Phát biểu tại Lễ khai giảng năm học mới 2018-2019 của trường đại học Lâm nghiệp diễn ra ngày 20/9, ông Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng nhà trường đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của các thầy cô giáo trong việc chăm lo, nuôi dưỡng ước mơ và hình thành các giá trị cơ bản cho các thế hệ tương lai.
Trích dẫn một câu nói của nổi tiếng của nhà hiền triết và thi hào người Ấn Độ Tago: “Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục được một người thầy giáo thì được cả một thế hệ”.
Từ đó ông Chứ cho rằng: “Dẫu rằng người thầy không phải là tất cả, nhưng đội ngũ các thầy cô giáo có vai trò quyết định trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chúng ta đừng thuần túy hướng con người chỉ biết tập trung vào bộ não, mà đồng thời phải dạy cho họ có trái tim rung động trước cuộc đời, có tâm hồn thanh cao và rộng lượng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội”.
“Coi thầy giáo là ông chở đò đã chưa chuẩn nhưng nếu coi thầy giáo là một ông bán chữ sẽ rất nguy hại. Nói điều này, để chúng ta ý thức về trọng trách và vinh dự của nghề giáo, để mỗi cán bộ, sinh viên nhận thức rằng, chính chúng ta là những người sáng tạo, những người vị tha và gieo mầm cho sáng tạo, vị tha thông qua công việc cao quý của mình”, ông nhấn mạnh.
Nhắn nhủ tới những tân sinh viên khóa 63 của mình, vị Hiệu trưởng đại học Lâm nghiệp nói: “Vận hội và tương lai của một dân tộc phải tự quyết bằng dân tộc đó. Đừng ảo tưởng sự giúp đỡ của nước ngoài? Thấy nước nghèo thì chung tay làm cho nước khá hơn, chứ chỉ ngồi kêu ca thì cũng chẳng ích gì. Đừng trách cha mẹ mình nghèo, nhưng nếu tương lai chính mình nghèo khó mới là điều đáng trách, đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
“Trong thời đại ngày nay, thiếu đi học vấn, thiếu đi tri thức và thiếu đi khả năng làm việc sáng tạo thì khó có thể vươn lên. Giáo dục là cách thức duy nhất để đem lại bình đẳng cho mọi người. Hiện nay công nghệ số đang ngự trị toàn cầu, len lỏi vào từng hoạt động của mỗi con người, thậm chí chi phối cả về cách nghĩ của từng người, có thể chế ngự cả cảm xúc. Thời đại công nghệ số, thậm chí thầm lặng đẩy con người ra khỏi vị trí công việc, tước đi quyền lao động, thay vào đó là những thiết bị tự động hóa, những robot; nhưng chủ nhân của những cỗ máy đó không ai khác là con người, những người tạo ra trí tuệ từ trí tuệ của chính họ. Chúng ta sẽ là chủ nhân hay là người thất nghiệp, người bị người khác lập trình, đây là câu hỏi thời đại đặt ra cho thế hệ hôm nay”, ông nhấn mạnh.