Suýt nữa đã bị chôn sống
Sinh ra tại tại buôn Ji A (xã Krông Năng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đứa trẻ may mắn thoát chết ấy tên là Nay Djruêng, cái tên mang đậm niềm kiêu hãnh của núi rừng. Dù đã 21 tuổi nhưng cậu vẫn còn nhỏ thỏm như đứa trẻ lên mười, trong lời kể còn mang nhiều tiếng nấc, chàng trai trẻ lặng lẽ kể về cuộc đời mình, chậm rãi, xa vắng như bóng cây Knia.
Djruêng cho biết, cha em tên là Ksor Dyoang còn mẹ là Nay Hchẽ vốn là du kích ở căn cứ Ea Réh (huyện Krông Pa), nơi Mỹ xem là "rốn lũ" nên thường xuyên rải chất độc màu da cam. Gần đấy, dòng suối HĐreh nơi chở đầy chất độc mà Ama (cha - PV) Dyoang nào có biết gì, hằng ngày vẫn đi làm nhiệm vụ và lấy nước đó về ăn uống, sinh hoạt. Cho đến khi sinh đứa con đầu lòng chỉ có cái đầu tròn vo, đỏ hỏn như cục thịt thì lúc ấy đã quá muộn, chất độc đã thấm vào máu, vào tim rồi còn di truyền cho biết bao thế hệ sau nữa.
Djruêng kể rằng, cha mẹ em dù đã cố che giấu để bảo vệ mạng sống cho anh cả, nhưng vẫn không thoát được ánh mắt của người làng. Khi biết vợ chồng Ksor Dyoang sinh ra một quái thai, già làng quyết định đưa đứa bé về với Atâu (ông bà, tổ tiên – PV), biểu phải nhanh đem đi chôn sống để tránh tai họa ập đến với dân làng. Dù đau đớn nhưng cha mẹ em không thể chống lại được luật tục.
Dù không có bàn chân nhưng cậu vẫn đi lại rất nhanh nhẹn.
Trong nước mắt, Djruêng kể: "Cha mẹ em có tổng cộng là 8 người con, trong đó 3 người bị di chứng chất độc da cam, một là anh cả, em không biết tên anh bởi khi cha mẹ chưa kịp đặt tên thì đã bị dân làng chôn sống mất rồi. Thứ hai là chị Nay HĐut và em. Chị HĐut bị nhẹ hơn, thân hình chị lành lặn chỉ có hai con mắt bị lồi ra ngoài nên dân làng cho được sống.
Còn khi sinh em ra, Ama em bảo dân làng đã chực sẵn ngoài cổng, nếu em cũng dị tật như anh cả là đem đi chôn liền. Khi thấy em sinh ra không có bàn tay, cũng chẳng có bàn chân, cả thân người cứ co quắp lại là dân làng bế đi chôn ngay. Dù đau đớn nhưng cha em nghĩ, nếu để em sống thì tội quá nên đành nuốt nước mắt buông xuôi theo tục lệ".
Ngưng lại một chút lau nước mắt, Djruêng ngậm ngùi kể tiếp: "Mặc dù chấp nhận sự thật phũ phàng, nhưng khi khi thấy dân làng lũ lượt kẻ cầm đuốc, người cầm xẻng chuẩn bị lấp đất mà cha không cầm được nước mắt. Ama em bảo, lúc đó em nằm dưới lòng đất sâu, cả người chỉ bọc trong manh áo cũ.
Dù trời lúc đó tháng 5 nhưng toàn thân Ama em lạnh buốt, xẻng đất đầu tiên hất xuống mà tiếng khóc em vang thấu cả trời cao. Đến xẻng thứ hai là của ông bác ruột Oi HDõ thì bác bỏ xẻng hét lên rằng: "Yàng ơi con không biết giết người!"”.
Hành trình tìm cái chữ của cậu bé không chân, không tay
Sinh ra đã là đứa trẻ chịu nhiều bất hạnh khi cơ thể khiếm khuyết, suốt thời ấu thơ, nay Djruêng chỉ quanh quẩn trong nhà sàn. Khi cha mẹ lên rẫy, các anh chị em đi học, dù thương con cái nhưng sợ con đi ra ngoài nguy hiểm nên cha mẹ em cài then cổng, nhốt em trong sân, quanh đi quẩn lại mấy mùa trăng em cũng chỉ có heo, gà bầu bạn.
Cậu bé Nay Djruêng biết bao lần buồn tủi bởi trong buôn, trong bản chẳng có đứa trẻ nào chịu chơi với cậu. Thấy em trai mình là Nay DHông và những đứa trẻ cùng trang lứa được cha mẹ cho đi học, Djruêng khao khát lắm. Trong đầu em lúc nào cũng quanh quẩn một câu hỏi: "Tại sao mình không được đi học nhỉ?".
Đứa trẻ 8 tuổi lúc ấy lăn đến bên người cha và năn nỉ: "Ama ơi con muốn đi học!". Trước lời đề nghị bất ngờ của đứa con trai tội nghiệp, người cha lặng người ngạc nhiên. Cha cậu nghĩ rằng "đến đứa trẻ bình thường trong làng nó còn không thích đến trường, huống chi là con mình nên không đồng ý". Nhưng cha càng không cho, thì cậu lại càng khẩn khoản tha thiết xin được đến trường hơn. Lòng ham học ngày một dâng cao như mưa dầm thấm đất, người cha Dyoang cầm lòng không đặng nên đành chiều con, ghi tên cho cậu theo học tại trường làng.
