> Doanh nhân Nguyễn Đức Chi: 'Bây giờ không phải là lúc nói về oan trái'
Theo quyết định, dự án được thực hiện trên diện tích 46 hécta với tổng vốn đầu tư là 1200 tỷ đồng, trong đó tài sản đã thực hiện ở dự án Rusalka trước đây là 600 tỷ đồng. Chủ đầu tư có nghĩa vụ hoàn thành, đưa dự án (khu vực đầu tư dang dở) vào khai thác hoạt động trong vòng 24 tháng.
Tòa phán: Dự án Rusalka là tài sản của ông Nguyễn Đức Chi
Ngày 23/6/2005 ông Nguyễn Đức Chi, chủ tịch HĐQT Công ty RIT, chủ đầu tư dự án Rusalka, bị bắt tạm giam với tội danh bị khởi tố là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau đó Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thực hiện kê biên tài sản dự án Rusalka như là “vật chứng của án hình sự”. Ngày 21/9/2006 Ccơ quan này có văn bản kết luận ông Nguyễn Đức Chi “làm giả hồ sơ để được cấp phép đầu tư, chiếm đoạt quyền sử dụng đất” và đề nghị Bộ KH&ĐT thu hồi Giấy phép đầu tư, đề nghị Bộ Tài chính thành lập Hội đồng định giá bán đấu giá “vật chứng”.
Của cải xã hội đã bị hoang hóa cỏ dại như thế này trong gần chục năm qua
Căn cứ vào công văn nêu trên, Bộ KHĐT đã chấm dứt hoạt động của Dự án Rusalka và thu hồi giấy phép đầu tư (đồng thời là giấy đăng ký kinh doanh) đã cấp cho Công ty RIT, chấm dứt sự tồn tại của pháp nhân này.
Theo chỉ đạo của phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, việc bán đấu giá tài sản của dự án sau đó đã được hoãn lại chờ phán quyết của Tòa án. Sau hơn 4 năm bị tạm giam, qua nhiều lần xét xử, các cơ quan tố tụng đã không chứng minh được việc ông Nguyễn Đức Chi phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tòa án đã tuyên ông Chi sang một tội danh khác.
Theo một văn bản sau đó gửi ông Chi, Tòa án cho biết hành vi mà ông Nguyễn Đức Chi bị xét xử “không liên quan đến việc xin cấp giấy phép đầu tư vào dự án Rusalka”,
Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa gửi Thủ tướng ngày 12/7/2012, "điều này cho thấy văn bản của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an không phù hợp với quy định pháp luật, căn cứ vào văn bản này Bộ KH&ĐT chấm dứt hoạt động của dự án Rusalka và thu hồi Giấy phép đầu tư đã cấp cho Công ty RIT trước đây là không đúng”.
Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao tại Quyết định Giám đốc thẩm số 07/2010/HS-GĐT ngày 01/04/2010 kết luận: “khi bị Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử về tội làm giả tài liệu của cơ quan,tổ chức (bản án đã có hiệu lực pháp luật) Nguyễn Đức Chi cũng không bị buộc phải có nghĩa vụ liên quan đến tài sản (bồi thường dân sự, tịch thu tài sản). Vì vậy, cần phải hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm về việc tiếp tục kê biên các tài sản của Nguyễn Đức Chi vì trong phạm vi vụ án hình sự này không có căn cứ pháp luật để tiếp tục kê biên tài sản của Nguyễn Đức Chi”.
Tại văn bản khác gửi ông Nguyễn Đức Chi, Tòa án Nhân dân Tối cao cho hay “các tài sản bị kê biên trong vụ án là của anh và đã được hủy bỏ biện pháp kê biên; anh có thể liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền liên quan để nhận lại tài sản”.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng, UBND tỉnh Khánh Hòa nhận định “tài sản Dự án Rusalka là tài sản hợp pháp của ông Nguyễn Đức Chi, không có cơ sở pháp lý để UBND tỉnh Khánh Hòa bán thanh lý tài sản này”.
Cái lý của luật pháp và cái tình của đạo lý
UBND tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo Thủ tướng về trách nhiệm thanh lý tài sản, giải quyết công nợ liên quan đến tài sản như sau: “Theo quy định của pháp luật đầu tư hiện hành, vấn đề thanh lý dự án được quy định tại Điều 69 Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2005, theo đó việc thanh lý dự án phải được thực hiện trước khi rút giấy phép đầu tư, do nhà đầu tư thực hiện”
“Tại cuộc họp ngày 13/06/2012 do Bộ KH và ĐT tổ chức, các Bộ, ngành đã nhất trí nội dung: Việc thanh lý tài sản, giải quyết công nợ cho các tổ chức, cá nhân đã ký hợp đồng với công ty RIT trong quá trình xây dựng dự án Rusalka và giải quyết khiếu nại (nếu có) là không thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước. Nếu các bên không có thỏa thuận, thống nhất thì thẩm quyền phán xét là của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự”, cũng theo UBND tỉnh Khánh Hòa.
