Mỗi năm, đảo mang lại cho gia đình ông vài trăm triệu đồng. Với nguồn thu nhập hiện tại, ông thừa sức hưởng thụ ngôi nhà đàng hoàng ở thành phố nhưng anh không thích. Bởi ông nghĩ: "Tôi đã gắn số phận mình với đảo - nơi sinh ra tôi lần thứ hai".
Trùm gỗ lậu ngày xưa nay đã trở thành một người nông dân thực sự
"Đại ca gỗ lậu" một thời
Giang sinh ra trong một gia đình bố mẹ là cán bộ nhà nước, anh em đều được học hành và thành đạt. 18 tuổi tốt nghiệp PTTH, Giang tự nguyện gia nhập quân ngũ và vào chiến trường miền Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Năm 1980, sau khi hòa bình lập lại, Giang rời quân ngũ trở về nhà. Không việc làm, kinh tế khó khăn, Giang nhanh chóng gia nhập đội quân buôn gỗ đường dài trên sông Đà, tuyến Sơn La - Hòa Bình để kiếm tiền. Với bản lĩnh gan dạ, liều lĩnh nên chỉ sau một thời gian ngắn, Giang đã trở thành đại ca gỗ lậu trên tuyến sông Đà. Giang mua gỗ tận gốc và bán tận ngọn, mua một bán mười, đặc biệt là những loại gỗ quý trong danh sách cấm, nghề càng nguy hiểm thì lợi nhuận càng cao.
Ngoài chống trọi với những cơn giận dữ của dòng Đà Giang, Giang tìm mọi cách lẩn tránh những lần rượt đuổi của lực lượng kiểm lâm. Vì sự liều lĩnh đó mà Giang kiếm được rất nhiều tiền. Có lúc Giang cho tiền vào bao tải quăng lên thuyền không thèm đếm. Nhiều tiền, nhưng biết chi tiêu gì trong cảnh rừng sâu nước thẳm hoang vắng, buồn tẻ, Giang lao vào đánh bạc và "quên buồn" bằng thuốc phiện. Khi giật mình rằng mình đã trở thành con nghiện, Giang không dám về nhà, suốt năm suốt tháng lênh đênh trên sông Đà.
Trong những năm tháng ấy, Giang quen Phạm Thị Huệ, quê Trung Hà, Ba Vì, Hà Tây (cũ) cũng làm nghề buôn bán trên sông Đà. Huệ đến với Giang nhưng không biết anh bị nghiện. Về sống với nhau một thời gian, Huệ thấy chồng có những biểu hiện bất thường và chị thực sự suy sụp khi biết anh nghiện. Trấn tĩnh lại, chị khuyên anh từ bỏ ma túy. Nhưng người nghiện đâu dễ bỏ, Giang vẫn trượt dài theo khói thuốc và đương nhiên hậu quả của nó là bao nhiêu của cải anh làm ra đều tiêu tan nhanh chóng.
Ông chủ ốc đảo
Khi dòng sông Đà bị ngăn để xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình thì cuộc đời ông rẽ sang hướng khác. Sông Đà không còn cuộn chảy liên dòng, lực lượng kiểm lâm kiểm soát chặt hơn, nên những bè gỗ mang lại lợi nhuận cho ông giờ không thể về xuôi theo dòng được nữa. ông buộc phải bỏ nghề. Lúc này ông nghiện ma túy rất nặng. Từ một đại gia ông trở thành kẻ lo miếng ăn từng bữa. ông mang vợ con trở về nhà với tài sản là con số không.
Chiếc thuyền gỗ là phương tiện duy nhất để vợ chồng ông đi lại
Thấy ông không công ăn việc làm, bạn bè thương tình đã khuyên ông chuyển sang nghề xích lô, xe ôm hoặc phụ hồ và họ sẽ cùng nhau "đầu tư" phương tiện. Thế nhưng, chỉ nghe nói đến những công việc ấy, ông đã sởn da gà. Lòng tự ái của một "đại gia" tiêu tiền không cần đếm một thời nhưng vẫn còn chút hơi hướm của người lính năm xưa trỗi dậy khiến ông buột nói với chính mình: "Mình mà phải làm cái nghề ấy sao? Nhất định mình sẽ từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời”.
