Đó là hoàn cảnh éo le của bà Ngô Thị Diện (SN 1934) trú xóm Song Hồng, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Con gái tâm thần hai lần bị hãm hiếp
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Lộc Hà, bố mẹ mất sớm nên bà Diện phải đi ở nhờ nhà này qua nhà khác. Rồi chiến tranh loạn lạc xô đẩy, bà Diện phải lang bạt khắp nơi. Con gái đến thì, nhưng với dung mạo không được ưa nhìn cộng với cái tính hơi ngớ ngẩn, làm trước quên sau, chẳng có ai muốn hỏi Diện làm vợ.
4 mẹ con bà cháu sống trong ngôi nhà tềnh toàng.
Thế rồi, qua một người mai mối, người đàn bà ngớ ngẩn bỗng dưng có chồng. Chồng bà là ông Nguyễn Văn Hóa, trú tại xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông đã qua một lần đò nhưng người vợ trước không sinh nổi cho ông được một người con, dù đã 14 lần mang thai.
Thời gian đầu mới về ở với nhau, ông Hóa tình nguyện vào ở rể tại Hồng Lộc (Lộc Hà). Nhưng rồi, họ cũng phải dắt díu nhau đi nơi khác để kiếm sống vì quá nghèo. Vợ chồng dắt díu nhau về xã Cương Gián sinh sống trong tình trạng không nhà, không của cải. Họ xin xã dựng lên một túp lều tạm bợ ven làng làm nơi trú ngụ, lấy “nghề” ăn xin làm kế mưu sinh.
Số phận trớ trêu thay, 5 lần mang thai nhưng trời chẳng cho bà được một người con. Mãi đến năm 1969, bà Diện lại mang thai và sinh ra được một cô con gái đặt tên là Nguyễn Thị Phương. Niềm vui vừa đến với gia đình bà chẳng được bao lâu thì lại bị dập tắt khi biết cô con gái duy nhất của mình có biểu hiện của bệnh tâm thần. Thấy con mình bị bệnh như vậy, đó là cú sốc tâm lý khiến cho ông Hóa đổ bệnh rồi qua đời khi chị Phương mới 5 tuổi.
Chồng mất, con nhỏ, không nghề nghiệp, không vốn liếng bà Diện lại dắt con cất bước xin ăn và sống với cái kiếp “ăn mày”. Khắp các nẻo đường, góc chợ hai mẹ con họ như hai cái bóng, lầm lũi với tay gậy, tay bị, ngửa tay xin và nhặt nhạnh những gì có thể để làm “no” cái bụng.
Hai mẹ con cùng nhau lang bạt khắp nơi cho đến khi chùn chân, mỏi gối. “Tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”. Đôi khi hai mẹ con ôm nhau ngủ thiếp bên vỉa hè, trên sạp hàng trong chợ hay cạnh những tảng đá to bên bờ biển. Lúc tỉnh dậy lại tiếp tục đi xin.
Chị Phương ngây ngô cười cười nói nói đi xin ăn ngoài chợ.
Rồi trong một đêm mập mờ năm 1993, trong lúc ngủ quên ngoài bãi biển, Phương đã bị một kẻ lạ mặt hãm hại, sinh hạ được một cậu con trai đặt tên là Nguyễn Văn Hiếu. Hiếu lớn lên cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng buồn thay Hiếu lại không biết được cha mình là ai.
Bi kịch không dừng lại ở đó, 7 năm sau, chính tại căn nhà rách nát của mẹ con bà Diện, chị Phương lại bị một người đàn ông khác tiếp tục cưỡng hiếp và lần này chị sinh thêm một bé gái đặt tên là Nguyễn Thị Thảo. "Sinh con ra mà nó không biết nuôi con. Cũng không biết cho con bú. Thân già như tôi đành chịu thay nó làm nghĩa vụ của một người mẹ”, bà Diện cho hay.
Cuộc sống hai mẹ con đã khó khăn, nay lại thêm hai đứa cháu, túng thiếu bủa vây lấy gia đình bà. Cái đói, cái nghèo nên hai đứa cháu của bà Diện cũng không được đến trường đi học như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác, mà phải lang thang cùng bà và mẹ để xin từng miếng ăn sống qua ngày.
