Về vấn đề này thì hiện tại pháp luật Việt Nam không có quy định về việc xóa quan hệ huyết thống hay chấm dứt quan hệ huyết thống giữa con cái với cha mẹ. Hiện không có văn bản pháp luật nào quy định về việc giải quyết chấm dứt quan hệ cha, mẹ, con giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ.
Khi người con đã đạt đến độ tuổi nhất định có đầy đủ hành vi dân sự (đã thành niên) thì có quyền tự quyết định về hành vi, về cuộc sống riêng của mình, khi đó cha mẹ chỉ là những người thực hiện quyền của cha mẹ, từ sự dẫn dắt chủ động, trực tiếp sang hướng dẫn, gợi ý, cố vấn, giúp đỡ... cuộc sống của con.
Quan hệ giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ hình thành một cách tự nhiên bằng con đường huyết thống. Do đó, sự gắn bó tình cảm và mối liên hệ giữa cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ là quy luật tự nhiên, có tính bền vững bất biến bởi nguồn gốc huyết thống, vì vậy, quan hệ huyết thống tự nhiên không thể chấm dứt theo ý chí chủ quan của con người. Pháp luật cũng không thể định đoạt việc chấm dứt quan hệ huyết thống vì điều đó trái với lẽ tự nhiên.
Theo luật Hôn nhân và gia đình thì cha mẹ có quyền và nghĩa vụ phải thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Hiện pháp luật chỉ quy định về việc cha mẹ nuôi có quyền yêu cầu tòa ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi nếu người con nuôi có hành vi nghiêm trọng xâm phạm thân thể, nhân phẩm hoặc có hành vi khác làm cho tình cảm của cha mẹ nuôi không còn nữa.
Còn đối với các hành vi con cái đối xử tệ bạc với cha mẹ thì đã có căn cứ xử lý.
Tại khoản 2, Điều 70 và 71 Luật Hôn nhân và gia đình quy định con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ; có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt, khi cha mẹ ốm đau, già yếu...
Điều 49, Điều 50, Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP; Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định các chế tài tương ứng mà con cái phải chịu khi có hành vi xúc phạm, ngược đãi, hành hạ cha mẹ.
Như vậy, tùy thuộc vào mức độ và hậu quả của hành vi đã gây ra, con cái có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định đã nêu. Cụ thể, có thể bị phạt tiền, phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ hoặc có thể bị phạt tù với mức cao nhất là 5 năm.
Do vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình, tránh xảy ra những sự việc không mong muốn, nếu con cái có hành vi tệ bạc với cha mẹ thì cha mẹ nên yêu cầu cơ quan nhà nước vào cuộc giải quyết bằng việc làm đơn trình báo, tố giác đến cơ quan công an hoặc tòa án có thẩm quyền.
Minh Hoa (t/h)