Tôi tin không cha mẹ nào muốn con học vì mình. Vì một đứa trẻ học vì bố mẹ nó có thể điểm cao chót vót nhưng kiến thức chẳng ở lại trong đầu. Điểm số của chúng là cho bố mẹ nở mặt nở mày.
Điểm cao là hoàn thành nhiệm vụ. Nên sau này ra trường, chúng thất bại vì kiến thức để lấy điểm số, lấy xong là bay màu. Cắm đầu vào cày bài vở đến quên cả nạp kiến thức xã hội, tương tác bạn bè, hiểu biết nhân tình thế thái (trong hành trình trưởng thành của chúng).
Học đối phó khiến nhiều đứa trẻ bị áp lực nặng hơn những đứa trẻ khác. Và tệ hơn, chúng có thể chán học, sợ học nếu như học mãi điểm vẫn thấp, chẳng bao giờ làm cha mẹ hài lòng.
Vậy, con học cho ai? Câu trả lời này ai cũng biết: Con học cho con. Nhưng làm thế nào để con hiểu rằng con học cho con? Mục đích học tập của con là gì? Là mục tiêu một cách cụ thể chứ đừng là “Không học sau này lớn lên đi ăn mày”.
Là con phải lên lộ trình để đạt mục tiêu đó bằng việc học của mình. Cha mẹ sẽ là người hỗ trợ con, giám sát lộ trình đó.
Hỗ trợ thì ai cũng biết. Thế còn giám sát? Không phải là kè kè bên con, quát mắng, thúc giục con. Mà hãy là huấn luyện viên (HLV). Như HLV thể hình vậy. Đừng làm thay con. Hãy giúp con nhận ra TRÁCH NHIỆM của con.
Việc con biết trách nhiệm của mình và thực thi trách nhiệm đó chính là từ những giám sát lộ trình của cha mẹ. Sẽ có những ngày con chán học, tốt thôi, ta hãy cùng nhau vượt qua cơn buồn chán đó chứ không phải réo rắt trách nhiệm hay bỏ qua cho con.
Cha mẹ hãy cung cấp giải pháp thay vì chỉ đưa ra mệnh lệnh hoặc biến việc chán học của con thành cơn phẫn nộ của mình.
Nếu có một lý do con học vì cha mẹ thì đó là vì cha mẹ đang lao động hết sức mình để cho gia đình ta ngày một tốt lên. Một phần trong số tiền cha mẹ kiếm được là ngân sách học tập dành cho con. Một phần chứ không phải tất cả nhé! Nên con học tốt cũng chính là con đã sử dụng khoản ngân sách đó hữu dụng.
Là con làm được điều đó chứ không phải vì cha mẹ ép buộc con phải làm điều đó. Là trao cho con lòng tin để con nuôi lớn lòng tin đó. Là con tốt lên để cha mẹ được tốt lên. Là bao nhiêu vất vả của cha mẹ đã được con “trả lương” hậu hĩnh vậy. Cảm ơn con vì đã luôn yêu thương, có trách nhiệm với gia đình của chúng ta.
Nhà văn Hoàng Anh Tú