Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung y, bác sĩ tại bệnh viện, côn đồ tấn công bệnh nhân gây phẫn nộ dư luận. Có lẽ chưa bao giờ vấn đề an ninh bệnh viện được đặt ra nóng bỏng như hiện nay.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội để mổ xẻ rõ vấn đề trên.
PV: Bệnh viện được cho là nơi cứu chữa bệnh nhân nhưng thời gian qua, vấn đề an toàn, an ninh ở bệnh viện lại đáng báo động. Đặc biệt là vụ việc 20 côn đồ xông vào truy sát, chém đứt khí quản bệnh nhân đang được điều trị tại khoa Cấp cứu, bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Tại sao lại có nghịch lý nơi an toàn lại thành “đấu trường” nguy hiểm, thưa ông?
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn: Thực trạng mất an toàn tại bệnh viện xảy ra thời gian qua, tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân. Việc côn đồ xông vào bệnh viện truy sát do nguyên nhân xã hội, nổi cộm lên các băng nhóm. Vấn nạn bạo lực gia tăng là điều mà chúng ta đang nhắc đến khá nhiều. Tuy nhiên, một khía cạnh khác là những vụ người nhà hành hung bác sĩ, nhân viên y tế, ứng xử không tốt với thầy thuốc lại liên quan đến dân trí, hiểu biết của một số người dân chưa đầy đủ. Ở góc cạnh này, tôi nghĩ việc đảm bảo an toàn bệnh viện là từ cả hai phía.
Thực tế, ngành y đang cố gắng và làm tốt việc tôn trọng người bệnh với các tiêu chí lấy người bệnh làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người bệnh làm thước đo sự phát triển bệnh viện... nhưng rõ ràng phải có sự tôn trọng thầy thuốc. Không tôn trọng, thậm chí hành hung người cứu người nhà họ là điều cực kỳ phản cảm, cần phải lên án.
PV: Như ông nói, việc côn đồ truy sát bệnh nhân ngay trong bệnh viện là do nguyên nhân từ xã hội. Tuy nhiên, ở các bệnh viện, thậm chí ở từng khoa đều có lực lượng bảo vệ. Phải chăng lực lượng này đang “lực bất tòng tâm”?
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn: Thực ra tôi thấy, hiện nay bảo vệ mới chỉ đảm bảo trật tự với người cư xử đúng mực mà thôi. Còn với côn đồ lại không làm được gì. Họ đang giữ trật tự nhiều hơn là bảo vệ. Họ không có chức năng, khả năng bảo vệ, bảo đảm an toàn trong bệnh viện được.
PV: Bảo vệ bệnh viện không có khả năng, còn lực lượng công an, chính quyền sở tại dường như chưa phối hợp hiệu quả để trấn áp được các đối tượng này?
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn: Tôi lại thấy khác. Thực tế thời gian qua, các bệnh viện, cụ thể như bệnh viện của chúng tôi đang phối hợp rất tốt với TP.Hà Nội. Ngày đồng chí Nguyễn Đức Chung làm Giám đốc Công an TP.Hà Nội đã ký kết Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự giữa Công an Hà Nội với tất cả bệnh viện trên địa bàn và giao cho phường sở tại để phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra thường là nửa đêm, gần sáng có thể làm cho mọi người trở tay không kịp, không lường trước được. Các vụ việc trộm cắp, “cò mồi”... đã phối hợp xử lý tốt, còn vụ việc côn đồ truy sát rất khó vì xảy ra ở thời điểm cực kỳ nhạy cảm, lúc nửa đêm, gần sáng và quá nhanh. Như vụ việc tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội với 20 tên côn đồ xông vào như vậy đúng là không kịp trở tay.
PV: Quay lại một góc khác của việc mất an toàn bệnh viện là chính bác sĩ bị người nhà bệnh nhân tấn công. Có ý kiến cho rằng, một phần nguyên nhân của tình trạng này là cách ứng xử, giao tiếp của y, bác sĩ với người nhà bệnh nhân chưa tốt. Ông có đồng quan điểm với ý kiến này?
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn: Nếu chúng ta đưa người nhà đi khám, chúng ta chỉ có một người thân phải trông coi. Còn bác sĩ, họ có cả vài chục bệnh nhân vào cùng một lúc. Họ không thể chỉ chăm chăm vào người nhà của bạn được. Các bác sĩ phải phân tầng bệnh nhân xem ca nào nặng, nguy hiểm phải xử trí trước. Đó là quy định bắt buộc trong y tế. Do vậy, người nhà bệnh nhân không hiểu chuyện đó cũng là đương nhiên vì họ không có chuyên môn. Ai đó đưa người nhà đến và bức xúc cũng là chuyện có thể hiểu được. Chúng ta phải hiểu, trong bệnh viện, bác sĩ đang thi hành nhiệm vụ của họ. Và hành hung bác sĩ là hành hung người đang thi hành công vụ sẽ phải xử lý theo pháp luật. Luật phải nghiêm hơn để bảo vệ cho chính các nhân viên y tế.
PV: Với tình trạng báo động an toàn, an ninh trong bệnh viện, ông nghĩ cần phải thay đổi công tác đảm bảo an toàn như thế nào?
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn: Lực lượng bảo vệ hiện nay tại các bệnh viện chưa thực sự chuyên nghiệp. Họ chuyên về bảo vệ chứ không phải lực lượng an ninh chuyên nghiệp để có nghiệp vụ, khả năng, võ thuật, trang bị vũ khí thực hiện nhiệm vụ. Chính vì thế, họ chủ yếu giữ trật tự hơn là bảo vệ.
Tôi cho rằng, chúng ta phải trang bị hệ thống camera bảo vệ để tăng độ an toàn cho thầy thuốc. Lực lượng bảo vệ là các đơn vị tư nhân không có danh nghĩa pháp nhân để đứng ra bắt bớ hay trấn áp được. Tiếp đó, các bệnh viện có thể trang bị, kết nối đường dây nóng với các cơ quan công an tại địa phương để khi có vụ việc bất ổn có thể bấm chuông, gọi điện để có sự hỗ trợ kịp thời.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm – Hương Lan