Có thể nói “cuộc chiến” mẹ chồng nàng dâu từ lâu nay vẫn đang âm ỉ trong nhiều gia đình. Nhất là sự đối lập giữa quan điểm sống, chăm cháu, chăm con…
Tuy nhiên, con dâu thời hiện đại không còn “ngậm đắng nuốt cay” mà sẵn sàng lên mạng xã hội kể xấu, “tố” mẹ chồng đối xử không tốt. Mới đây, câu chuyện về mẹ chồng của chị Ngô Tâm đã khiến nhiều chị em tranh cãi.
Chị Ngô Tâm viết: "Trước khi lấy chồng em rất lo lắng về chuyện làm dâu, em luôn sợ mẹ chồng dù mẹ chồng tương lai của em là người hiền, chu đáo với con cái. Chồng em là con trai một, thế nhưng vì sợ cảnh làm dâu nên cưới xong em liền rủ chồng em đi làm ăn xa. Đến Tết vợ chồng em mới về, nhưng mỗi khi thấy gia đình nhà chồng vui vẻ bên nhau em lại chạy vào khóc. Vì em nhớ gia đình, dù nhà em chỉ cách nhà chồng có 7km. Hoặc em thấy bố mẹ chồng đối xử tốt với chị chồng là em lại rưng rưng nước mắt.
Những lúc như thế em nghĩ nếu mình không lấy chồng thì giờ này đâu phải rửa chén, phải làm hết công việc nhà. Rồi em để ý thấy mẹ chồng em trách móc chồng em đủ thứ chuyện vì em lấy chồng 3 năm mới có bầu nên mẹ chồng nói em là con dâu không biết đẻ, lấy nhầm con dâu đực. Từ đó, mẹ chồng em bắt em làm hết việc nọ việc kia và thường xuyên can thiệp vào chuyện riêng tư của vợ chồng em. Chỉ đến khi em có bầu thì thái độ của mẹ chồng em khác hoàn toàn. Thấy mẹ chồng thương con dâu nhiều hơn, nhưng em vẫn có ác cảm và không thể nào xóa được…”.
Câu chuyện của Ngô Tâm nhanh chóng được nhiều bình luận cũng như ý kiến trái chiều.
Chị Thanh Vân (Hà Nội) bày tỏ: “Là tôi sẽ không ưng cô dâu này, vì sợ mẹ chồng mà bắt chồng đi làm ăn xa. 3 năm không thể sinh được con mẹ chồng nào chẳng lo lắng. Giờ bà chăm sóc, đối xử tử tế còn kêu ác cảm. Đúng là sướng không biết đường hưởng thụ”.
Còn Nguyễn Định bình luận: “Thời buổi này con dâu cứ như bà hoàng ấy nhỉ, tại sao lại đi kể xấu mẹ chồng, cuối cùng lại yêu, lại thương. Như vậy chẳng khác nào đang vạch áo cho người xem lưng. Nói chung nếu đã yêu thương mẹ chồng thật sự thì nên giữ kín trong lòng. Những bực dọc trước đây cũng nên bỏ qua để sống cho nhẹ nhõm. Giờ bà đã chăm cháu, lo lắng cho từng tý một là nhất rồi”.
Ngô Tâm cũng cho biết thêm, cô viết ra những điều này để những cô con dâu hiểu được rằng, đừng vội kết luận bất kỳ mẹ chồng nào nếu mới gặp. Phải sống lâu mới biết các mẹ chồng cũng yêu và chiều con dâu đến mức nào.
“Lúc gần sinh, mẹ chồng liên tục gọi điện giục tôi về nhà sinh con để bà chăm sóc. Ngày tôi đi đẻ, nghe thấy điện thoại con dâu báo đau bụng mẹ chồng liền gom quần áo thuê vội tacxi đến đưa con dâu đi viện. Tôi đau bụng 16 tiếng mới sinh, trong 16 tiếng đó tôi mới biết mình may mắn vì làm dâu của mẹ. Mẹ chồng đi mua cháo, đi mua nước ấm, dìu con dâu đi từng bước một, thay tã cho con dâu và thức đêm ngồi quạt để con dâu có thể ngủ được.
Tôi sinh xong mẹ chồng thay quần áo, rửa vết thương, thức trông cháu không về. Nghe thấy cháu khóc một tiếng là chạy ra bế cháu, cơm nước đem tới tận nơi. Thật sự giờ tôi thương mẹ chồng như mẹ ruột. Tôi buồn vì trước đây đã nghĩ mẹ chồng như vậy, nghĩ mẹ không thương con dâu”, Ngô Tâm chia sẻ.
Mai Thu