Từ ngày được đi học, cuộc sống của Djruêng thay đổi hẳn, cậu không còn phải chịu những ngày buồn tẻ nơi xó nhà mà chuyên tâm vào học hành, rèn chữ, đọc sách. Không có ngón tay, em kẹp bút vào giữa hai cùi tay chăm chỉ tập viết. Không có bàn chân để chạy nhảy, vui đùa, đi lại nhưng Djruêng vẫn tự học cách đi bằng hai đầu gối để đến trường.
Hơn hai năm "chân trần" đi học, đến lớp ba cậu mới dám thỏ thẻ xin cha mua cho đôi dép để xỏ ngược vào đầu gối chứ con đường đến trường đồi dốc và đầy sỏi đá quá, dưới cái nắng chang chang đầu gối em đã biết bao lần bỏng rát, trầy xướt và bưng mủ mất rồi. Đôi dép cao su được Djruêng gìn giữ cẩn thận hơn hai năm, đến lớp 5 em được các nhà hảo tâm tặng đôi chân giả, nên việc đi học mới đỡ khổ cực hơn nhiều.
Djruêng vui sướng bảo: "Lúc em 8 tuổi, mấy gia đình ở bản bên sang xin nhận nuôi em để em về trông gà cho họ, nhưng lúc ấy em quả quyết thà chết còn hơn. Suốt 12 năm qua, em chưa bỏ buổi học nào dù nhà phải lội bộ đến tận 7 cây số. Bản làng em nằm cạnh con sông Pa, muốn đến được trường phải lội qua nó. Mùa nắng, nước cạn nên chẳng có gì chứ vào mùa mưa nước sông chảy cuồn cuộn như thác đổ, học trò bản em sợ quá nên nghỉ học gần hết. Em nhớ không lầm thì nguyên mùa lũ năm em học lớp 10, cha phải cõng em qua sông bởi nước chảy xiết quá, em mà bơi thì thể nào cũng bị nước cuốn trôi.
Nay Djruêng miệt mài bên sách vở sau buổi học trên lớp.
Một Nick Vujicic của Việt Nam!!
Tiếng khóc thét thấu tận trời xanh Chính tiếng khóc của em và tiếng hét của bác HDõ mà cha em thức tỉnh, tình thương biến thành sức mạnh, lấn át mọi nỗi lo sợ về luật tục khắt khe, nhanh như chớp Ama nhảy xuống hố, bế lấy em rồi bỏ chạy nhanh về nhà. Vừa chạy cha vừa hét: “Bây giờ Yàng phạt cũng mặc, Atâu trách cũng chịu. Gia đình Ksor Dyoang thà bị dân làng phạt heo, phạt bò cũng được... chứ không thể chôn con”. Dù những điều đó đến khi học lớp 5 em mới được kể lại, nhưng với ánh mắt dị nghị, xa lánh của buôn làng lúc em còn nhỏ, luật lệ đó đáng sợ đến như thế nào. |
Lúc đó cha có bảo em nghỉ học đi, nhưng em không chịu, một phần vì ham con chữ một phần là bởi quá thương thầy cô, mấy thầy muốn đến được lớp thì cũng phải lội sông như chúng em. Thấy áo quần thầy cô ướt sũng khi bước vào lớp mà lớp học chỉ còn có mình em, nếu em mà nghỉ nữa thì thầy cô chắc buồn lắm".
Khi nghe chúng tôi hỏi rằng em không sợ nước lũ sông Pa hay sao, Djruêng chỉ nhoẻn miệng cười: "Thầy cô không sợ thì em cũng không sợ. Được đi học với em đã là một niềm vui sướng, dù bị bạn bè trêu chọc là Cụ rùa cõng cặp, Vi khuẩn, Túi bào tử hay Thằng trọc đầu em cũng không sao cả, chẳng có khó khăn gì cản bước được em đến trường".
Với ý chí và nghị lực phi thường cộng thêm niềm đam mê con chữ của mình, Nay Djruêng trở thành một chàng trai tự tin và tràn đầy sức sống. Chính nụ cười tươi tắn và một tâm hồn khát khao được sống và học tập, Djruêng dần dần chinh phục được tất cả mọi người, kể cả những con người từng kỳ thị và suýt chút nữa thì chôn sống cậu.
Tâm nguyện lớn nhất của cậu là thiết lập được một trang web dành cho người khuyết tật. Và Djruêng đã phần nào thực hiện được mơ ước khi trong kỳ thi tuyển sinh 2013 Djruêng đã đỗ vào trường cao đẳng Công nghệ Thông tin Đà Nẵng với tổng số điểm khá cao là 16 điểm. Đầu tháng 9 này, em đã cùng cha vượt hơn 500km để về nhập học, hiện tại em đã trở thành thần dân của lớp 13I3.
Dù vẫn còn nhiều bỡ ngỡ bởi nhiều cái mới, nhưng Djruêng nói chắc nịch: "Trong cuộc sống này con đường nào cũng khó, cơ bản là mình cảm nhận về nó như thế nào. Đối với em, càng khó em càng quyết tâm đi, nếu không đi em chỉ mãi luẩn quẩn trong chiếc hố sâu mà bản làng đào sẵn như cái thuở họ muốn chôn sống em".
Trường Linh