Nếu như chị không tiết lộ chuyện đời mình thì có lẽ không ai biết được chị đang mang trong mình con vi -rút HIV mà cả thế giới chưa tìm được cách chữa trị. Đang từng phút đối diện với tử thần nhưng chị vẫn lạc quan yêu đời và tu tâm dưỡng tính bằng cách làm công tác xã hội. Đó cũng chính là cách trả ơn đời của người phụ nữ bất hạnh nhưng không gục ngã.
Bỏ nhà đi bụi để... đổi đời
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở miền Tây Nam Bộ nhưng chị Nguyễn Thùy Phương (SN 1979, quê Vĩnh Long) lại sớm được tiếp cận với đồng tiền. Chị kể, hồi còn nhỏ, lúc bạn bè cùng trang lứa chỉ biết việc ăn chơi, học hành thì mình đã phải vất vả kiếm tiền. Với lợi thế nhà gần chợ, Phương nghĩ ra cách kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình.
"Hàng ngày, một buổi đi học, buổi còn lại tôi thường nghĩ ra cái để bán. Bình thường trong vườn nhà tôi có nhiều quả mít chín cây, ba mẹ đi làm đồng nên bận rộn không bán kịp. Thấy vậy, tôi hái về rồi chia nhỏ thành từng miếng đội lên đầu đưa ra chợ bán lấy tiền về mua đồ ăn cho gia đình. Hôm nào không có mít thì có khoai, có cây trái trong vườn. Nói chung, tôi rất muốn làm những việc bán buôn để có tiền, dù là ít hay nhiều, nhưng lúc đó, tiền đã mang lại niềm vui cho tôi. Và cũng từ đó, khát vọng kiếm tiền đã ăn nhập vào máu tôi rồi". Phương tâm sự.
Lớn lên, Phương cảm thấy kiếm tiền khó khăn hơn. Mới học cấp 2 nhưng cô xin ba mẹ đi làm thuê đủ thứ nghề trong khu chợ nhỏ gần nhà như giúp việc nhà, giữ em bé, rồi bán quán phở... để có tiền trang trải chuyện học hành và chi tiêu hằng ngày. Người dân quanh chợ ai cũng phải nể phục trước sự chịu thương chịu khó của cô bé này. Tình cờ, trong một lần theo mẹ lên TP.HCM ăn đám giỗ nhà bà con, Phương cảm nhận được sự phồn hoa đô hội của một thành phố lớn. Mặc dù đang đi học, nhưng trong đầu Phương luôn nghĩ về một cuộc sống tươi đẹp ở chốn phố thị.
Sau lần đó, cô muốn lên TP.HCM kiếm việc làm. Học hành chưa xong, nghề nghiệp không có, ba mẹ cô nhất quyết phản đối. Nhưng khi máu kiếm tiền đã trỗi dậy trong mình, Phương tìm cách ra đi. Mới 17 tuổi, Phương bỏ nhà ra đi. "Mục đích của tôi là muốn lên thành phố kiếm việc làm. Một đứa nhà quê như tôi chân ướt chân ráo lên thành phố quả là khó khăn. Khi xe dừng bánh, cũng là lúc hành khách đã rời khỏi xe, anh tài xế hỏi tôi: "Em đi đâu mà còn ngồi đây?”. Tôi trả lời: "Em cũng không biết mình đi đâu bây giờ". Cuối cùng tôi đón xe ôm đến một nhà bà con. Họ cho tôi tá túc thời gian đầu. Nhờ sự nhanh nhẹn, tôi nhanh chóng xin được công việc bán phở gần nhà bà con", Phương nhớ lại.
Chị Phương kể lại câu chuyện bi thảm của đời mình.
Thời điểm những năm 2000, Phương làm việc quần quật từ 6h sáng đến 6h chiều nhưng lương chỉ được 200 ngàn đồng/tháng. Công việc bồi bàn đã không giúp Phương kiếm được nhiều tiền như mong muốn lúc ở quê. Tình cờ, một phụ nữ đến ăn phở, thấy Phương dáng người nhỏ nhắn, trắng trẻo lại ăn nói có duyên nên tìm cách lôi kéo Phương ra khỏi quán phở bằng những lời ngon ngọt, hứa với cô lương cao, lại nhàn thân. Sau những ngày làm việc cực khổ, Phương nghe đến chuyện lương cao là sáng mắt. Từ đó, Phương đi theo người phụ nữ này đến làm việc cho bà ta trong một quán cà phê tại quận 3.
Sa ngã vì tính bốc đồng của tuổi trẻ
Vào quán cà phê làm, Phương cảm thấy mình nhàn nhã hẳn. Tiền bạc lại rủng rỉnh. Công việc của cô chỉ đơn giản là bưng bê cho khách uống. Nhưng chỉ vì có được nhiều tiền, Phương không hề nghĩ rằng mình đang dần dần sa đọa. Ban đầu chỉ là bưng bê, nhưng sau đó chuyện cho khách sờ soạng để lấy những đồng tiền bo Phương vẫn chấp nhận và làm ngơ như không có chuyện gì xảy ra. Bởi các đồng nghiệp của Phương vẫn làm thế thì chẳng có gì xấu. Từ ngày làm quán cà phê, Phương quen được nhiều bạn bè hơn. Thay vì ở nhờ nhà bà con như ba mẹ gửi gắm, Phương tự ý dọn ra ở riêng cùng các bạn.
