Như báo Người Đưa Tin phản ánh, cục Quản lý Khám chữa bệnh (bộ Y tế) đã nhận được báo cáo nhanh của bệnh viện Đại học Y Hà Nội về sự việc nhóm đối tượng mang hung khí xông vào hành hung bệnh nhân ngay tại khoa Cấp cứu của bệnh viện.
“Bệnh viện đã có biện pháp kịp thời cứu chữa người bệnh và báo cáo xử lý nhanh về bộ Y tế. Chúng tôi hoan nghênh việc làm này từ phía các cán bộ, công nhân viên chức của bệnh viện Đại học Y Hà Nội”, ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh cho hay.
Nhận định về vụ việc trên, Ths. Trần Đăng Thảo - viện Tâm lý Giáo dục Pháp luật cho rằng, vấn đề an toàn tại bệnh viện bị đe dọa thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Các vụ việc côn đồ xông vào bệnh viện truy sát là do nguyên nhân xã hội, nổi cộm lên các băng nhóm. Vấn nạn bạo lực gia tăng là điều đáng báo động.
Liên quan đến tình trạng bác sĩ bị người nhà hành hung, bệnh nhân bị tấn công, theo Ths. Trần Đăng Thảo, có 3 nguyên nhân chính. Ths. Thảo cho rằng, do một bộ phận bác sĩ còn non kém về góc độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, thái độ,... dẫn đến hành vi manh động của một số trường hợp điển hình.
“Vấn đề liên quan đến sức khỏe, mạng sống là vấn đề hết sức nhạy cảm, dễ gây ra những phát sinh, tiêu cực. Gần đây, nhiều người cứ lên mạng lại “cập nhật” những vụ việc nổi cộm về sự tắc trách của nhân viên y tế. Vô hình trung, những sự việc đó khiến người dân có cách nhìn cực đoan, tiêu cực về đội ngũ bác sĩ. Vì thế, khi xảy ra sự việc liên quan trực tiếp đến bản thân, "tự động" họ trở nên manh động. Ý nghĩ tiêu cực dễ dẫn đến hành vi bồng bột, thiếu ý thức”, Ths. Thảo nhấn mạnh.
Theo Ths. Thảo, nguyên nhân cốt lõi thứ hai là do công tác an ninh, an toàn ở bệnh viện rất bị động và lỏng lẻo. Khi sự việc xảy ra, phản ứng của các lực lượng bảo vệ còn chậm hoặc là không có kỹ năng. Hơn nữa, góc độ quản lý về mặt pháp luật, cụ thể là việc xử lý chưa nghiêm để răn đe khiến các vụ việc bệnh nhân hành hung bác sĩ hay bệnh nhân bị tấn công tiếp tục có chiều hướng gia tăng.
Nguyên nhân thứ 3 là ý thức pháp luật của một bộ phận người dân chưa tốt dẫn đến khi bị kích động hoặc bức xúc với bác sĩ, họ thường không kiềm chế được, mất kiểm soát. Việc giáo dục pháp luật vẫn còn lỗ hổng rất lớn.
Xét ở một góc độ khác, từ những vụ việc này cho thấy nhu cầu chăm sóc, chữa bệnh của người dân ngày một cao. Khi họ có đòi hỏi càng cao mà nhận thức pháp luật chưa song hành thì họ dễ manh động và trở nên nguy hiểm.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo bộ Y tế cho biết sẽ tăng cường phối hợp với ngành công an để bảo đảm an toàn cho cả nhân viên y tế và người bệnh.
Đại diện bệnh viện Bạch Mai cho hay, bình quân một ngày có khoảng 20.000 người bệnh và người nhà bệnh nhân ra vào trong khuôn viên bệnh viện với đủ thành phần khiến sức ép về việc bảo vệ an ninh trật tự vô cùng lớn. Chỉ tính riêng từ tháng 1/2016 đến tháng 3/2017, bệnh viện Bạch Mai đã phát hiện và bắt quả tang 23 vụ phạm pháp hình sự, chuyển công an 35 đối tượng lang thang để xử lý.
Theo đại diện bệnh viện Việt Đức, công tác bảo đảm an ninh của bệnh viện này đang gặp không ít khó khăn. “Nhiều khi bệnh nhân là giang hồ vừa vào viện thì hàng trăm đối tượng khác đã xuất hiện kèm vũ khí “nóng” để thanh trừng lẫn nhau. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng bệnh viện chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu cấp cứu, phẫu thuật, nhiều người bệnh còn phải chờ đợi, xếp lịch dẫn đến những bức xúc ảnh hưởng đến an ninh trật tự” - ông Nguyễn Đức Tâm, Trưởng phòng Hành chính quản trị bệnh viện Việt Đức thông tin.
H.Lan- Đ.Thơm