Đầu tháng 2 vừa qua, theo thông tin từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cơ quan này đã ban hành quyết định về việc giải quyết khiếu nại lần đầu với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca-Cola Việt Nam). Theo đó, cơ quan thuế không chấp thuận nội dung khiếu nại và giữ nguyên quyết định xử phạt với doanh nghiệp này.
Trước đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã ký quyết định xử phạt hành chính về thuế với tổng tiền phạt hơn 821 tỷ đồng. Sau quyết định, Coca-Cola Việt Nam đã nộp 471 tỷ đồng dù bày tỏ quan điểm không đồng thuận với phần lớn các kết luận của Tổng cục Thuế. Cùng với đó, Coca-Cola Việt Nam nộp đơn khiếu nại lên Tổng cục Thuế về một số nội dung liên quan đến kết luận của cơ quan thuế.
Việc truy thu thuế đối với Coca-Cola Việt Nam được dư luận quan tâm từ cuối năm 2019 và đến đầu năm 2020 khi Tổng cục Thuế có quyết định chính thức. Dù hoạt động tại Việt Nam từ lâu, nhưng Coca-Cola thường xuyên báo lỗ trong một giai đoạn dài. Việc doanh nghiệp này liên tục báo lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh đã đặt ra nhiều dấu hỏi lớn.
Xem thêm: [Info] Cocacola Việt Nam: Doanh thu nghìn tỷ mỗi năm, 25 năm mới bị truy thu thuế
Coca-Cola thua kiện ở Mỹ
Vào tháng 11/2020, Coca-Cola cũng bị Tòa án Thuế Mỹ phán thua kiện trước Cơ quan Thuế vụ Mỹ và phải đóng khoản tiền thuế 3,4 tỷ USD. Vụ việc bắt nguồn từ tranh cãi về cách Coca-Cola chuyển lợi nhuận sang các chi nhánh nước ngoài ở Brazil, Ireland và một số quốc gia khác. Brazil và Ireland có thuế suất doanh nghiệp thấp hơn Mỹ, mang lại khoản tiết kiệm thuế cho các công ty kinh doanh tại đó.
Trường hợp này liên quan đến vấn đề chuyển giá - hành vi nhằm thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ của một bộ phận các công ty có mối liên kết với nhau; nhằm mục đích cuối cùng đó là tối thiểu hóa số thuế phải nộp. Đây là một trong những vấn đề mà Tòa án Mỹ đấu tranh với Coca-Cola từ lâu, theo Bloomberg.
“Chúng tôi thất vọng với kết quả của Tòa án Thuế Mỹ. Chúng tôi đang xem xét chi tiết các tác động của phán quyết và cơ sở tiềm năng để kháng cáo. Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục bảo vệ lập trường của mình”, Coca-Cola cho biết trong một tuyên bố.
Phán quyết chiến thắng của IRS trước Coca-Cola báo hiệu rằng cuộc chiến với các công ty đa quốc gia về về cách tính lợi nhuận từ tài sản vô hình, như nhãn hiệu, thương hiệu, sẽ không dừng lại.
Trong trường hợp của Coca-Cola, các chi nhánh của công ty tham gia vào hợp đồng sản xuất và bán các nguyên liệu được sử dụng để sản xuất các loại nước giải khát khác nhau. IRS cáo buộc rằng các chi nhánh đã không trả Coca-Cola tiền sử dụng tài sản vô hình của công ty — bao gồm nhãn hiệu, tên thương hiệu, công thức bí mật, v.v. — trong việc sản xuất và bán các thành phần nói trên. Bằng cách làm như vậy, lợi nhuận đã tăng cao trong các hoạt động ở nước ngoài và ít lợi nhuận hơn được ghi nhận ở Mỹ.
Cụ thể, IRS phát hiện ra phương pháp phân bổ lợi nhuận của Coca-Cola không phản ánh lợi nhuận sẽ được thay đổi như thế nào nếu các đơn vị liên quan không phải là một phần của một công ty duy nhất. Sử dụng một phương pháp khác, cơ quan này đã phân bổ lại lợi nhuận, đặc biệt là từ các chi nhánh ở Ireland và Brazil.
