Coi chừng "mắc lừa" kẻ xấu "tận diệt" tài nguyên quốc gia

Coi chừng "mắc lừa" kẻ xấu "tận diệt" tài nguyên quốc gia

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta nên nhìn vào những "bài học" trước mà rút kinh nghiệm.

Theo các chuyên gia sinh vật học, cây kim cương thực tế là lan gấm, hay còn gọi là cây thạch tằm thường mọc dưới tán lá rừng, nơi vùng đất ẩm ướt của rừng già Tây Nguyên. Một số người cho rằng, khi ăn loại cây này giúp tăng cường sinh lực, bồi bổ sức khỏe. Trước "cơn sốt" người dân đổ xô "tận diệt" cây kim cương bán cho thương lái Trung Quốc, các chuyên gia cũng cảnh báo những bài học "đau đớn" mà chúng ta từng bị "mắc lừa" trong quá khứ.

Xã hội - Coi chừng 'mắc lừa' kẻ xấu 'tận diệt' tài nguyên quốc gia

GS Nguyễn Lân Hùng

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, GS. Nguyễn Lân Hùng, tổng thư kí Hội Các ngành Sinh học Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam chưa có tài liệu nào nghiên cứu về loại cây này. Theo khoa học, lan gấm là loài địa lan cao khoảng 20cm. Lá trơn hình trứng hoặc hình ê líp, mặt trên màu xanh đen, mặt dưới của lá màu tím đỏ. Gân lá nhỏ màu vàng kim rất đẹp phân bổ như mạng nhện từ năm chủ mạch gân chính nên gọi là kim tuyến liên. Từ mùa đông đến xuân, cây nở hoa màu trắng, nhụy hoa có lông. "Còn về giá trị của loại cây này chưa có tài liệu nào nhắc đến. Tôi cũng không hiểu thương lái Trung Quốc mua về làm gì", GS. Hùng nhấn mạnh.

GS. Nguyễn Lân Hùng cũng kể cho chúng tôi nghe không ít bài học đau đớn mà chúng ta từng "mắc bẫy" kẻ xấu. Đầu tiên là việc thương lái Trung Quốc ồ ạt về các chợ nông thôn nước ta mua móng trâu với giá cao, dẫn đến xuất hiện "trâu tặc" chuyên đi chặt trộm móng trâu, phá tan hoang sức kéo của nông dân. Rồi chuyện mua rễ hồi, khiến những "hồi tặc" mở chiến dịch triệt phá rừng hồi; mua râu ngô non, xúi giục nông dân phá nương ngô mang bán… Gần đây nhất, thương lái Trung Quốc đổ xô mua ốc bươu vàng, đỉa… xúi giục nông dân nuôi, dẫn đến "thảm họa" từ những động vật ngoại lai này.

"Việc thu mua cây kim cương rất có thể lại là một "chiêu bài" của những kẻ xấu, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số bà con, thổi phồng giá trị của cây để tận diệt tài nguyên nước ta. Rất nhiều loại cây quý hiếm như sâm Ngọc Linh, gỗ sưa… từng bị "chảy máu" do mắc lừa thương lái Trung Quốc", GS. Hùng nói thêm.

TS. Lê Ngọc Báu, viện trưởng Viện KHKT Lâm nghiệp Tây Nguyên cũng cho biết: "Tôi cũng mới chỉ nghe thông tin về loại cây này trên báo chí chứ chưa nghiên cứu trực tiếp. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, người dân nên thận trọng không để mắc lừa kẻ xấu, tận diệt tài nguyên. Có thể đây là một loại cây quý nên rất cần các nhà chuyên môn nghiên cứu và có kết luận chính thức. Chúng tôi sẽ xuống địa bàn nắm tình hình và nghiên cứu về loại cây này".

Dưới góc độ y tế, bác sĩ Hoàng Xuân Đại, chuyên viên Bộ Y tế khẳng định, theo Đông y, lan gấm có vị ngọt, hơi chát, tính mát, có tác dụng tư âm nhuận phế, làm mát phổi, mát máu sinh tân dịch, tiêu viêm, lọc máu. Loại cây này được dùng để chữa lao phổi, khô phổi, ho, khạc ra máu, thần kinh suy nhược chứ không phải để chữa tim mạch hay ung thư như mọi người vẫn đồn đại.

Chuyên gia này cũng bày tỏ quan điểm: "Tôi mong các cơ quan khoa học sớm vào cuộc để có kết luận khoa học đúng đắn nhất về giá trị của cây kim cương, bác bỏ những lời đồn đại vô căn cứ". Bác sĩ Đại cũng chia sẻ, chưa từng thấy nói đến việc lan gấm chữa được bệnh ung thư.

Cũng theo một số chuyên gia, ở Đài Loan, cây lan gấm là một loại cây nổi tiếng vô cùng quý giá, có bán tại các tiệm thuốc Bắc hoặc dùng trong nhân dân. Cây lan gấm có tác dụng làm tăng cường sức khỏe và lưu thông khí huyết. Ngoài ra, người ta còn dùng cây này để chữa thần kinh suy nhược, chữa ho khan, đau họng, cao huyết áp, suy thận, chữa di tinh, đau lưng, phong thấp, làm tiêu đờm, giải độc, giải nhiệt, chữa các bệnh viêm khí quản, viêm gan mạn tính.

Đem thông tin về "cơn sốt" đổ xô "tận diệt" cây kim cương liên lạc với ông Lê Quốc Doanh, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), ông Doanh cho biết cũng mới chỉ nắm thông tin qua báo chí. Tuy nhiên, đại diện Cục Trồng trọt cũng khẳng định sẽ cử các chuyên gia nghiên cứu về loại cây này để đưa ra kết luận khoa học chính xác. Người dân không nên đồn thổi, nghe lời xúi giục của kẻ xấu tận diệt tài nguyên quốc gia.

Anh Văn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.