Sau khi công trình thủy điện Hòa Bình hoàn thành, UBND tỉnh có chủ trương trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc trên vùng lòng hồ. Xóm Tháu là vùng đất nằm trong chủ trương đó, ông đã xung phong nhận 10 ha. Những chỗ đất đẹp thì mọi người đã tranh nhau nhận hết, chỉ còn lại mấy ngọn núi đá nằm chơ vơ giữa lòng hồ. Không còn cách nào khác, ông đành nhận liều. Điều lớn hơn trong đầu ông lúc ấy là từ việc đi khai hoang trồng rừng này, ông sẽ có cơ hội để đoạn tuyệt với ma túy. Vợ chồng ông đến khu đất được giao dựng lều, bắt tay trồng rừng, hai đứa con gửi ông bà nội.
Vì diện tích đất ông nhận là đất hoang, nên cỏ dại mọc dày đặc, cao quá đầu người. Có chỗ thì toàn đá trơ ra. Bốn bề là mây núi, cỏ dại và rắn độc nhiều vô kể. Những ngày đầu lên đảo, ngoài hoàn cảnh khắc nghiệt, ông phải chống chọi với những cơn vật thuốc. Với quyết tâm cai nghiện bằng được, ông bảo vợ chuẩn bị gạo và thức ăn rồi về nhà. Ông sang từng lều của hàng xóm xung quanh dặn họ không được sang lều của ông. Ngày lại ngày, những cơn vật liên tiếp hành hạ ông.
Để chống lại những cơn vật thuốc, ông vác dao ra đám cây rừng phát loạn xạ rồi trèo lên núi đá. Ông cũng không nhớ nổi vì lên cơn vật thuốc mà ông ngã bao lần, bị đá, cây rừng cào trầy xước khắp người. Phải mất gần một tháng, ông mới cắt được cơn nghiện. Sau đó nhiều năm, ông không lên bờ, trừ khi gia đình có việc cực kỳ hệ trọng. Vì đảo vắng, có nhiều rắn độc và thú dữ, lúc nào ông cũng nuôi tới gần 20 con chó. Quyết tìm lại chính mình, 5 năm liền ông tự tay cuốc xới trồng cây, cặm cụi nhặt từng viên đá để làm móng nhà.
Ở trên ốc đảo, ông chỉ biết làm bạn với chiếc đài và những tờ báo
Bây giờ, ở tuổi ngũ tuần, ông không mong gì hơn vì mình đã tìm lại được chính mình và trở thành ông chủ một ốc đảo gồm 10 ha rừng với bạt ngàn cây ăn quả, tre, bương. Mỗi năm rừng mang lại cho vợ chồng ông dăm trăm triệu đồng. Với nguồn thu nhập hiện tại, ông thừa sức để có ngôi nhà đàng hoàng ở thành phố, nhưng ông không thích.
Ông bộc bạch: "Đảo là nơi sinh ra tôi lần thứ hai. Tôi sẽ mãi mãi gắn bó với nơi này. Với tôi, hai từ "ma túy" đã lùi xa lắm rồi và giờ nếu vô tình nghe thấy, cũng như vô tình gặp con rắn độc, phải lập tức tiêu diệt hoặc tránh xa. Với kinh nghiệm cuộc đời mình, tôi muốn nói với những người đã trót dính vào ma túy rằng, không gì khác, chỉ có ý chí của bản thân mới giúp người nghiện đoạn tuyệt làn khói trắng".
Gặp Lương Văn Giang trên hòn đảo xanh mướt, nghe ông kể về cuộc đời mình, đó là con người có thật, nhưng tôi vẫn cảm giác như vừa nghe một câu chuyện nào đó trong sách vở. Thực tế này cho thấy, không biện pháp nào khác, không ai khác, chính bản thân người nghiện mới tự "hồi sinh" đời mình.
Chí Vũ