Rusalka, dự án được cho là có vị trí đẹp nhất trên vịnh Nha Trang
Từ nguyên lý đó, UBND tỉnh Khánh Hòa kết luận “theo Quyết định Giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao thì tài sản dự án Rusalka là của ông Nguyễn Đức Chi. Ông Nguyễn Đức Chi là người duy nhất đại diện cho công ty RIT theo Giấy phép đầu tư số 2178/GP, chịu trách nhiệm xử lý tài sản, thanh lý công nợ với các tổ chức, cá nhân đã ký hợp đồng với Công ty RIT”.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và đề xuất của Bộ KH&ĐT và quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức nhiều cuộc họp với các Bộ, ban, ngành trung ương và các ban ngành tỉnh Khánh Hòa nhằm giải quyết các vướng mắc để dự án tiếp tục được triển khai.
Cùng lúc, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở KHĐT cùng ông Nguyễn Đức Chi (chủ sở hữu tài sản và đại diện cho Công ty RIT) thực hiện đăng thông báo thanh lý dự án Rusalka và giải quyết công nợ đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, xác định công nợ, thời gian thanh toán…
Kết quả cho thấy, chủ đầu tư đã thỏa thuận, thống nhất với 12 nhà thầu và tập thể nhân viên đã làm việc cho Công ty RIT số tiền gần 16,3 tỷ đồng và 645.405 USD; 01 công ty có số nợ gốc là 57.800.000 VNĐ, chủ đầu tư đã liên lạc nhưng chưa có trả lời,; 03 công ty có tổng công nợ gốc là 492.128.440 VNĐ nhưng chủ đầu tư không liên lạc được; 04 công ty có số nợ gốc là 56.455.488.213 VNĐ không đạt được thỏa thuận với chủ đầu tư, 04 công ty này yêu cầu thanh toán số tiền 294.374.078.660 VNĐ, trong đó Công ty BMC (Bộ Công thương) có số nợ gốc là 51,6 tỷ VNĐ nhưng BMC khiếu nại đòi được thanh toán 275,5 tỷ VNĐ.
Theo báo cáo của Khánh Hòa gửi Thủ tướng, chủ đầu tư cho rằng đòi hỏi của nhà thầu là không có cơ sở pháp lý để giải quyết vì nhà thầu không đồng ý giải quyết bằng thương lượng giữa các bên và vì Công ty RIT không còn tồn tại từ tháng 10/2006 nên chủ đầu tư “bàn giao nghĩa vụ này cho nhà đầu tư mới kế thừa để các bên giải quyết phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự sau khi công ty mới được thành lập và được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.
Luật sư Tạ Ngọc Sơn (Công ty luật Kosy, Hà Nội) phấn tích về yếu tố pháp lý trong quyết định của Khánh Hòa như sau: "Theo quy định tại Luật Xây dựng và văn bản hướng dẫn thi hành tại Nghị định 48/2010/NĐ – CP ngày 07/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng xây dựng thì quan hệ giữa RIT và BMC là quan hệ giữa chủ đầu tư dự án và nhà thầu chính trong hợp đồng thi công xây dựng".
"Cũng theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2005 quy định về đối tượng hợp đồng thì khi RIT bị thu hồi giấy phép đầu tư (năm 2005), đối tượng của hợp đồng trên giữa RIT và BMC không còn nên hợp đồng trên đương nhiên chấm dứt không còn hiệu lực. Các điều khoản liên quan đến việc quyết toán, thanh lý hợp đồng sẽ do RIT và BMC thương lượng thỏa thuận", luật sư Sơn phân tích.
Luật sư Sơn bình luận, giải quyết những hậu quả của dự án này như trình tự nói trên là 'cách tích cực của nhà chức trách địa phương đối với một dự án quá tai tiếng, là cách mà địa phương tiếp cận để dự án và tài nguyên ở một vị trí đẹp nhất trong vịnh Nha Trang thoát khỏi sự hoang hóa cỏ dại, thoát khỏi hoang phí của cải xã hội nhiều năm qua'.
Thế nhưng, điều này vẫn gây tranh cãi, gây nhiều rắc rối cho tỉnh Khánh Hòa khi liên tục bị những cáo buộc 'không minh bạch' trong giải quyết dự án.
'Làm tốt, hợp lý và nhân văn đôi khi vẫn bị hiểu nhầm và bôi nhọ', luật sư Sơn nói với phóng viên Người đưa tin.
(Cập nhật tiếp vào lúc 15g chiều nay, 14/5/2013).
> Ông chủ vào tù, nhà thầu liên minh thâu tóm dự án
Hà Thành