Các quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), dự kiến đến Kiev vào ngày 3/2 tới để tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine, sẽ không cam kết một sự gia nhập nhanh chóng vào khối cho quốc gia Đông Âu đang trong cuộc xung đột với Nga, Euractiv đưa tin, trích dẫn một dự thảo thông cáo của Hội nghị Thượng đỉnh mà hãng tin này được nhìn thấy trước.
Các quốc gia thành viên EU vẫn chia rẽ về việc sử dụng ngôn ngữ tích cực liên quan đến tốc độ gia nhập khối của Ukraine, 4 nhà ngoại giao cho biết.
Tuy nhiên, Euractiv đưa tin rằng dự thảo thông cáo có những lời ca ngợi Ukraine và được thiết lập để gửi “một tín hiệu mạnh mẽ tới Moscow”.
Tranh cãi về cách diễn đạt
Theo dự thảo thông cáo, các nhà lãnh đạo EU và Ukraine có ý định nhắc lại tại Hội nghị Thượng đỉnh rằng “tương lai của Ukraine và các công dân của họ nằm trong Liên minh châu Âu” và “cam kết hỗ trợ quá trình hội nhập sâu hơn vào châu Âu của Ukraine”.
Hội nghị Thượng đỉnh EU-Ukraine là một sự kiện thường niên theo Điều 5 của Thỏa thuận liên kết giữa Ukraine và EU. Chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh ngày 3/2 tới dự kiến sẽ là sự hỗ trợ hơn nữa của EU đối với Ukraine trước sự gây hấn của Nga, theo trang Kyiv Independent.
Trong những tuần qua, các quốc gia thành viên EU đã tranh cãi về cách diễn đạt của thông cáo liên quan đến triển vọng trở thành thành viên của Ukraine, 4 nhà ngoại giao EU nói với Euractiv.
Theo các nhà ngoại giao, các quốc gia ở sườn Đông châu Âu gồm Ba Lan, 3 quốc gia vùng Baltic và Ukraine nhấn mạnh vào ngôn ngữ sẽ chỉ ra cho Kiev khả năng đẩy nhanh việc xem xét đơn xin gia nhập EU.
“Những gì chúng tôi mong đợi từ Hội nghị Thượng đỉnh là sự khích lệ dành cho Ukraine và đánh giá rõ ràng về những tiến bộ mà họ đã đạt được”, một nhà ngoại giao EU từ Đông Âu nói với Euractiv.
“Mặc dù đó chỉ là một tuyên bố, nhưng ngôn từ rất quan trọng, đó là lý do tại sao chúng tôi đang thúc đẩy một phiên bản văn bản mang tính khích lệ hơn”, nhà ngoại giao nói thêm.
Tuy nhiên, ngôn từ trong dự thảo tuyên bố đã trở nên “quá tích cực” đối với một số quốc gia thành viên “hoài nghi” hơn, các nguồn tin nói với Euractiv. Dự kiến sẽ có phản hồi từ Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Đan Mạch và Bỉ.
Các quốc gia thành viên “hoài nghi” hơn cho rằng việc đề cập đến “tiến bộ đáng kể” là quá sớm và “làm trước các bước thông thường trong quá trình gia nhập” vì chưa có đánh giá chính thức nào về tiến trình của Ukraine.
Họ muốn giữ nguyên ngôn ngữ được sử dụng tại cuộc họp của Hội đồng Châu Âu vào tháng 6/2022 và quy trình đã được thống nhất của Ủy ban Châu Âu đệ trình một báo cáo tạm thời về tiến độ của Ukraine trong việc đáp ứng 7 yêu cầu gia nhập do EU đặt ra.
2 năm hay 2 thập kỷ?
Hội đồng châu Âu đã cấp tư cách ứng cử viên cho Ukraine vào ngày 23/6/2022. Trước đó, hồi tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết “nhiều thập kỷ” có thể trôi qua trước khi Ukraine gia nhập EU. Các nhà lãnh đạo EU khác, những người ủng hộ tư cách ứng cử viên của Ukraine, cũng ngầm thừa nhận rằng triển vọng Ukraine thực sự gia nhập EU là khá xa vời, theo Politico.
Các quốc gia ứng cử viên khác như Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ và Montenegro đã chờ đợi nhiều năm. Và trong trường hợp của Ankara, họ đã chờ đợi từ năm 1999, tức 24 năm.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nói với Politico hôm 30/1 rằng Ukraine muốn gia nhập EU trong vòng 2 năm tới.
“Chúng tôi có một kế hoạch rất tham vọng là gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trong vòng 2 năm tới”, ông Shmyhal nói. “Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng trong năm nay, vào năm 2023, chúng tôi đã có thể có các cuộc đàm phán trước khi gia nhập”.
“Chúng tôi đang tổ chức các cuộc tham vấn với Ủy ban Châu Âu để thấy rằng tất cả các kết luận đã ban hành có thể được đưa vào văn bản”, Thủ tướng Ukraine cho biết thêm.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đã sử dụng chuyến thăm bất ngờ tới Kiev trong tháng này để trấn an Ukraine rằng tư cách thành viên EU sẽ trở thành hiện thực đối với Ukraine, nói với Verkhovna Rada (Nghị viện) Ukraine rằng ông mơ một ngày nào đó một người Ukraine sẽ giữ chức Chủ tịch Hội đồng Châu Âu.
“Ukraine là EU và EU là Ukraine”, ông nói. “Chúng ta phải nỗ lực hết mình để biến lời hứa này thành hiện thực nhanh nhất có thể”.
Câu hỏi quan trọng đối với người Ukraine sau Hội nghị Thượng đỉnh EU-Ukraine hôm 3/2 sẽ là: Những lời hoa mỹ và lời hứa có thể trở thành hiện thực nhanh đến mức nào?.
Minh Đức (Theo Euractiv, Politico.eu)