Nào chuẩn bị nước tắm, làm nước ép trái cây, bóp chân, đấm lưng, đắp mặt nạ sữa chua… ngày nào cô cũng bắt tôi làm đi làm lại những việc như thế khác nào huấn luyện chó nghiệp vụ. Ra ngoài cô bả lả, ngọt nhạt, còn tôi luôn phải ngoác miệng ra cười để đánh lừa thiên hạ nên ai cũng tưởng mình là một cặp đôi mẫu mực và hạnh phúc. Hàng xóm trầm trồ rằng tôi chiều vợ nhất phố, nhưng họ đâu biết tôi chỉ là thằng ngố, thằng đần, còn vợ tôi là cọp cái, là quỷ dạ xoa.
Cô bảo rẽ trái thì bố xui tôi cũng không dám rẽ phải, cô bảo mưa là mưa, bảo nắng là nắng. Cô bắt mặc áo xanh thì mẹ xui tôi cũng không dám mặc áo đỏ. Cô biến chồng thành hòa thượng “ăn mặn ngủ chay” không kì hạn tôi cũng không dám đấu tranh đòi quyền lợi nhưng hễ mặc đẹp ra khỏi nhà là ngay lập tức cô cử người theo dõi. Cô nghĩ tôi có thể làm gì xấu sau lưng khi trong túi không xu không xèng. Tôi vô phúc kết hôn nhầm với một người yêu tiền nên biến chồng thành nô lệ, còn mình sẵn sàng làm nô lệ của tiền…
Uống nửa chai quốc lủi cho tăng độ liều, Quy lấy hết can đảm “xổ” ra một hồi cho bõ nỗi ấm ức bị đè nén suốt hai chục năm qua, rồi muốn ra sao cũng mặc kệ. Ban đầu anh không nghĩ mình sợ vợ, chỉ đơn giản là: “Cơm sôi bớt lửa” cho êm ấm cửa nhà và làm gương cho con cái. Mình sợ vợ mình chứ có sợ vợ thằng bạn hay vợ hàng xóm đâu mà xấu hổ. Chẳng nhẽ vì chuyện cơm sôi quá lửa mà đổ vỡ thêm lần nữa chắc không dám nhắc tới hai từ đàn bà trong đời.
Chỉ cần quay lưng đi, cô không tiếc dành cho mẹ chồng
những lời cay nghiệt (Ảnh minh họa)
Tuy không hương nhưng cậy có tí sắc nên Thảo luôn nghĩ mình trên chồng một bậc. Tuổi chỉ bằng hơn một nửa, nhan sắc vượt trội. Trong lúc cô đang hơ hớ vào xuân thì anh dường như phong độ đã lên đường tụt sang bên kia sườn dốc. Vẫn biết Thảo có nhiều toan tính trong cuộc hôn nhân này nên cô mới chấp nhận lấy một người đàn ông hơn mình cả hai chục tuổi, từng ly dị và có một cô con gái riêng nhưng tiền tiêu thì không cần phải đắn đo suy nghĩ.
Trước khi cưới, tất cả Quy đều chiều theo ý người đẹp, từ việc mua sắm đồ trang trí phòng cưới đến việc đổi xe hơi cho hợp thời hợp mốt… Rước nàng về dinh chưa được bao lâu thì có tin vui, Thảo mang bầu đứa cháu đích tôn của dòng họ. Sinh con chưa đầy năm, cô ép chồng cho mình quản lý tiền bạc – công việc vốn thuộc về mẹ chồng cô từ nhiều năm nay. Nếu không chịu, cô sẽ ôm con về nhà mẹ đẻ và tuyệt giao tất cả.
Có tầm nhưng chẳng có tâm, cậy mình có tấm bằng thạc sĩ về chuyên ngành Xã hội học (chẳng liên quan gì đến kinh doanh) nhưng nhất định đòi làm kế toán trưởng gia đình.
Anh tận tình khuyên giải: “Ba mất sớm, mẹ chỉ có mỗi việc đó làm niềm vui. Mà mẹ cũng đâu có giữ cho riêng mình, mẹ chỉ có mình anh nên tất cả là của vợ chồng mình chứ còn ai vào đây tranh cướp. Em nhường mẹ một chút cho vui cửa vui nhà”. Cô cự nự lại ngay: “Nhường ư! Anh nói nghe hay nhỉ! Sao anh không bảo mẹ anh nhường em vì trước sau gì em cũng làm chủ cái nhà này mà. Vả lại, nhìn thấy tiền thì ai chẳng vui”.