Bốn con người, ba thế hệ ăn xin
Xót xa cũng một kiếp người... "Con bé Thảo ham học chữ lắm. Nhưng nói đến đi học, nó nhất quyết không chịu. Nó sợ đi học bị bọn bạn nó trêu là ăn xin, không ai muốn làm bạn nên không muốn đi”, bà Diện chia sẻ. Thảo năm nay đã 13 tuổi, không dễ gì để ngồi học được với các em nhỏ 6 tuổi. Có lẽ Thảo, Hiếu, suốt cuộc đời này sẽ không được cắp sách tới trường. Không biết sau này, các em có vượt qua được số phận để thoát kiếp ăn xin không nữa? |
Cuộc sống mưu sinh tạm bợ từng ngày, đói rét triền miên, thiếu ăn nên trông ai cũng gầy gò hốc hác. Hàng ngày, cả 4 bà cháu, mẹ con lang thang khắp chợ để xin ăn, nhặt nhạnh thêm ve chai về bán kiếm tiền mua bát gạo, bát muối. Thỉnh thoảng 4 bà cháu lại dắt nhau xuống biển để xin vài con tôm, con cá về ăn.
Có khi, ba bốn hôm chẳng có ai cho lấy một bát cơm để ăn, 4 mẹ con, bà cháu lại phải uống nước lã, ôm nhau nằm ngủ để quên đi cái đói. “Tội nghiệp nhất là hai đứa cháu nhỏ. Nhiều hôm chẳng có gì để lót vào bụng, đêm nằm ngủ nó cứ trằn trọc thao thức rồi khóc òa. Nhìn chúng nó mà nước mắt tôi cứ trào ra, tội nghiệp lắm”, bà Diện nói như khóc.
Sống trong cái cảnh kiếp ăn mày, mang trên mình là thân phận kẻ xin ăn. 40 năm hành nghề ăn xin là hơn chừng ấy thời gian bà phải nếm trải bao nhiêu cay đắng, nghiệt ngã của cuộc đời. Ngày nắng cũng như mưa, 4 bà cháu, mẹ con cứ đều đều dắt nhau đi hết làng này đến làng khác, hết xóm này đến xóm khác, để xin những người hảo tâm cho bát cơm, bát gạo sống qua ngày.
Bà Diện đớn đau kể về cuộc đời của mình.
Bây giờ, sức khỏe ngày một yếu, bà không còn đủ sức lang bạt khắp nơi như trước. Cũng chẳng kiếm được việc gì hơn, ngày ngày, bà lại dắt díu đứa cháu nhỏ quẩn quanh phiên chợ quê, ai cho gì ăn nấy, gặp thứ gì cũng nhặt nhạnh mang về nhà.
Căn nhà nhỏ ngổn ngang áo quần, chăn chiếu đều đã bốc mùi ẩm mốc. Trong góc bếp, dưới chân giường, từng mớ thức ăn xin về vứt lăn lóc. Có cả mấy bát cơm dòi bọ nhung nhúc cả lên nhưng vẫn không ai dọn dẹp. Bởi bà Diện và bé Thảo cứ đi suốt ngày, còn chị Phương và cậu con trai đầu cũng mải mê ngoài chợ.
Năm 2012, thương cho hoàn cảnh của mẹ con bà Diện, vợ chồng ông Nguyễn Trung Thành - quản lý chợ xã Cương Gián đã đón chị Phương và cậu con trai về nhà giúp ông bà phụ việc quét dọn chợ và trông xe cho cửa hàng ăn của hai ông bà. Ngày ngày, hai mẹ con chị Phương sẽ không phải lo cơm nước gì nữa cả. Có người cưu mang hai mẹ con, bà Diện bớt đi gánh nặng.
"Bà Diện khổ lắm! Được đứa con gái lại ngớ ngẩn, không biết gì, lại bị kẻ xấu hãm hiếp. Ông Thành thương nên đón hai mẹ con nó về, cho ăn, cho mặc. Được cái, thằng Hiếu nhanh nhẹn và ngoan lắm. Tiếc là không đứa nào được đi học”, bà Mai - hàng xóm bà Diện chia sẻ.
Hai anh em Hiếu và Thảo tuy nghèo, nhưng vẫn có ước mơ khao khát mình được đến trường học chữ. Ban ngày đi mưu sinh, kiếm sống, đêm về Hiếu và Thảo lại bảo bà dạy cho cách đọc, cách viết chữ. Nhưng bà Diện cũng không được đi học nên không biết chữ mà bày cho cháu. Nên bà cũng chỉ dạy cho cháu được vài ba chữ giản đơn. Bà Diện tâm sự: "Tội nghiệp cho hai đứa cháu. Nhà nghèo không có tiền cho chúng nó đi học, lại còn phải lang thang theo bà và mẹ đi xin ăn. Nhiều đêm nằm nghĩ về tương lai của hai đứa cháu mà nước mắt tôi cứ chảy dài”.
Hiếu biết gia đình nghèo nên không dám mơ được tới trường. Tuy là con của người mẹ ngớ ngẩn nhưng nhìn Hiếu là một cậu bé thông minh, nhanh nhẹn. ở khu chợ xã Cương Gián ai cũng khen Hiếu là người ngoan ngoãn, chăm chỉ, chỉ tiếc là em không được học hành nên không có công việc ổn định.
Hà Hằng – Kim Thoa