Trong khu vườn yên tĩnh của buổi chiều cuối đông năm ấy, người con gái đầu lòng của Đại tướng đã kể về những kỷ niệm của gia đình mình, nhất là về người cha rất mực kính yêu…
Ba tôi vẫn thường nhắc về bà nội. Thuở nhỏ, ba vì việc nước mà đi xa; mẹ hy sinh vì cách mạng khi tôi lên 2 tuổi. Do đó, cả tuổi thơ tôi gắn bó với ông bà nội. Bà nội tôi có đức tính của một phụ nữ lao động, nghĩa là lúc nào cũng luôn tay, luôn chân. Không quét dọn cũng trồng rau cuốc xới, dù là những nơi ở tản cư tạm thời.
Tôi chẳng thể nào quên được cái cảm giác vui sướng khi bà dành cho tôi một khoảng rau nhỏ trong vườn để tôi tự nhổ cỏ, tưới chăm. Tôi còn nhớ bà tôi nuôi nhiều gà, trong đàn gà mới nở bao giờ bà cũng cho tôi một con để tôi tự chăm sóc.
Năm 1951, khi đánh xong trận Non Nước (Ninh Bình), ba tôi cùng mấy người bộ đội về Thanh Chương – Nghệ An thăm hai bà cháu đang tản cư ở đó. Hôm ấy, bà muốn làm một bữa “ăn tươi”. Bà dỗ dành tôi cho bà thịt chính con gà mái tơ tôi nuôi để đãi ba và các chú. Bà dỗ rằng: “Lứa sau bà sẽ dành Hồng Anh con khác.”
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và con gái đầu lòng.
Có lần, bà dẫn tôi ra chợ ăn bánh giò trong dịp bà đến thăm tôi ở Trại Thiếu sinh quân Quảng Trị (đóng ở Hà Tĩnh).
Ăn xong một cái, tôi đòi bà thêm cái nữa, bà bảo: “Hồng Anh à, nhà mình còn ít bạc lắm”. Sau này, những lần bà đọc, tôi chắp bút viết thư cho ba, cuối thư bao giờ tôi cũng viết thêm rằng: “Ba à, nhà mình giờ còn ít bạc lắm”. Đến giờ ba tôi vẫn còn nhắc đến câu đó của tôi như một sự hồi tưởng về những năm tháng khó khăn đầy ý nghĩa đó.
Tuổi thơ tôi không may mắn được gần ba nên bà nội là người đầu tiên mang lại cho tôi hình ảnh về ba rõ nét nhất. Trong tâm hồn thơ trẻ của tôi ngày ấy, tôi luôn nghĩ về ba với nỗi nhớ, niềm tự hào và sự kính yêu gần gũi.
Khi biết đọc, biết viết, tôi đã luôn thuộc những đoạn dài trong bức thư ba gửi về. Ngoài bì thư, bao giờ cũng có câu: “Hồng Anh - Con gái anh Văn”. Tôi rất thích bức ảnh ba tôi mặc quần áo bộ đội, đội cái mũ Vệ quốc đoàn có gắn sao phía trước mà ba gửi về cho tôi.
Mặc dù yêu quý ba nhưng không hiểu sao, ngày nhỏ, mỗi lần gặp ba, tôi không vồ vập như những đứa trẻ khác. Ba hỏi gì tôi cũng không nói, mặc dù trong lòng tôi bâng khuâng, vui sướng.
Nhớ năm 1946, trên đường kinh lý Nam Bộ, ba ghé qua Quảng Bình thăm tôi và ông bà nội, đó là lần đầu tiên tôi gặp ba, vậy mà tôi chẳng nói câu nào, mặc dù ba bế tôi đi dạo chỗ vắng, hỏi: “Hồng Anh có thương nhớ ba không?” vậy mà tôi vẫn nín thinh
Tướng Giáp cùng con gái và cháu ngoại.
Ba có kể cho tôi nghe về mối tình của ba với mẹ. Ba kể rằng, lần đầu tiên gặp mẹ, ba có cảm tình đặc biệt. Cảm tình không phải chỉ bởi mẹ là em gái của người đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, mà mẹ đã thu hút ba bởi dáng vẻ dịu hiền, điềm đạm nhưng không kém phần nghiêm nghị. Đặc biệt là đôi mắt tròn to rất thông minh. Ngay từ giây phút đầu gặp gỡ, mẹ đã bước vào cuộc đời ba. Năm mẹ tôi 20 tuổi, hai người kết hôn nhưng phải gần đến 10 năm sau ba mẹ mới sinh tôi. Ba mẹ “giữ” để thoát ly làm cách mạng.
Có một nhà văn đã viết rằng: “Đời người, tình yêu… đâu phải chỉ được đo bằng độ dài năm tháng.” Câu này luôn hiện lên trong tâm trí tôi khi nhớ đến mẹ. Những năm tháng cuộc đời đã cho tôi cảm nhận được vị trí thiêng liêng của mẹ tôi trong lòng ba tôi.
Trong những năm tháng cách mạng gian nguy mà ông đã trải qua luôn có bóng hình của mẹ. Trong những lúc tư duy lóe sáng dẫn ông đến những quyết định duy nhất chính xác, đem lại thắng lợi cho cuộc chiến đấu, luôn có hình ảnh mẹ. Hình ảnh mẹ tôi luôn theo ông trên những bước đường thăng trầm của lịch sử, những biến động của thời cuộc, những chông gai trên chặng đường mà ông đã vượt qua.
Tôi nghĩ rằng mẹ tôi là một người hạnh phúc, bởi chính sự hy sinh của bà đã đem lại cho cuộc đời những điều tốt đẹp và nhận được tình yêu không bao giờ phai nhạt của ba.
Bây giờ tôi hiểu rằng, vong linh của mẹ đã được an lòng về cuộc sống của ba con tôi khi vắng bóng bà.”
Theo Tri thức trẻ