Vài năm trở lại đây, trên đường phố Hà Nội và TPHCM thi thoảng lại xảy ra những vụ tai nạn giao thông làm chết người nguyên nhân là vì tiếng còi xe quá to, đèn xe quá sáng.
Những cái chết thương tâm do còi xe
Khoảng 9 giờ 40 phút, ngày 5/10/2012 trên đường Nguyễn Cửu Phú đoạn qua ấp 1, thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM, ông Hà Quốc Tuấn, SN 1964, quê Hải Dương điều khiển xe máy BKS 51H1-7907 lưu thông trên đường Nguyễn Cửu Phú hướng từ Trần Đại Nghĩa về Chợ Đệm.
Khi di chuyển đến địa điểm trên, do phần đường phía bên trong lề đọng nhiều bùn nước, sình lầy khiến ông không thể chạy sát lề được. Cùng lúc đó xe tải BKS 54S -1225 lưu thông cùng chiều phía sau bấm còi inh ỏi để xin đường vượt lên.
Do quá hoảng sợ ông Tuấn cho xe chạy vào phần đường trơn trượt bên trong khiến tay lái bị loạng choạng nên tông vào mép gờ với phần vỉa hè.
Sau va chạm, chiếc xe trượt nhoài xuống đường, ông Tuấn bị ngã lăn ra hướng làn đường ô tô. Mặc dù tài xế xe tải cố gắng thắng gấp nhưng không kịp nên đã cán qua khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông thảm thương do còi xe quá to gây ra
Hay một vụ tai nạn giao thông khác do tiếng còi xe gây ra cũng hết sức thương tâm. Sáng 14/6/2010 dòng người đi trên đường Kha Vạn Cân (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM) đau lòng khi chứng kiến một bé gái 2 tuổi do người mẹ trẻ chở đã té xuống và bị bánh xe bồn cán qua.
Nạn nhân là bé Đinh Phương Vy, còn xe bồn do tài xế Nguyễn Văn Tuân (24 tuổi, ngụ Nam Định) điều khiển. Sau khi tai nạn xảy ra, Tuân đã đến công an phường trình diện.
Theo biên bản của công an, chị Lê Thị Loan (31 tuổi) chạy xe tay ga chở bé Vy ngồi phía trước đi trên đường Kha Vạn Cân, hướng từ Bình Triệu về quốc lộ 1A. Khi chạy qua chợ Thủ Đức khoảng 2 km, chiếc xe bồn chạy phía sau bất ngờ bóp còi lớn làm chị Loan giật mình và thắng gấp lại nên ngã xe. Người mẹ trẻ té vào lề nên thoát nạn, còn bé Vy rơi ra phía ngoài và bị chính bánh xe bồn phía sau cán lên, chết tại chỗ.
Đó là hai trong số những vụ tai nạn thương tâm xảy ra trong thời gian gần đây mà nguyên nhân chính là do nạn nhân bị giật mình bởi tiếng còi xe. Thực tế số vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân này có thể còn lớn hơn rất nhiều.
Việc người tham gia giao thông “độ” còi xe bừa bãi đã diễn ra khá lâu. Mặc dù các cơ quan thông tin đại chúng cũng đã phản ánh nhiều lần nhưng đến nay vẫn tình trạng này vẫn diễn ra hết sức ngang nhiên.
Không nói đâu xa, ngay các tuyến đường trục chính của Hà Nội hiện nay như: Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ… hiện tượng xe tải, xe khách gắn còi hơi diễn ra khá phổ biến. Các tài xế bấm còi rất hồn nhiên, đường vắng bấm, đường đông lại bấm nhiều hơn...
Anh Nguyễn Văn Hùng, một người dân sống tại Xuân Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên đi làm trên tuyến đường Phạm Hùng bức xúc: “Nhiều lần đang đi, bỗng giật nẩy mình vì âm thanh như xé tai phía sau, tay lái loạng quạng suýt ngã, định thần lại mới biết có xe tải đi đằng sau bấm còi, thật hoảng hồn".
Còi xe, đèn chiếu sáng không hợp lệ sắp bị phạt cao nhất 3 triệu đồng
Theo Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do Bộ Giao thông vận tải vừa hoàn thành, từ 1/7 tới đây, người điều khiển phương tiện sử dụng còi xe, đèn chiếu sáng không đúng tiêu chuẩn sẽ bị phạt từ 100.000 – 3.000.000 đồng.
Từ 1/7, người tham gia giao thông sử dụng còi, đèn pha ô tô, xe máy không đúng quy định sẽ bị phạt từ 100.000- 3.000.000 đồng.
Cụ thể, theo Điều 17 về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông, Dự thảo Nghị định đề nghị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe; Không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn;
Không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng; Không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và Sử dụng đèn chiếu sáng không đúng tiêu chuẩn thiết kế của từng loại xe.
Đây là lần đầu tiên, việc sử dụng đèn chiếu sáng không đúng tiêu chuẩn thiết kế của từng loại xe được đưa vào Dự thảo Nghị định để xử phạt.
Với người điều khiển ô tô, Điều 16 của Dự thảo Nghị định quy định về việc xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông quy định, phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định và điều khiển xe lắp thêm đèn chiếu sáng về phía sau xe…
Ngoài ra, xe máy khi tham gia lưu thông trên đường vi phạm các quy định sau: Không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng; Gắn biển số không đúng quy định; biển số không rõ chữ, số; biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; Điều khiển xe không có đèn tín hiệu hoặc có nhưng không có tác dụng… sẽ bị phạt tiền từ 80.000 - 100.000 đồng.
Theo VnMedia