“Anh ấy vừa về, chị không biết à?”, tôi hỏi. “Anh ấy có bảo gì với chị đâu”, những giọt nước mắt vẫn lăn dài trên má.
Tuấn “ma làng” cùng đội với tôi, gã hơn chị vài tuổi. Cái biệt danh “ma làng” mà mọi người gán cho là bởi tính trăng hoa bẩm sinh và sức khỏe mạnh phi thường của gã.
Chúng tôi ngồi trước cửa quán, nơi chị vẫn hàng ngày ngồi đợi khách. Ở cái phố “đèn đỏ” ấy, mỗi ngôi nhà chỉ được ngăn bằng những tấm vách rách nát, hôi hám, tối tăm và sặc mùi nhang. Đó là nơi mà gã và chị đã ở với nhau cả tháng trời. “Hôm đầu, anh ấy cứ ngồi ở cửa, ngay đây này. Thỉnh thoảng mới nói một câu, cộc cằn nhưng đáng tin”, chị nói nhát gừng, vừa nói vừa khóc nấc.
Đúng là “ma làng” luôn khiến người đối diện có một niềm tin vào gã. Một chút cộc cằn, một chút thô lỗ, một chút hào sảng và rất nhiều sự quyết đoán đã tạo nên gã. Sự cộc cằn thường khiến người ta nghĩ rằng đó là một kẻ không giỏi ăn nói, nhưng tốt tính. Nhưng sự “đáng tin” ấy hôm nay đã ra đi, trên chiếc tàu cá lè phè chạy lúc chập tối, để trở về với vợ con, sau mấy tháng trời.
“Anh ấy bảo sẽ đưa chị về quê”, chị quệt nước mắt, nức nở.
Ở cái đảo xa xôi, hẻo lánh, nơi mà mỗi ngày chỉ có một lần đò ra để tiếp thực phẩm này, tìm được một gã đàn ông để tính chuyện “đưa về quê”, nói không quá, còn khó hơn lên trời. Đảo như một cái bến trung chuyển mà những khách lữ hành chỉ ghé qua.
“Kiếm được, nhưng cực lắm em ạ”, chị nói, rồi nhìn ra cái ngõ tối tăm trước nhà, nơi có mấy cô khác đang ngồi kiếm khách. Những khách làng chơi chị tiếp chủ yếu là mấy tay đi biển. Những gã đen đúa, ba ngày tắm một lần và lao vào đàn bà như những con hổ đói lâu ngày.
Đôi khi chị ghê tởm cái cảm giác xác thịt như loài vật đó. Mùi thức ăn, mùi bia rượu, mùi nôn ói và cả mùi ngai ngái, hôi hám của những gã đàn ông với tiếng nhạc đinh tai, những giọng hát lè nhè trong cơn say thi thoảng vẫn khiến chị hốt hoảng. Cả những cái hôn ngấu nghiến, những bàn tay thô ráp, nó khiến ngực chị đau đớn cả ngày... Nhưng chị đã lựa chọn điều ấy, vì đó là những gã sẵn sàng bỏ cả vốc tiền đã kiếm một cách vất vả chỉ để ngủ một giờ với chị.
“Ma làng” thì khác, gã cư xử với chị như một người tình. Gã đã trở thành cơn gió, dù nhẹ, thắp lại ngọn lửa hy vọng cho cái tương lai tăm tối của chị. Cái ngọn lửa ấy đủ để chị mang tiền bạc, công sức, đủ để chị, đóng quán vài ngày và theo “anh ấy” lòng vòng quanh đảo. Và khi gã đi, mang theo cơn gió nhẹ, nhưng độc ấy, thì ngọn lửa đã tắt lụi. Cuộc đời không cho chị đứng dậy.
Tôi không biết nói gì với người phụ nữ ấy khi mà những giọt nước mắt long tong của chị cứ rơi trong cái buổi tối mà tiếng nhạc xập xình đôi khi át đi cả cuộc nói chuyện. Những câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu. Tại sao một người “bán phấn” không lạ gì đời như chị vẫn khóc? Giọt nước mắt ấy có đáng tin không? Và chị có yêu gã thật không?...
Cuối cùng, tôi không tìm thấy ở chị một lý do nào đấy để phải khóc trước mặt tôi, một người xa lạ. Đó hẳn là những giọt nước mắt chân thật nhất, của một “cave” đúng nghĩa nhất, với một tình yêu trong sáng nhất.
Đôi bàn tay trắng trẻo với những chiếc móng màu đỏ hoa hồng, khi thì quệt nước mắt, khi thì bấm nút gọi cho một thuê bao không liên lạc được.
Trên màn hình điện thoại, có một giọt nước mắt rơi xuống nút tròn nhỏ, màu xanh, rồi lan sang nút màu đỏ... nhòe dần!!!
Nguyễn Vương