Liên tiếp nhập hàng
Ngày 23/5/2018 tại cảng Cát Lái (quận 2), lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 3,3 tấn vảy tê tê nhập khẩu trái phép từ Nigeria quá cảnh đi Campuchia của công ty TNHH Thương mại Vĩnh Thịnh (địa chỉ tại 239/23 Tân Quý, quận Tân Phú). Trên thông tin của đơn vận hành hàng thể hiện là hạt điều sấy khô, đựng trong 87 bao tải.
Để qua mắt lực lượng chức năng, công ty này khai báo lô hàng là hạt điều sấy khô và cất giấu rất tinh vi bằng cách dùng các bao tương tự các bao chứa hạt điều, sau đó để các bao vảy này vào phía trong cùng của container, rồi dùng các bao hạt điều bao bọc xung quanh.
Trước đó, ngày 27/4, cũng tại cảng Cát Lái, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 4 tấn vảy tê tê nhập về. Số hàng gần 4 tấn vảy tê tê đóng trong hơn 100 bao tải, được nguỵ trang rất tinh vi, xung quanh là các khối gỗ, chứa trong 2 container được nhập khẩu từ Công Gô. Trước khi về Cát Lái vào ngày 22/4, nó được trung chuyển qua cảng SGSIN – Singapore.
Theo thông tin trên đơn vận hàng, nơi nhận là công ty TNHH Thiên Phúc Đức (địa chỉ số 50, đường Nguyễn Trãi, khu phố Phước Thiện, phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước). Mặt hàng khai báo là hàng hóa gỗ các loại.
Theo thông tin mà PV có được, công ty Thiên Phúc Đức mới thành lập vào ngày 5/9/2017, có người đại diện pháp luật là Nguyễn Anh Tuấn với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà các loại.
Tìm mua tê tê
Trước những vụ việc liên tiếp nhập hàng là vảy tê tê về Việt Nam, PV đã vào cuộc tìm hiểu thị trường ngầm này. Thực tế cho thấy, vẫn còn các "giao dịch" đen về loài thú quý hiếm này. Khi hỏi về thịt rừng, Quang, một đầu mối chuyên cung cấp mặt hàng này ở quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết: “Hiện, hàng rừng thì có nhiều, quan trọng là bên anh yêu cầu thứ gì, em mới báo giá được”. PV đề nghị cung cấp tê tê, Quang nói: “Tê tê phải đợi lấy hàng về, vài ba ngày sau mới có chứ không còn sẵn”. Dù vậy, Quang vẫn báo giá: “Chừng 5 triệu đồng/kg, hàng còn sống”.
Cố hỏi thêm về nguồn gốc “hàng”, đối tượng này cho hay: “Hàng này từ nước ngoài về, đúng hàng rừng, không phải loại nuôi nhốt như mấy chỗ khác. Có em sẽ alo (gọi điện thoại - PV) cho anh ngay, loại chừng vài ba kg”.
Còn vảy tê tê, hiện một số địa điểm cũng đang chào bán vảy tê tê, kèm theo đó là giới thiệu công dụng "thần dược" của nó. PV liên hệ số điện thoại 0932340xxx đề nghị được giao dịch trực tiếp nhưng người này không đồng ý và cho biết: "Anh cần mua bao nhiêu, giá bán là 5 triệu đồng/kg. Nếu lấy từ 1kg trở lên thì có người liên lạc lại, chứ dưới thì không cung cấp".
Sau cái gật đầu, có một người khác liên hệ với PV nhưng vẫn không đồng ý gặp mặt, giao dịch trực tiếp. "Nếu đồng ý mua thì anh chuyển khoản tiền cọc, sau đó bên tôi sẽ giao hàng cho anh. Nếu anh thấy hàng không đảm bảo thì sẽ trả lại tiền. Đây là vảy tê tê từ châu Phi về, đảm bảo tốt nhất thị trường. Người ta mua nhiều lắm, giờ chỉ còn vài kg thôi, nếu anh không lấy mai một hết hàng là phải đợi đó", người này nói.
Theo một người từng biết nhiều về mánh khoé làm ăn của các đối tượng này thì rất có khả năng, các đầu nậu hay "ông trùm" chuyên nhập lậu hàng tấn vảy tê tê về Việt Nam, sau đó, xé lẻ cho các đầu mối, đại lý cấp 2, 3 và bán lẻ cho người có nhu cầu. Hiện nay, dù cấm nhưng những người biết vẫn có thể tìm mua vảy tê tê dễ dàng, quan trọng là giá bao nhiêu mà thôi.
Trong khi đó, theo nhận định của lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM thì các đối tượng buôn lậu, vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm thuộc danh mục cấm đã lợi dụng là doanh nghiệp ở các địa phương ngoài TP.HCM để thực hiện, đặc biệt là lợi dụng thủ tục hải quan trong việc phân luồng để nhằm đưa hàng cấm vào Việt Nam.
Để phá được các chuyên án này là chuyện không dễ. Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng phụ trách cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Lực lượng chức năng đã bám sát trong công tác phòng chống buôn lậu, kể cả trong và ngoài ngành, cùng với đó là các thông tin tình báo từ nước ngoài. Khi có thông tin, lãnh đạo cục Hải quan TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ, thực hiện soi chiếu các container ngay khi hàng vừa nhập cảng.
Cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng Ông Nguyễn Xuân Lưu, Chi Cục trưởng chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết, để phát hiện và ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã là vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp. Bởi, việc buôn bán này mang lại lợi nhuận cao cho các đối tượng phạm pháp, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ lại lớn nên các đối tượng đã bất chấp các quy định của pháp luật để săn bắt, vận chuyển trái phép. Do đó, để hạn chế tình trạng này rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng: Cảnh sát môi trường, hải quan, quản lý thị trường… đồng thời, phải tuyên truyền, vận động người dân nói không với động vật hoang dã”. |