Công ty kinh doanh phụ tùng ô tô của Quy tuy không lớn lắm nhưng làm ăn phát đạt, tiền lãi hàng năm lên tới con số vài tỷ. Thảo đang sống trong đầm lầy giờ nhìn thấy biển sao không nổi máu tham? Cô lý sự với mẹ chồng: “Tiền là do chồng con kiếm nên việc vợ quản lý tiền cho chồng vừa hợp tình, vừa hợp lý. Người ta vẫn ví vợ như cái két sắt của chồng, chẳng lẽ mẹ không hiểu”. Trước mặt chồng, cô tỏ vẻ biết điều, đúng mực trong cư xử với mẹ chồng, nhưng chỉ cần quay lưng đi là cô sẵn sàng ghé tai bà nói đủ lời cay nghiệt: “Bà già bẩn thỉu đừng có đụng tay vào thằng bé, bà mà sờ vào nó, tôi bẻ tay. Già mà sống dai như đỉa, người đáng chết thì chưa chịu chết”.
Bà không phải là người ngoa ngôn sắc sảo, mà chỉ biết sống hết lòng cho con. Giờ phải nghe những lời không đáng nghe đó, bà chịu không nổi, huyết áp tăng cao và bị đột quỵ. Bất hạnh của mẹ chồng lại mở ra một tương lai có phần vui vẻ và toại nguyện cho nàng dâu.
Giống như lệ cũ, Quy chỉ biết kiếm tiền chứ không nghĩ sẽ phải tự giữ tiền vì trước đây, anh yên tâm giao cả cho mẹ. Tiền nhiều bao nhiêu Quy không biết nhưng Thảo thì rất rõ, cô mặc định khối tài sản đó là của mình nên quay sang đua đòi kinh doanh bất động sản và chơi chứng khoán. Chỉ cần nghe đâu có tiền thì dù nửa đêm gà gáy cũng“thân gái dặm trường” lặn lội tận nơi. Công ty của Quy bị cạnh tranh khốc liệt đến mức phải hoạt động cầm chừng chỉ đủ kiếm tiền nuôi thân. Thế là cô mượn cớ ép chồng đóng cửa ở nhà phục vụ vợ con: “Anh có tuổi rồi, cũng đến lúc nên nghỉ ngơi và cùng em hưởng thụ cuộc sống”. "Hưởng thụ" - hai từ đó nghe quá xa vời, thực chất anh phải hầu hạ “dạ vâng” thì đúng hơn.
Hai vợ chồng ngủ hai phòng riêng vì cô không muốn chồng nghe và hiểu chuyện làm ăn của mình. Nửa đêm gà gáy anh “thèm vợ” mò vào, chưa kịp xin xỏ đã bị trừng mắt phẩy tay: “Mồm miệng hôi hám, đi ra ngoài đi, đừng làm mất giấc ngủ của em”. Một mặt, cô cố tỏ ra mình là người có tiền và hạnh phúc ngời ngời trong mắt mọi người, một mặt cô tỏ rõ cái oai với chồng và cái uy với người nằm liệt giường chỉ biết giương mắt nhìn vô cảm. Cô hất hàm bảo giúp việc: “Cho bà ấy ăn vừa thôi, ăn lắm chỉ tổ ỉa đùn đái dầm suốt ngày. Chết sớm ngày nào nhẹ nợ ngày ấy”.
Con đến gần bà, Thảo quát ngay: “Ra ngoài kia. Vào đây làm gì cho ô nhiễm”. Thấy mẹ có chiều hướng xấu đi, Quy bàn với vợ: “Mình cho mẹ vào khoa tự nguyện điều trị nhé”. Cô trợn mắt lườm chồng: “Mẹ anh một phần sống, chín phần chết vào đó để đốt tiền à?”. Không chịu nổi sự ngang ngược của vợ, nhưng anh cũng không đủ sức để “nện cho một trận” đành phải mượn rượu nói vài câu cho bõ tức.
Anh chưa bao giờ sợ vợ ngoại tình vì với một người quá yêu tiền thì sẽ chẳng bao giờ yêu được người nào khác. Trong mắt họ, tất cả đàn ông trên thế gian đều là phu mỏ mà thôi.
Theo Hạnh phúc gia đình