Mới đây, theo một nghiên cứu, cánh đàn ông tại Thụy Điển được cho là những người đảm đang nhất thế giới. Giải thích cho hiện tượng này, các nhà xã hội học cho rằng, một phần là nhờ vào chính sách nghỉ thai sản cho cả vợ và chồng được chính phủ quốc gia Âu châu này áp dụng từ năm 2002.
Theo đó, Thụy Điển cho phép một cặp vợ chồng nghỉ thai sản 16 tháng, 80% thu nhập hằng tháng do công ty và chính phủ chia nhau trả. Trong số đó có 2 tháng nghỉ… bắt buộc đối với người chồng và 4 tháng cho vợ.
Các nghiên cứu cho thấy, đàn ông Thụy Điển dành rất nhiều thời gian để chăm sóc cho gia đình và con cái của họ. Thậm chí họ còn giành quyền làm những công việc mà trước đây đều do người phụ nữ trong gia đình đảm đương như nấu ăn, lau dọn, giặt quần áo, thay tả, cho con ăn, dắt con đi dạo…
Đó là công việc thường ngày họ vẫn làm. Vì thế, 60 ngày áp dụng nghỉ thai sản cho nam giới tại nước này được ví như khoảng thời gian rất quý báu để họ toàn tâm toàn ý hơn với gia đình mình.
Thế nhưng, thử tưởng tượng, nếu chính sách này được áp dụng tại Việt Nam, liệu phái yếu và những bà vợ có xem đó là khoảng thời gian “vàng ngọc” để họ nghỉ ngơi và yên tâm chăm sóc con nhỏ?
Thật sự, họ sẽ… khóc thét lên thay vì hạnh phúc đón nhận vì vài lý do sau:
Thứ nhất, đàn ông Việt không có thói quen và kinh nghiệm chăm sóc vợ khi sinh con. Đó là sự thật bởi hầu hết đàn ông đều “gửi” vợ cho mẹ ruột hoặc mẹ vợ trông chừng giúp mình.
Như thế, những kiến thức cơ bản về bà mẹ, trẻ em, các chế độ dinh dưỡng, cách thức chăm sóc, kiến thức về sức khỏe…đều mù tịt.
Hơn nữa, đàn ông Việt cũng hay mắc chứng bệnh lo ra, hoặc ngại ngùng, mắc cỡ khi làm những việc mà từ lâu (họ cho) là nhiệm vụ của các vị thân mẫu. Thế là, dù là đứa đầu lòng hay kế tiếp, họ đều lúng túng và cũng…(tiếp tục) chẳng biết chi.
Thứ hai, Gia đình nhỏ ngày ngày vẫn do người phụ nữ quán xuyến mọi thứ. Khi vợ sinh, đàn ông cứ thế mà rảnh rang bừa bộn.
Ở những gia đình ở riêng, mẹ vợ thường mang con gái và cháu ngoại về nhà để tiện săn sóc. Và thế là một mình một cõi, đàn ông đã bừa nay còn bừa bộn hơn.
Khủng khiếp nhất là sau 2-3 tháng trở về nhà, người vợ có lẽ cũng không tin nổi đây có phải là…nhà mình không?!
Thứ ba, một điều khá nghịch lý là khoảng thời gian vợ mang thai và sinh con lại là khoảng thời gian…rảnh rang nhất đối với đàn ông Việt.
Việc đi lại khó khăn và không “kè kè” theo sát bên cạnh sẽ khiến các quý ông say sưa hơn với bia rượu, bóng đá, thậm chí là gái gú vì “thiếu hơi” vợ khá lâu.
Các cuộc vui cứ thế triền miên và “dễ thở” hơn bởi về nhà chỉ lăn ra mà không ai phàn nàn bởi “cô ấy giờ đã ở bên kia rồi”.
Đến đây, ai còn “dám” nghĩ đến việc đàn ông được “rảnh rang” thêm 2 tháng vì vợ thai sản!
Thứ tư, đây là điều khá quan trọng khi giờ đây, cánh đàn ông không còn bị vợ quản lý tài chính. Tiền lương cộng với các chế độ được công ty chi trả sẽ mau chóng biến mất nếu các quý ông không khéo léo và vung tay quá trán. Nhất là khi không có vợ bên cạnh.
Không bàn đến những phát sinh quá tiêu cực, đàn ông chắc chắn sẽ không nhớ nổi tại sao lương hết vì bấy lâu họ có bao giờ ghi chép, tính toán hay chi thu mọi thứ?!
Như thế, phụ nữ Việt sẽ giật mình thức giấc và mỉm cười về giấc mơ đàn ông…được nghỉ thai sản bởi ở thời gian này, Thụy Điển hạnh phúc một kiểu, đàn ông Việt sẽ sướng vui theo một kiểu khác. “Kinh hãi” hơn, Thụy Điển đang cân nhắc sẽ tăng thêm…1 tháng thai sản cho đàn ông nước họ.
Nghĩ đến đây, phụ nữ Việt Nam chắc... không dám nghĩ nữa.
Theo Mốt & Cuộc sống