'Cơn bĩ cực' của người Việt nhập cư bất hợp pháp ở Nga

'Cơn bĩ cực' của người Việt nhập cư bất hợp pháp ở Nga

Thứ 3, 06/08/2013 10:39

Sau một ngày vất vả tìm nơi nhà chức trách giam giữ dân nhập cư bất hợp pháp sống trong dãy lều bạt dã chiến của lính còn mới căng tạm ngoài trời (ở quận Golyanovo, đông bắc Mátxcơva), tôi cũng chỉ đành chấp nhận đứng bên ngoài mà... nhìn vào (!), bởi chính quyền Nga đã có lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Cảnh sát luôn túc trực canh gác khu lán trại nghiêm ngặt 24/24 giờ!

Trống trải

Tôi đành phải ngậm ngùi nhìn cảnh bà con mình sống thấp thỏm lo âu trong những dãy lều xa xa, trống trải thiếu thốn từ tình cảm đến sinh hoạt hằng ngày. Tôi cứ đi đi, lại lại bên ngoài cửa và hy vọng có một người nào đó lại gần để trò chuyện hỏi han, nhưng rõ ràng, đây là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Muốn làm thân với các nhân viên an ninh gác cổng bên ngoài khu lều bạt, nhưng họ giữ khuôn mặt lạnh như tiền, dù tỏ ra thông cảm với tình cảnh bà con đồng hương xa xứ của tôi. Họ cho biết, lệnh cấm tiếp xúc đã được ban ra và họ phải chấp hành. Tuy nhiên, trước sự kiên trì của tôi, những người bảo vệ khu lán trại cũng hé lộ dần một chút thông tin. 

Theo lời các nhân viên an ninh, các lao động bị tạm giữ tại đây sẽ chờ ngày ra tòa và bị trục xuất. Trong khu lều hiện nay không còn trẻ em. Các em bé cùng mẹ đã được đưa ra ngoài, đến những nơi có điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Tôi hỏi han về chuyện ăn uống, sinh hoạt của bà con. Họ khẳng định chế độ sinh hoạt cho các lao động bị tạm giam đều được đảm bảo, rồi nở nụ cười hiếm hoi, hỏi lại: “Người Việt Nam các anh chỉ thích ăn cơm phải không?”.

Dù những nhân viên này trấn an tôi rằng khu lán trại đáp ứng mọi điều kiện sinh hoạt cho những người Việt Nam bị tạm giữ, nhưng lòng tôi dấy lên nỗi xót xa: “Làm sao có thể đầy đủ trong điều kiện lán tạm dã chiến như thế này?”.

Theo con số mới nhất, số người bị giam tại đây vào khoảng hơn 600 người. Phần đông là phụ nữ trẻ. Bây giờ còn là mùa hè, trời chưa lạnh nhưng đã lác đác mưa. Nhìn cái khoảng mênh mông của nền ximăng vô cảm, nơi sắc xanh xám ảm đạm của những mái lều bạt càng khiến cho nó lạnh lẽo, tôi nghĩ: “Họ sẽ sống thế nào khi mùa đông lạnh âm hàng chục độ C của nước Nga đang dần tới nếu như mọi chuyện không nhanh chóng được “giải quyết” sớm để có thể trở về nước? Mà ngay cả khi giấy tờ đã được thông qua, họ cũng có thể sẽ phải chờ mất gần... vài tháng - theo những nguồn tin thông thạo cho biết.

Vạ lây

Chiến dịch “bàn tay sắt” trấn áp người nhập cư bất hợp pháp của Nga hồi tuần trước xuất phát từ vụ một nhóm người nhà tên tội phạm gốc Dagestan (thuộc Liên Xô cũ) - kẻ bị tình nghi làm nhục bé gái Nga 15 tuổi - đã xông vào đánh vỡ sọ một cảnh sát hình sự hôm 27.7. Vụ việc đã gây sửng sốt đối với giới lãnh đạo Nga cùng người dân địa phương.

Và điều này khiến những bức xức của cộng đồng người Nga bấy lâu đối với người nhập cư thành “giọt nước tràn ly”. Thật không may, người lao động Việt Nam đã trở thành nạn nhân chịu chung số phận trong chiến dịch truy bắt dân nhập cư bất hợp pháp ráo riết của chính quyền.

Các phương tiện truyền thông Nga những ngày này liên tiếp đưa tin về những vụ bắt giữ người nhập cư trái phép. Con số bị bắt hiện đã quá 1.500 người (trong đó người Việt “chiếm” trên... 1.200 người) những ngày sắp tới còn lên nữa. Phần đông lao động đến Nga là từ các nước Trung Á (thuộc Liên Xô cũ),  Trung Quốc, Việt Nam, Arab, Syria, Ấn Độ...

Đa phần những người nhập cư trái phép này chỉ lao động chân tay tại các xưởng may, nông trường, các khu chợ, công trường... Trình độ văn hóa thấp, sự thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như tình trạng khó khăn về kinh tế đã khiến cho họ không còn đường nào khác là chấp nhận liều mình ở lại để mưu sinh.

Tiêu điểm - 'Cơn bĩ cực' của người Việt nhập cư bất hợp pháp ở Nga
Đa số các lao động bị tạm giữ trong trại là phụ nữ trẻ.


