Cuộc khủng hoảng Mỹ-Saudi liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi đang đặt ra câu hỏi về việc ảnh hưởng đến tầm nhìn của Washington đối với chính sách ở Syria, theo National Interest.
Chính sách của Mỹ ở Syria
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, Tướng Joseph Votel, hôm 21/10 cho biết, các lực lượng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm bắt đầu các cuộc tuần tra chung ở gần thị trấn Manbij, phía Bắc Syria.
Ngày hôm sau, Tướng Votel đến Al-Tanf, căn cứ của Mỹ ở khu vực miền Nam Syria gần Jordan và Iraq, nơi ông nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở này trong mục tiêu chống lại khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Chuyến thăm Al-Tanf và tuyên bố của ông về cuộc tuần tra Manbij đã phần nào làm rõ định hướng chiến lược của Mỹ tại Syria nói chung, khi Washington vẫn phải cam kết nhiệm vụ chiến đấu với IS nhưng các vấn đề leo thang khác đã buộc nước này phải chuẩn bị các giải pháp đối đầu với Iran và cố gắng giải quyết những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Rắc rối từ vụ việc Jamal Khashoggi
Trong một diễn biến khó lường trước, vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Riyadh ở Istanbul, đã thay đổi tính toán của Mỹ về một đồng minh quan trọng trong khu vực, đó là Saudi Arabia.
Saudi từng cam kết 100 triệu USD vào tháng 8 để hỗ trợ cho những nỗ lực “bình ổn” trên diện rộng ở miền Đông Syria.
Mỹ cũng muốn đối đầu với Iran và tìm kiếm ảnh hưởng ở phía Đông Syria nhằm có được một số đòn bẩy cho một chính sách rộng lớn hơn trong khu vực. Ngoài ra, với lệnh cấm vận Iran vào ngày 4/11, Washington muốn các đối tác và đồng minh sẽ đứng cùng chiến tuyến.
Các khoản chi trả cho cơ sở hạ tầng giúp củng cố sự ổn định và vai trò tiếp tục của Mỹ ở miền Đông Syria dường như là mục tiêu mà Riyadh và Washington đã thảo luận cùng nhau.
Hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh người Mỹ sẽ rời khỏi Syria trong thời gian “rất sớm”. Tuy nhiên, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã diễn giải lại ý định thực sự rằng họ sẽ rời đi nhưng chỉ khi Iran chấm dứt sự hiện diện ở quốc gia Trung Đông.
Cũng chính vì lý do này, Mỹ đang muốn giảm kinh phí cho miền Đông Syria và khuyến khích Saudi Arabia chi trả nhiều hơn. Trong ngắn hạn, điều này có nghĩa là quốc gia Ả Rập sẽ là người móc hầu bao chính còn Mỹ chỉ duy trì một lực lượng quân sự nhỏ trên mặt đất và đào tạo Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) để làm nốt phần còn lại.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Vùng Vịnh của Saudi Arabia Thamer al-Sabhan đã đến thăm miền Đông Syria vào tháng 10/2017 và chỉ hai tháng sau đó, Tổng thống Trump đã đề nghị nhà vua Saudi hỗ trợ số tiền lên tới 4 tỷ USD cho khu vực này.
Mọi thứ dường như khá tốt đẹp cho kế hoạch Syria của ông Trump và vai trò của Riyadh trong chính sách đối đầu với Iran cho đến khi bê bối sát hại Khashoggi bắt đầu nổ ra. Hiện tại, quan hệ Mỹ-Saudi đang trong cuộc khủng hoảng với việc Quốc hội đề nghị giảm doanh số bán vũ khí cho Riyadh.
Giữa cuộc khủng hoảng, Saudi Arabia đã lặng lẽ chuyển 100 triệu USD đến miền Đông Syria, theo tờ The New York Times.
Nhu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang thảo luận cách tốt nhất để theo đuổi vụ Khashoggi, bao gồm cả đặt áp lực lên Riyadh và Washington.
Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã rất căng thẳng từ trước đó, nhưng việc mục sư Mỹ Andrew Brunson được giải phóng cùng các cuộc gọi trao đổi thường xuyên giữa các quan chức cấp cao đã tạo cơ hội cho Ankara thúc đẩy Washington ủng hộ mình nhiều hơn.
Manbij là một nơi Thổ Nhĩ Kỳ muốn tuần tra chung. Tuy nhiên, Ankara đã phản đối mối quan hệ của Mỹ với Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), một phần của SDF.
Tờ Daily Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ rằng, Ankara muốn YPG sẽ bị loại khỏi Manbij sau các cuộc tuần tra chung. Thổ Nhĩ Kỳ gọi đây là "những kẻ khủng bố YPG” và có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) – vốn bị nước này coi là tổ chức khủng bố.
Tờ báo ủng hộ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã mô tả hoạt động đào tạo của Mỹ đối với lực lượng ở miền Đông Syria không khác gì việc tạo ra “đội quân khủng bố có 30.000 thành viên PKK”.
Điều này đã đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Các đối tác Mỹ ở Syria bị Thổ Nhĩ Kỳ nhìn nhận là kẻ thù trong khi Washington và Ankara lại đang tìm kiếm các nỗ lực tuần tra chung.
Đồng thời, Saudi đang rơi vào khủng hoảng đúng thời điểm các lệnh cấm vận của Iran đang bắt đầu và Mỹ muốn quốc gia này tài trợ thêm cho miền Đông Syria. Cả hai tình thế khó xử này cũng khiến cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi tiến không được, lùi không xong.
Để giải quyết vấn đề này, Mỹ có thể yêu cầu sự hỗ trợ thêm từ Saudi Arabia cho liên minh của mình và yêu cầu nhượng bộ từ Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy việc miễn giảm các lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran.
Điều này được cho là có thể khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu từng cho biết vào ngày 24/10 rằng Ankara đang có cùng suy nghĩ.
Ở lại miền Đông Syria để chống IS, đồng thời để mắt đến sự hiện diện của Iran đã trở thành một chính sách trung tâm của chính quyền Trump trong thời gian này.
Tuy nhiên để làm điều đó, Washington cần sự hỗ trợ của các quốc gia vùng Vịnh, bao gồm UAE, Bahrain và Saudi Arabia, trong khi phải cân bằng nhu cầu Thổ Nhĩ Kỳ - điều được coi là thách thức không nhỏ của Tổng thống Trump.