Phương buồn rầu cho hay: "Từ đây, tôi tha hồ thả mình trong những cuộc chơi bời trác táng. Hồi đó, ở TP.HCM chuyện đi nhảy ở quán bar với tôi là bình thường. Thậm chí sau một thời gian ngắn đi nhảy nhót cùng bạn bè tại bar, tôi được các bạn rủ rê đi kiếm cục hàng (ma túy đá) về nhảy cho sung. Ban đầu nghe khái niệm này, tôi không hề nghĩ đó là ma túy. Tôi mơ hồ cho rằng đó cũng chỉ là thứ đồ chơi bình thường. Những ngày đầu chơi thứ này tôi thấy bình thường. Thời gian sau, khi cảm giác thèm thuồng xuất hiện, tôi phát hiện mình bị nghiện thì đã quá muộn. Sau khi chứng kiến cảnh bạn mình bị sốc thuốc mà chết, tôi nghĩ đến tương lai. Tôi sợ một ngày nào đó số phận mình cũng giống như thế".
Hạnh phúc đến khi Phương tìm được một nửa của mình. Cô yêu và lấy chồng làm nghề lái xe, anh không biết cô nghiện. Sau một tháng cưới nhau, cô mang trong mình sinh linh bé bỏng. Vì sự sống của đứa con, cô đã cai thành công sau 5 lần đi trại. Sau đó cô xin được chân bán hàng. Nhờ nhanh nhẹn, nói chuyện có duyên, cô nhanh chóng được làm trưởng nhóm bán hàng tại một cửa hàng giày dép. Nhưng thật bất hạnh, 7 năm sau, cô gặp các bạn nghiện ngày xưa, họ lại rủ rê cô chích thử cho đỡ nhớ. Thế là không kiềm chế được bản thân, cô lại sa ngã lần nữa vào cái chết trắng. Cái tuổi mười chín đôi mươi mộng đẹp đã qua, cô không thể làm tiếp viên trong các quán cà phê như ngày xưa nữa. Chuyện kiếm tiền đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Bằng những mối ruột ngày xưa, cô quyết định kiếm tiền bằng những chuyến đi khách đầy cực hình. Phương rưng rức kể trong nước mắt: "Khi lâm vào sự thèm khát ma túy, người ta cần tiền để mua nó, sẵn sàng đánh đổi tất cả để kiếm tiền. Tôi thấy nhục nhã và ê chề lắm khi đi khách, nhưng phải làm ngơ thôi. Tôi làm nghề này đã chai lì cảm xúc với đàn ông. Có lần gặp những người đàn ông nhỏ nhen, họ muốn đồng tiền của họ bỏ ra xứng đáng nên bóc lột hết sức dã man. Có khi thỏa thuận chỉ tiếp một khách, nhưng bọn chúng gọi thêm khoảng gần chục người đàn ông khác thỏa sức chơi bời trên thân xác một người phụ nữ. Tôi may mắn chưa gặp cảnh đó, nhưng ngẫm lại thấy ghê tởm quá". Sau những màn tiếp khách để kiếm tiền, Phương đã nhiễm HIV từ hồi nào không hay. Chị không xác định được nguyên nhân lây bệnh của mình là do ma túy hay do đi khách. Chỉ khi chồng chị bị sốt cao, đi xét nghiệm mới biết hai vợ chồng đã dính bệnh.
Sau khi biết mình mang mầm bệnh, chị đã rất dằn vặt, nhiều đêm không ngủ. Khát vọng của chị không phải là thỏa mãn cơn say thuốc. Lúc này chị không hiểu nổi mình đang mong muốn gì. Suy đi ngẫm lại chị cũng chỉ biết rằng mình đang đối mặt với tử thần. Tất cả chỉ là do mình không nghe lời ba mẹ, do mình ham hố đua đòi với đám bạn xấu nên mới có kết cục như ngày hôm nay. Thế rồi một ý tưởng mới lóe lên trong chị lúc này là hãy làm một việc gì đó có ích cho đời lúc mình còn sống. Chị xin làm đồng đẳng viên (công việc tuyên truyền, giúp đỡ, động viên) những người sau cai, người từng làm nghề lao động tình dục (mại dâm) ý thức được trách nhiệm của mình với xã hội.
Bạn trẻ hãy tránh xa ma túy Hiện chị là đồng đẳng viên tại quận 3, trưởng nhóm B.M., nhóm này có nhiệm vụ đi tìm kiếm những người nghiện, hành nghề mại dâm... để vận động, thuyết phục họ từ bỏ con đường đen tối quay lại làm người có ích giúp đời. Chị Phương chia sẻ: "Để trở thành người có ích như hôm nay, tôi may mắn được sự giúp đỡ thương yêu của gia đình chồng rất nhiều. Đặc biệt, ý thức được công việc của vợ là mang lại lợi ích cho cộng đồng, chồng tôi cũng tham gia vào nhóm hợp tác giúp tôi nhiều trong công tác tuyên truyền. Ban đầu tôi nghĩ rằng mình sẽ mặc cảm với người đời, nhưng có lẽ sẽ không ai cười khi mình chung tay hòa nhập và trở thành người hoàn lương. Tôi sẽ lấy sai lầm của mình là ví dụ điển hình để tuyên truyền cho các bạn trẻ rằng hãy tránh xa ma túy, chúng đang từng bước giết chết tương lai sự nghiệp của người trẻ". |
Ái Minh
(* Tên nhân vật đã thay đổi)