Mới đây, câu chuyện của cô nàng M.M. (Quảng Ninh) lên các diễn đàn tâm sự dành cho chị em, than phiền về mẹ đẻ của mình không biết cách chăm sóc con gái, chăm sóc cháu đã thực sự khiến dân mạng dậy sóng. Nhiều người lên tiếng cho rằng, cô gái M.M. đang thể hiện sự bất kính với đấng sinh thành. Cũng sau hơn vài giờ đăng tải, dòng status của M.M. đã nhận được không ít gạch đá cũng như chỉ trích từ dân mạng.
Chuyện con cái lên mạng “tố” bố mẹ cũng từng xảy ra trước đó, tuy nhiên, chưa bao giờ dân mạng phản ứng gay gắt như lần này. Cũng có một số người nói: “Có thể vì là mẹ đẻ và con gái, nên cô gái nóng nảy, bức xúc nên lên mạng than phiền, xả tress”. Cũng theo những người này, dân mạng đang làm quá vấn đề lên. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, đây là hiện tượng “giọt nước tràn ly”, bởi việc con cái “tố” bố mẹ là một điều bất hiếu và người ta cũng đã quá “bội thực” với những dòng than vãn kiểu này.
Khi viết nên những dòng chữ ấy, M.M. có nghĩ, mẹ mình vì thương con, thương cháu mà lặn lội từ Quảng Ninh lên Hà Nội để chăm con? Chưa kể, mẹ già, tuổi đã cao đi lại tàu xe vất vả, nhưng vì muốn gần con, muốn được ở cạnh con gái mà bà âm thầm chịu đựng tất cả. Việc có mẹ ở cùng, chăm cháu, dù chưa được như ý, nhưng ít ra, đó cũng là tình yêu thương, sự quan tâm của người mẹ.
Khi “tố” mẹ, M.M. liệu có nghĩ, ai là người đã sinh ra cô? Cho cô hình hài xinh đẹp như hiện tại. Ngày cô sinh nở, người ở bên cạnh nắm tay, cầu mong sự an lành cho cô là ai? Chỉ có Mẹ mới làm được những điều cao quý, vĩ đại như thế mà thôi.
Chưa hoàn hảo, chưa được như con mong muốn, nhưng tình mẹ là điều thiêng liêng nhất. Dù mẹ có vụng về, lóng ngóng, mẹ vẫn là đấng sinh thành nuôi con nên người.
Trong kinh Báo ân cha mẹ, Đức Phật diễn tả:“Mẹ già hơn trăm tuổi, còn thương con tám mươi, ân ái có đoạn chăng chỉ hơi thở cuối cùng”. Dù mẹ có già đến mấy thì vẫn luôn hướng về con, dù cho sắp trút hơi thở cuối cùng mẹ vẫn ở bên con. Mỗi người cha, người mẹ đều có cách thể hiện tình thương yêu của mình đối với con, và tất cả đều có chung một điểm, ấy là tấm lòng thương yêu không vụ lợi, không tính toán thiệt hơn, cho đi tất cả, chỉ mong sao cho con nên người, cho con có được cuộc sống hạnh phúc. Với những cha mẹ ở quê, để nuôi con khôn lớn, cha mẹ phải chịu không ít khổ cực.
Ngoài việc trông chờ vào ruộng đất, họ còn phải vất vả làm thêm đủ nghề, cũng chỉ mong con có một tương lai tương sáng hơn. Khi con khôn lớn, họ chấp nhận nhìn con rời xa vòng tay của mình, để con đi xa lập nghiệp. Ngày ngày, chỉ có cha mẹ già ngồi trong căn nhà trống vắng, mong ngóng tin con. Khi con sinh nở, con ốm đau bệnh tật, dù con ở xa, cha mẹ vẫn không ngại đường sá xa xôi lên ở chăm con... Đó chính là tình yêu thương vô điều kiện mà cha mẹ dành cho con cái.
Người xưa từng nói “nước mắt chảy xuôi”, như lòng mẹ cha lúc nào cũng thương yêu con hết mực. Thế nhưng con thường hay hờ hững, ít quan tâm chăm sóc cha mẹ và thực tế chứng minh bằng những hành động nông nổi, sai trái như cô gái trên. Cha ông vẫn dạy con cháu rằng: “Cá không ăn muối cá ươn; Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”.
Vì thế, dù chỉ là một câu nói khi nóng giận, nhưng nó cũng đủ khiến cho bậc làm cha làm mẹ, đau lòng, day dứt suốt một đời. Làm con hãy nhớ, dù trong hoàn cảnh nào cũng nên giữ đạo làm con, có như thế, tâm hồn mới thanh thản được.
Phương Vy