Tại Ireland, nhà máy sản xuất nguyên liệu cô đặc chính của công ty được đặt tại Ballina. IRS nói rằng, công ty con ở Ireland đáng lẽ phải trả cho công ty mẹ ở Mỹ hơn 6,1 tỷ USD tiền bản quyền bổ sung trong giai đoạn này.
Chiến thắng tại Tòa án Thuế Mỹ của IRS diễn ra sau một loạt các vụ kiện nổi tiếng của cơ quan này về vấn đề chuyển giá đối với các tập đoàn nổi tiếng như Amazon, Facebook…
IRS cho biết, lập luận của họ trong vụ kiện không phải mới, nhưng nó đã làm nổi bật một trong những nguyên tắc cơ bản của chuyển giá: Lợi nhuận phải phản ánh vị trí của các tài sản vô hình có giá trị hay tài sản trí tuệ như nhãn hiệu hàng hóa.
Steven Wrappe, người phụ trách vấn đề kỹ thuật chuyển giá quốc gia tại Grant Thornton LLP ở Washington, cho biết: “IRS đã theo đuổi và giành chiến thắng trong vấn đề tài sản vô hình, một vấn đề lớn đối với một công ty lớn. Bây giờ họ sẽ có các hành động táo bạo hơn”.
Giới quan sát mong đợi sẽ có nhiều trường hợp chuyển giá lớn hơn được đưa ra xử lý, Jill Weise, lãnh đạo toàn cầu về hoạt động chuyển giá của Duff & Phelps cho biết.
“Tôi nghĩ chắc chắn sẽ có xu hướng kiện tụng nhiều hơn trong trường hợp cần thiết với các vấn đề chuyển giá lớn”, bà nói.
Coca-Cola đóng thuế thế nào?
IRS lập luận rằng Coca-Cola đang phân bổ quá nhiều lợi nhuận cho các thực thể nước ngoài của mình, thay vì ở Mỹ, mặc dù Mỹ là nơi những tài sản vô hình đó được sở hữu và phát triển. Tài sản vô hình có thể bao gồm tài sản thương hiệu và các chiến dịch tiếp thị mang lại cho thương hiệu rất nhiều giá trị.
Tòa án Thuế Mỹ đã đồng ý với lập luận này.
“Tại sao các đầu mối cung ứng cũng như tham gia trong quá trình sản xuất theo hợp đồng lại là các công ty thực phẩm và đồ uống có có lãi cao nhất trên thế giới?”, Thẩm phán Albert Lauber nêu quan điểm trong bài viết ngày 18/11. “Và tại sao họ lại có lợi nhuận thấp hơn tập đoàn ở Mỹ, nơi sở hữu những thứ vô hình mà lợi nhuận của công ty phụ thuộc vào?”, ông nói thêm.
Barbara Mantegani của Mantegani Tax PLLC cho biết: “Rõ ràng rằng vô hình là thứ có tiền”.
Khi một công ty đang cấp phép, chuyển nhượng hoặc cùng phát triển tài sản vô hình hoặc tạo tài sản vô hình theo thời gian — chẳng hạn như tiếp thị — thì công ty đó cần phải theo dõi cẩn thận việc chuyển giá của mình, bà nhấn mạnh thêm.
Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất mà Coca-Cola công bố, trong 3 năm qua, doanh thu của công ty không có sự chênh lệch quá lớn. Năm 2018, doanh thu của thương hiệu nước giải khát này đạt 34,3 tỷ USD. Năm 2019 lên 37,2 tỷ USD và theo báo cáo mới nhất, doanh thu 2020 đạt 33 tỷ USD.
Lợi nhuận trước thuế năm 2020 của Coca-Cola là 9,7 tỷ USD, nộp số tiền thuế 1,9 tỷ USD. Hai năm trước, mức nộp thuế của công ty lần lượt là 1,8 tỷ USD và 1,75 tỷ USD.