Con du học, “xé” cam kết không về địa phương: Trách nhiệm nêu gương của cán bộ “rách toạc”

Con du học, “xé” cam kết không về địa phương: Trách nhiệm nêu gương của cán bộ “rách toạc”

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 3, 12/05/2020 10:51

Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi vừa có báo cáo về việc thu hồi kinh phí đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài đối với 4 trường hợp là con quan chức đi học nhưng không về tỉnh phục vụ. Đáng nói, số tiền nộp lại chỉ bằng 1/10 so với quy định và có sự chây ì. PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, người trực ngôn với các chất vấn gai góc trên diễn đàn quốc hội khoá XI, XII.

Mới đây, sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau khi yêu cầu con 4 quan chức trả lại 10 tỉ đồng do đi học nước ngoài nhưng không về tỉnh phục vụ, cả 4 người này mới trả hơn 1,1 tỉ đồng. Việc học viên đi học theo đề án khi không trở về, ngoài việc gây tổn thất cho ngân sách nhà nước hàng tỉ đồng thì việc bồi hoàn kinh phí đào tạo gần như “bất khả thi” do chính sách, quy định chưa kịp so với thực tế. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Để mà nói, những trường hợp được cử đi du học nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước nhưng không về địa phương làm việc sau khi kết thúc học tập, nghiên cứu ở nước ngoài thì rõ ràng đã vi phạm cam kết, và họ buộc phải đền bù lại số tiền theo quy định.

Nhà nước bỏ tiền ra là để đào tạo người tài phục vụ đất nước. Nếu ngay từ đầu, bản thân những người đó không có ý định quay trở về thì tốt nhất đừng đi bằng tiền ngân sách, tiền đó là thuế của dân. Thu lại tiền là việc phải làm, đấy là lẽ tất nhiên. Nhưng tôi thấy rằng, những người đã phá vỡ cam kết trước đó là những người không đứng đắn, ý thức về đạo đức rất kém. Như vậy, khác gì đánh lừa nhân dân, đánh lừa Nhà nước?

Quan điểm - Con du học, “xé” cam kết không về địa phương: Trách nhiệm nêu gương của cán bộ “rách toạc”

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.

Còn nói về cơ chế, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong cơ chế chính sách, môi trường phát triển để tạo động lực đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, phải có những chính sách cụ thể, rõ ràng tạo điều kiện cho “nhân tài” quay về.

Câu chuyện được cử đi học nhưng không về địa phương phục vụ thì tôi thấy đó là chuyện không còn xa lạ. Chưa bàn đến việc, người được lựa chọn đi du học có năng lực thực sự, thì đấy lại là thực tế đáng buồn trong việc “chảy máu chất xám”. Còn điều đáng tiếc nữa, là những người “phá vỡ” cam kết đã làm mất cơ hội đối với những người thực sự xứng đáng hơn.

Như ông nói, chuyện người được cử đi đào tạo rồi “xé” cam kết, không về địa phương làm việc không còn xa lạ. Vậy, phải chăng chính sách quản lý đối tượng này bị buông lỏng, hay lý do nào khác khiến những người đã được đào tạo ở quốc gia phát triển không muốn quay về, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Trong câu chuyện sử dụng cán bộ thì mình làm chưa được tốt. Vì có nhiều cơ chế bố trí công việc cho họ khi trở về không hợp lý, công việc chưa phù hợp, chưa đúng theo nội dung đã cam kết trước đó. Cũng có trường hợp là do chế độ lao động ở nước ngoài tốt hơn, môi trường công tác cũ không níu kéo được họ và chủ trương thu hút, giữ chân nhân tài của các địa phương còn nhiều hạn chế.

Khi phát sinh những bất cập, vướng mắc thì chúng ta cần xây dựng pháp luật hoàn thiện hơn. Do đó các vụ việc xảy ra như vậy cũng là điều kiện để chúng ta nhìn nhận lại một cách nghiêm túc vấn đề này và có phương án, kế hoạch xử lý.

Ông nghĩ thế nào về quan điểm, cần phải đánh giá lại việc lựa chọn người đi du học ngay từ ban đầu, tìm những người muốn cống hiến sau khi đào tạo, và nhất là tránh tình trạng việc cử đi học là người của con ông, cháu cha?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Đúng là khi lựa chọn người tài đi du học nước ngoài để mở mang kiến thức về để cống hiến cho đất nước thì phải chọn những người có tâm, có năng lực, những người thực sự muốn được phục vụ đất nước, muốn được áp dụng những kiến thức đã lĩnh hội từ nước ngoài về phát triển địa phương.

Còn nếu là con ông cháu cha, con lãnh đạo mà có năng lực tốt, sau đào tạo nước ngoài sẽ về địa phương thì lựa chọn cũng không sao. Lựa chọn người tài là lựa chọn công bằng, nghiêm minh. Chính vì vậy, ngay từ ban đầu, khâu lựa chọn phải có hội đồng đánh giá để tìm được người có tâm huyết, muốn cống hiến sau khi đào tạo.

Vậy những trường hợp ở Quảng Ngãi nói trên đều là con của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh. Nếu như con của những vị này không thực hiện đúng cam kết ban đầu thì phải chăng những vị lãnh đạo đó cũng nên chịu trách nhiệm nêu gương?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Những người trong câu chuyện chúng ta đang nói đến đều là con của lãnh đạo thì điều đó lại càng khó chấp nhận. Vậy thì, trách nhiệm của những vị lãnh đạo đó lại càng được chú ý hơn. Trách nhiệm nêu gương về giáo dục con cái, trách nhiệm với tư cách là người lãnh đạo địa phương cũng sẽ khác. Đã làm cán bộ thì lại phải có trách nhiệm, phải làm gương cho các thế hệ sau, nhất là làm gương để dân noi theo.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Bồi hoàn tiền là cơ chế duy nhất

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, cơ chế duy nhất khi những người được cử đi học nhưng phá vỡ những cam kết trước đó là phải hồi tiền cho cơ quan Nhà nước ở địa phương đó, chứ không có cơ chế nào khác.

Để có biện pháp xử lý thì chúng ta cũng cần phải nghiên cứu xem nguyên nhân do đâu những người này lại làm như vậy. Phải nhìn nhận lại từ khâu tuyển chọn ban đầu, nghiên cứu đồng bộ về các giải pháp chủ trương thu hút nhân tài, cơ chế bố trí công việc hợp lý cũng như nghiên cứu quy định pháp luật, hành lang pháp lý cụ thể để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cam kết đào tạo.

Theo tôi tìm hiểu, năm 2016 đã có “cuộc chiến” giữa những người được cử đi học theo ngân sách và chính quyền TP.Đà Nẵng. Vấn đề cũng nằm ở chỗ, những “nhân tài” được cử đi học, thế nhưng, nhiều học viên hoàn thành khóa học thì ở lại định cư tại nước ngoài hoặc tiếp tục học lên cao. Sự việc lúc đó đã khiến TP.Đà Nẵng phải phát đơn khởi kiện ra tòa.

Có thể thấy rằng, việc thực hiện những chương trình đào tạo bằng ngân sách như thế này cần được siết chặt hơn. Ngay từ đầu, việc lựa chọn cần phải khách quan, công bằng, cần phải có hội đồng đánh giá để tìm được người có tâm huyết, muốn cống hiến, trở về sau khi đào tạo.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.