Coi “tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2” như một nhiệm vụ cấp bách
Trong giai đoạn phát triển hội nhập, Việt Nam đứng trước những thời cơ và thách thức; để mở ra cánh cửa hội nhập, vươn ra toàn cầu, tiếng Anh đóng vai trò thiết yếu để Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ có thể làm chủ tương lai, xây dựng đất nước.
“Chúng ta nói đến start up không chỉ ở Việt Nam mà cần dần vươn ra toàn cầu. Để giải quyết câu chuyện toàn cầu, hiện vẫn còn điểm nghẽn là tiếng Anh. Xin Thủ tướng sớm công bố tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của đất nước Việt Nam”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất tại diễn đàn.
Trao đổi về vấn đề này, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông nhận định: “Tiếng Anh từ lâu đã là một ngôn ngữ giao dịch quốc tế, được sử dụng làm ngôn ngữ chung trong nhiều tổ chức; phần lớn các tài liệu cập nhật kiến thức khoa học - kỹ thuật, kinh tế - xã hội trên thế giới cũng được viết bằng tiếng Anh.
Việt Nam đang trên đường hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, lại là thành viên cộng đồng ASEAN. Các nước thành viên ASEAN chỉ có thể giao tiếp bằng phương tiện chung duy nhất là tiếng Anh. Chính vì vậy, việc phổ cập tiếng Anh cho người dân, trước hết cho lớp trẻ, là hết sức quan trọng đối với Việt Nam”.
Theo ông đánh giá, đây là điều “trước sau cũng phải thực hiện”: “Việc coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 sẽ tạo phương tiện để lớp trẻ tham gia công cuộc hội nhập sâu rộng với thế giới và phát triển bản thân. Các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, cơ hội tìm việc làm ở nước ngoài đối với lớp trẻ cũng ngày càng cao hơn, tất cả những điều đó sẽ tạo động lực cho người trẻ học tiếng Anh và có môi trường giao tiếp tiếng Anh tốt hơn”.
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT khẳng định tầm quan trọng của ngoại ngữ trong hội nhập quốc tế: “Muốn hội nhập được, phải thông qua giao tiếp. Chúng ta không thể dùng tiếng Việt để giao tiếp với tất cả các nước trên thế giới. Vì vậy, phải thông qua tiếng Anh để mở ra cánh cửa hội nhập”.
“Ông Lý Quang Diệu, được biết đến với vai trò là Thủ tướng đầu tiên của Singapore, dạy tiếng Anh cho toàn dân, dân của ông có thể đi khắp thế giới. Từ việc giao dịch rộng rãi, đến việc thu hút khách du lịch đến với Singapore đã tạo nguồn kinh phí lớn xây dựng, phát triển đất nước”, nguyên Thứ trưởng cho biết thêm.
Chặng đường nên bắt đầu từ đâu?
Để lớp trẻ sử dụng tiếng Anh tốt hơn, theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, cần phải đổi mới phương pháp dạy và học. Lớp trẻ không nên tự giới hạn việc học tiếng Anh trong nhà trường, thỏa mãn với điểm số cao ở nhà trường, mà phải chủ động tạo lập cho mình môi trường giao tiếp để nâng cao năng lực tiếng Anh, như đọc sách, báo, nghe đài, xem tivi, xem phim... bằng tiếng Anh, tìm cơ hội làm việc ở các công ty du lịch, khách sạn, nhà hàng,... để có cơ hội giao tiếp với người nói tiếng Anh.
Ông khẳng định: “Ngôn ngữ là kết quả của hoạt động giao tiếp, vì vậy, để nâng cao trình độ bản thân, người học cần chủ động giao tiếp bằng tiếng Anh. Tôi hy vọng hội nhập sẽ đem lại cơ hội giao tiếp ngày càng nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn trẻ học tiếng Anh”.
“Có lần tôi đến Hy Lạp, trường học ở đó cũng chỉ dạy 3,4 tiết tiếng Anh 1 tuần, nhưng các bạn trẻ sử dụng tiếng Anh rất thành thạo. Tất cả là nhờ họ tự tăng cường nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Anh. Nhiều bạn làm thêm tại các trung tâm du lịch,... tự trau dồi để khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm với lương cao hơn”, GS. Nguyễn Minh Thuyết kể.
Nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ nhận định: “Trước mắt, phải nhanh chóng đưa tiếng Anh vào nhà trường mạnh mẽ hơn, nhưng không phải một cách ào ào, mà phải có kế hoạch, từ khi mẫu giáo đến các cấp học cao hơn. Trường học phải bắt đầu với một số môn học bằng tiếng Anh, thành lập câu lạc bộ, em nào yêu thích thì tham gia, tăng cường giờ dạy”.
“Đặc biệt lưu ý khâu giáo viên rất quan trọng, trường sư phạm phải đào tạo giáo viên để có thể đủ khả năng dạy bằng tiếng Anh từ các môn tự nhiên đến các môn xã hội. Đội ngũ giáo viên hiện nay dưới 40 tuổi nên có khóa đào tạo để có khả năng dạy bằng tiếng Anh”, ông khẳng định.
Nguyên Thứ trưởng cũng chia sẻ: “Trong xã hội phải phổ cập cơ bản bằng tiếng Anh. Ở Campuchia, từ người bán hàng rong đến những người lái xe tuk tuk, họ có quyển “bí kíp” 500 câu giao dịch bằng tiếng Anh, giới hạn trong một năm không sử dụng giao dịch tiếng Anh sẽ bị rút giấy phép kinh doanh, nên ai nấy đều đi học”.
Theo ông, hiện nay, giáo viên tại trung tâm ngoại ngữ, trung tâm giao tiếp cộng đồng, cần có cơ chế buộc người ta học, ở chợ buôn bán cũng phải biết những câu giao tiếp đơn giản để chào hỏi, hỏi giá cả,... Như ở khu du lịch Sa Pa, trẻ con cũng có thể nói chuyện với du khách, nên người ta đi rồi, lại muốn đi lại, điều đó tạo thêm sức hút cho du lịch.
Ông Nhĩ nêu quan điểm: “Phổ cập tiếng Anh trong xã hội không nhất thiết bắt buộc phải đúng chuẩn như người Anh, điều đó chỉ nên áp dụng với những người làm ngoại giao, còn các đối tượng còn lại chỉ cần soạn ra một số câu giao tiếp để phục vụ giao dịch với người nước ngoài, khoảng 500 câu, tạo được môi trường về tiếng Anh. Từ đó, người dân ai ai cũng học được, về nhà lại thúc đẩy con cái học tập, việc học tiếng Anh sẽ được nhân rộng nhanh chóng hơn”.
Tuy nhiên, theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, để công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 thì phải có luật về ngôn ngữ và chữ viết và được Quốc hội thông qua.
Trước đó, ngay từ năm học 2016-2017, bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 ở Việt Nam và coi đây là 1 nội dung đáng chú ý trong 9 nhiệm vụ chủ yếu của ngành giáo dục từ năm học 2016-2017.