà mà mình đang sống như gia đình ông Tạo. "Tôi rất mong Cốc Thôn sớm được công nhận là làng cổ để những ngôi nhà có lịch sử hàng mấy trăm năm ở đây sẽ không bị lãng quên" - ông Tạo bày tỏ nguyện vọng.

Thanh Loan - Đinh Nhung


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.