Con gái mắc chứng tự kỷ: Mẹ là cô giáo dạy con niềm vui, nỗi buồn

Con gái mắc chứng tự kỷ: Mẹ là cô giáo dạy con niềm vui, nỗi buồn

Dương Thị Thu Nga

Dương Thị Thu Nga

Thứ 7, 03/02/2018 08:00

Một người mẹ âm thầm chiến đấu 21 năm để đưa con mắc hội chứng tự kỷ hòa nhập cuộc sống, kết nối những thành viên nhí trong gia đình lại với nhau.

Cuộc chiến với tự kỷ đã lấy đi của chị không ít nước mắt và giúp chị hiểu thêm về những đứa con của mình. Chị là Nguyễn Tuyết Hạnh - Chủ tịch Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội.

Trò chuyện với PV báo Người đưa tin, chị Tuyết Hạnh chia sẻ: “Năm 1996, là năm tôi phải trải qua không ít cung bậc cảm xúc khi chào đón con gái đầu lòng Hạnh Chi. Nhưng niềm vui chẳng tày gang khi tôi phát hiện con có những biểu hiện bất thường. Bé không cho tôi bế mà chỉ thích nằm chơi một mình. Càng lớn, những biểu hiện càng rõ rệt hơn như: Bé thường đi nhón chân, không biết đi bộ như những đứa trẻ khác, rồi hay chạy lung tung,... Hoảng hốt, tôi đưa con đi chữa trị khắp nơi và được biết con mình bị mắc chứng tự kỷ”.

Gia đình - Con gái mắc chứng tự kỷ: Mẹ là cô giáo dạy con niềm vui, nỗi buồn

Chị Tuyết Hạnh chia sẻ về "cuộc chiến" giúp con hòa đồng với cuộc sống.

Chị Hạnh cho biết, năm 1999, tự kỷ là một thứ gì còn xa lạ, kể cả với các bác sĩ. Chính vì vậy, chị cảm thấy vô cùng hoang mang. Thương con, chị bắt đầu lên mạng mày mò, tìm hiểu rồi mua sách đọc thêm. Bên cạnh đó, chị không ngần ngại bỏ thời gian đi nghe, tham gia các cuộc hội thảo của người nước ngoài và về tự lập giáo án riêng để dạy con.

Nhờ nỗ lực của người mẹ tâm huyết, con gái Hạnh Chi đã có những tiến bộ tích cực về hành vi. Tuy nhiên, trong một lần con gái thứ 2 P.Q.N. (SN 2000) xảy ra “tai nạn nhỏ”, khi đó, chị mới chợt giật mình về cách dạy con gái Hạnh Chi của mình.

Chị kể lại, lần đó khi bé Hạnh Chi gần 6 tuổi còn em gái 2 tuổi. Hai chị em đang chơi với nhau trong sân thì bỗng nhiên chị Hạnh nghe tiếng khóc của con gái thứ hai. Chị chạy lại và hốt hoảng thấy đầu con máu chảy ròng ròng. Tuy nhiên bé Hạnh Chi đứng bên cạnh nhìn em mà không hề biểu lộ một chút cảm xúc nào.

“Lúc đó, tôi mới giật mình, hóa ra bấy lâu nay mình mải mê dạy con về hành vi mà quên mất rằng việc dạy con học về cảm xúc là cần thiết”, chị Hạnh chia sẻ.

Bỏ phương pháp cũ, thay vào đó chị dạy Hạnh Chi các cung bậc cảm xúc của con người như: Vui, buồn, yêu, ghét... bằng phương pháp hình ảnh, tranh vẽ và các câu chuyện. Chị giải thích cho con vì sao người ta lại khóc, vì sao lại cười hay ngạc nhiên thì khuôn mặt sẽ thế nào.

Chị Hạnh chia sẻ: "Điều quan trọng nhất đối với cha mẹ là phải kiên trì. Với trẻ bình thường, để dạy con một việc nhỏ phụ huynh có thể hướng dẫn một lần là con làm được, nhưng đối với các trẻ tự kỷ thì không đơn giản như vậy. Có khi bạn dành cả tháng, thậm chí là cả năm để hướng dẫn nhưng vẫn không có kết quả".

Hiện tại, Hạnh Chi hòa đồng được với mọi người. Hằng ngày, Hạnh Chi đều đến một trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ làm việc với vai trò trợ giảng, giúp việc. Ngoài ra em còn tích cực tham gia văn nghệ tại các sự kiện của các em mắc hội chứng này...

(Còn nữa)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.