Con đường thăng tiến của nhà ngoại giao kỳ cựu Dương Khiết Trì

Con đường thăng tiến của nhà ngoại giao kỳ cựu Dương Khiết Trì

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 6, 27/10/2017 06:00

Trái với những tin đồn trước đó, sự thăng tiến của ông Dương Khiết Trì vào Bộ Chính trị cho thấy, ông Tập Cận Bình đánh giá cao nhà ngoại giao kỳ cựu này.

Tiêu điểm - Con đường thăng tiến của nhà ngoại giao kỳ cựu Dương Khiết Trì

Ngoại trưởng Vương Nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì.

Sau Đại hội Đảng 19 của Trung Quốc, truyền thông nói nhiều đến sự xuất hiện của Lật Chiến Thư và Vương Hỗ Ninh trong dàn lãnh đạo cấp cao thuộc Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc.

Nhưng có một nhân vật quen mặt khác vừa có bước thăng tiến quan trọng khi trở thành thành viên mới của Bộ Chính trị nước này. Người đó là Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, một trong những nhà ngoại giao nổi tiếng hàng đầu và luôn nắm vai trò quan trọng trong các hoạt động đối ngoại của Trung Quốc nhiều năm qua.

Theo giới phân tích, sự có mặt của ông Dương trong nhóm lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thúc đẩy hơn nữa năng lực ngoại giao của cường quốc châu Á.

Với vị trí mới, ông Dương Khiết Trì trở thành nhà ngoại giao có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất Trung Quốc, kể từ sau thời Ngoại trưởng kiêm Phó Thủ tướng Tiền Kỳ Tham – người phục vụ cho chính quyền cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.

Ông Tiền Kỳ Tham nghỉ hưu vào năm 2003 và qua đời vào năm 2017.

Ông Mã Chấn Cương, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh nói rằng, việc quan chức Chính phủ phụ trách ngoại giao được đưa lên cơ cấu quyền lực cấp cao của Đảng là tín hiệu cho thấy, giới lãnh đạo đang coi trọng các nhân vật ngoại giao hơn trước.

Mặc dù bước vào tuổi 67, cựu Ngoại trưởng Dương Khiết Trì với kinh nghiệm lâu năm về chính sách liên quan đến Mỹ đang đứng trước cơ hội trở thành Phó Thủ tướng đặc trách ngoại giao trong kỳ họp vào tháng 3 năm sau.

Hai người tiền nhiệm ở vị trí Ủy viên Quốc vụ của ông Dương là Đường Gia Triền và Đới Bỉnh Quốc đều không có mặt trong Bộ Chính trị các khóa trước, một minh chứng cho thấy tầm ảnh hưởng của bộ Ngoại giao trong việc định hình chính sách đối ngoại đất nước các năm trước là rất nhạt nhòa.

Thành quả từ sự cố gắng 10 năm qua của nhà ngoại giao kỳ cựu này chắc chắn sẽ mang đến cho ông tầm ảnh hưởng nhiều hơn và có điều kiện truyền tải quan điểm ngoại giao tốt hơn đến Chủ tịch Tập Cận Bình, theo SCMP.

Tiêu điểm - Con đường thăng tiến của nhà ngoại giao kỳ cựu Dương Khiết Trì (Hình 2).

Ông Dương có quan hệ thân tình với cựu Tổng thống Bush.

Chuyên gia Bonnie Glaser từ trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết: “Động thái này có thể báo hiệu một sự thừa nhận rằng, ngoại giao không còn ở vị trí thấp trong mục tiêu thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc”.

Trong khi đó, ông Evan Medeiros cố vấn cao cấp các vấn đề châu Á của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi sự thăng tiến của ông Dương là “bước phát triển lịch sử đối với chính sách ngoại giao Trung Quốc”.

Nổi tiếng với mối liên hệ cá nhân với gia đình cựu Tổng thống Mỹ Bush, ông Dương Khiết Trì đóng một vai trò quan trọng trong việc cân bằng quan hệ Mỹ-Trung vốn bấp bênh trong giai đoạn nhạy cảm suốt một thập kỷ qua.

Không chỉ vậy, ông còn là nhân vật đứng sau xây dựng mối liên hệ cá nhân giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện tại, cũng như giúp kết thúc cuộc khủng hoảng căng thẳng Trung-Ấn ở cao nguyên Doklam vài tháng trước.

Dương Khiết Trì nhận được sự tin tưởng cùng với em trai ông là học giả Dương Khiết Mẫn - cựu Chủ tịch viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải để góp phần tạo nên câu khẩu hiệu yêu thích của ông Tập Cận Bình - “quan hệ nước lớn kiểu mới”.

Ông cũng là một trong những quan chức cấp cao đầu tiên trong Chính phủ Trung Quốc lên tiếng ủng hộ tư tưởng của ông Tập Cận Bình về các vấn đề ngoại giao vào tháng 1/2017.

Alexander Gabuev, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Carnegie ở Moscow cho biết, quyết định bầu ông Dương Khiết Trì vào Bộ Chính trị là điều không gây nhiều bất ngờ.

“Đó là dấu hiệu cho thấy chính sách đối ngoại cần được quan tâm nhiều hơn từ giới lãnh đạo cấp cao và phải có một người phụ trách lĩnh vực này nằm trong Bộ Chính trị”, ông nói.

Chuyên gia này cũng phân tích, trong thời đại bất ổn toàn cầu, mối quan hệ phù hợp với các cường quốc lớn như Mỹ, EU, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản là rất cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc và bảo đảm sự ổn định trong nước.

Trung Quốc cần một nhà ngoại giao lành nghề và có sự tín nhiệm đầy đủ từ chính ông Tập Cận Bình để giúp quản lý bối cảnh phức tạp hiện tại.

Sự thăng tiến của ông Dương cũng chính thức đập tan tin đồn nói rằng, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình không đánh giá cao năng lực của nhân vật này.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.