Xưởng “đen”, “trắng” và “xám”

Thông thường dân nhập cư vào Nga qua con đường du lịch với thị thực loại 3 tháng, sau đó thì tìm cách ở lại (sống bất hợp pháp) tá túc chỗ đồng hương rồi tìm việc làm. Trong số cộng đồng người nhập cư đông đảo vào Nga, có đội quân gốc người Hoa chuyên đánh hàng từ Trung Quốc sang và bán buôn tại chỗ. Trong khi đó, người Việt Nam cũng như dân Trung Á lấy lại hàng Trung Quốc và tiêu thụ. Hàng Trung Quốc chiếm khoảng 70% thị phần, thậm chí len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm trên lãnh thổ Nga!

Khi người Việt Nam nhạy bén tổ chức lập các xưởng may để tạo nguồn hàng tại chỗ cũng là lúc phát sinh nhiều tiêu cực. Bởi muốn làm giàu thì phải “đi tắt”. Nghĩa là có sự lẫn lộn giữa hợp pháp và bất hợp pháp về thủ tục giấy tờ, thuế má... mà người ta hay gọi “xưởng đen” (bất hợp pháp), “xưởng trắng” (hợp pháp), “xưởng xám” (bán hợp pháp). Cũng từ đây, nhà chức trách bắt đầu để ý và truy quét. Xung quanh chuyện xưởng may có bao nhiêu hệ lụy kéo theo, từ con người đến tội phạm và cả những sự đau thương mất mát, thậm chí là ảnh hưởng đến hình ảnh của cả cộng đồng Việt Nam đang làm ăn và sinh sống hợp pháp trên nước Nga.

Hoàn cảnh của họ đáng thương hơn là đáng giận. Kẻ đáng giận là những kẻ “cò mồi” ở Việt Nam phối hợp với tội phạm ở Nga đưa đẩy chèo kéo rủ rê với lời hứa hão khi đưa ra miếng mồi kiếm cả ngàn USD một tháng ở Nga trong các xưởng may. Thực ra, có những xưởng may hợp pháp với công ăn việc làm ổn định, công nhân may người Việt tại Nga vẫn kiếm được số tiền đó một cách bình thường, với điều kiện họ phải chịu khó làm thêm ngoài giờ nhằm tăng thêm thu nhập; bởi đồng lương quy định cũng chỉ khoảng mấy trăm USD một tháng.

Song nếu cứ “nhắm mắt đưa chân” mà không chịu tìm hiểu kỹ càng đối tác trước khi nộp tiền cho “cò mồi”, họ sẽ phải đối mặt với viễn cảnh tha phương cầu thực nơi các xưởng may “đen”. Trong lúc, người thân ở quê nhà nào có được yên? Lo ngược rồi lại lo xuôi cho con đi “làm ăn ở nước ngoài”, để rồi lo lắng chờ tin con bị bắt.

Người Nga nổi giận

Tính đến ngày 4.8, có gần 1.200 người Việt (trong số 20 xưởng may bất hợp pháp tại Mátxcơva, khu vực cạnh chợ Vòm cũ qua đợt truy quét đầu tiên) bị đưa về các đồn cảnh sát sàng lọc trước khi nhập trại. Rất may, một số anh chị em đã được người thân tìm cách “giải cứu”, nhưng hãy còn quá ít! Bởi cái sự tặc lưỡi hết sức chủ quan kiểu như: “Ôi dào, lại “bắt cóc bỏ đĩa” ấy mà”. Họ chưa nhận thức được rằng đây là chiến dịch thực sự.

Người Nga vốn dễ tính và rất nhân hậu. Họ sẵn sàng cho qua những hiện tượng quấy rầy này trong một phạm vi nào đó. Nhưng khi những bất bình từ các vụ việc do người nhập cư gây ra ngày càng tăng, người Nga đã không còn nương nhẹ. Vì thế, tần số các đợt truy quét tăng dần. Không giới hạn ở các xưởng may, chợ búa, công trường, nông trường... phạm vi mở rộng trong các ký túc xá, căn hộ cho thuê, trên phương tiện giao thông công cộng - chiến dịch được mang tên “An toàn”.

Các tổ chức của người Việt Nam từ Bộ Ngoại giao, đại sứ quán, các hội đoàn và toàn thể bà con cộng đồng Việt Nam tại Nga, hay ở trong nước... đã thể hiện sự quan tâm lo lắng bằng việc làm thiết thực đến hoàn cảnh hiện tại của bao nhiêu con người không may sa vòng lao lý tạm thời.

Các cuộc thăm viếng, họp khẩn bàn bạc (mang tính chất “hội nghị Diên Hồng” trong cộng đồng) đã được thông qua nhằm tìm biện pháp hữu hiệu giúp đỡ tạo điều kiện để giải quyết càng sớm càng tốt trong phạm vi pháp lý của bạn cho phép. Hiện tại, theo chúng tôi được biết, những người có giấy tờ hợp pháp sẽ được trả tự do. Chỉ những người chưa xác định rõ lai lịch (do không có giấy tờ tùy thân trong tay) sẽ phải chờ thêm hoặc nếu không may thì phải chấp nhận mua vé trở về theo diện trục xuất của bạn. Một số có thể sẽ được trợ cấp từ phía chính phủ bạn ở mức độ nào đó.

Thực tế đáng buồn nói trên cũng sẽ kịp thời cảnh tỉnh cho những ai nuôi ảo tưởng đổi đời ở xứ người nên thận trọng trước khi quyết định nộp tiền cho những kẻ “cò mồi” ở cả Việt Nam và cả tại Nga.

Theo Lao động

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.