Sau khi Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, nhằm bảo vệ nước này trước nguy cơ tấn công hạt nhân từ Triều Tiên, Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch trả đũa kinh tế với các công ty Hàn Quốc tại nước này. Bắc Kinh cũng tạm dừng những chuyến du lịch của công dân Trung Quốc tới Seoul.
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Joo Hyung-hwan cho biết, nước này đã đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) "tố" Trung Quốc đã vi phạm một số hiệp ước thương mại khi trả đũa các công ty Hàn Quốc.
Theo South China Morning Post (SCMP), hoạt động trả đũa kinh tế được xem là vi phạm các quy định của WTO. Vì thế, khi một chính phủ tiến hành động thái này, họ thường triển khai dưới dạng không chính thức, bằng cách siết chặt thủ tục hải quan và định hướng người tiêu dùng thông qua truyền thông trong nước.
Các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Trung Quốc cũng đang gia tăng xu hướng dùng "trả đũa thương mại" làm công cụ chính thức.
“Trung Quốc đã thể hiện sức mạnh kinh tế với tần suất thường xuyên và phạm vi rộng lớn hơn, kết hợp các biện pháp ưu đãi và cấm vận kinh tế, để đạt được mục tiêu trong chính sách đối ngoại”, cây bút Cary Hang của SCMP bình luận.
Cần thừa nhận thực tế, mỗi quốc gia khi đề ra một chính sách đối ngoại, cần đảm bảo lợi ích dân tộc là lợi ích tối cao. Song các chuyên gia nhận định, việc liên tục lạm dụng trả đũa thương mại sẽ không giúp Trung Quốc đạt được các mục tiêu đề ra, mà còn làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế. Hoặc thậm chí Bắc Kinh cũng sẽ bị tổn thất.
Xem thêm >>> Trung Quốc có thể vô hiệu khả năng phòng thủ của hệ thống THAAD?
Thứ nhất, các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh với Hàn Quốc có thể phá hỏng nỗ lực nhằm được WTO công nhận là nền kinh tế thị trường, trong đó có việc giúp Trung Quốc tránh được các hạng mục thuế chống bán phá giá.
Thứ hai, trả đũa thương mại có thể gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế nội địa. Các biện pháp trừng phạt kinh tế, hạn chế ngoại thương như “con dao hai lưỡi” sẽ tác động xấu đến thị trường xuất khẩu trong nước.
Thứ ba, các quốc gia bị trả đũa thương mại sẽ buộc phải định hướng nền kinh tế bằng cách chuyển sang tìm kiếm các nhà cung cấp và thị trường khác. Điều này sẽ kìm hãm khả năng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Thứ tư, việc thường xuyên sử dụng các công cụ trả đũa sẽ làm suy yếu môi trường đầu tư của Trung Quốc. Các lệnh trừng phạt của nước này sẽ làm nhà đầu tư nước ngoài quan ngại bởi bất cứ lúc nào rủi ro sẽ thường trực nếu làm ăn ở thị trường này.
Cuối cùng, chính sách trừng phạt thương mại của Bắc Kinh sẽ làm các nước khác xem xét lại quan hệ tương lai với Trung Quốc. Các hành động mang tính trả đũa sẽ gây ra sự ngờ vực, tạo “hạt giống” thù địch ở người dân các nước.
Một cuộc thăm dò dư luận gần đây ở Hàn Quốc do viện Nghiên cứu chính sách Asan công bố cho thấy, nếu như trước đây, cựu thù Nhật Bản là quốc gia bị người Hàn ghét nhất, thì nay quốc gia nhận được "vinh dự" này không phải ai khác mà chính là Trung Quốc.
Xem thêm >>> Ba kịch bản Trump có thể dùng để 'tự giải quyết' vấn đề Triều Tiên
Phương Anh