Con hư hỏng, cha mẹ muốn "từ con" có được không?

Con hư hỏng, cha mẹ muốn "từ con" có được không?

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 2, 09/11/2020 10:10

Pháp luật chỉ mới quy định về việc cha mẹ nuôi có quyền yêu cầu tòa ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định tại điều 78 luật Hôn nhân và gia đình.

Bạn Nguyễn Quang Hưng (phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên) hỏi: Gia đình tôi đang có nhiều chuyện không vui xảy ra khi con trai tôi thua cờ bạc đi vay tiền xã hội đen làm gia đình không thể ở yên được. Tôi đã thấy chán với đứa con này, không lo làm ăn và ảnh hưởng đến gia đình, đêm hôm qua xã hội đen đã đến nhà và đổ sơn vào nhà tôi chỉ để đòi nợ. Con tôi suốt ngày ăn chơi và đòi gia đình bán đất để trả nợ nhưng tôi không làm như thế. Hiện con trai tôi đã bị tôi đuổi ra khỏi nhà, giờ tôi rất tức giận và muốn từ bỏ đứa con này thì phải làm gì?

Luật sư trả lời:

Khái niệm “từ con” hiểu nôm na là cha mẹ muốn chấm dứt quan hệ với con, không coi đó là con của mình nữa.

Với câu hỏi của bạn thì hiện tại pháp luật Việt Nam không có quy định về việc xóa quan hệ huyết thống hay chấm dứt quan hệ huyết thống giữa con cái với cha mẹ. Hiện không có văn bản pháp luật nào quy định về việc giải quyết chấm dứt quan hệ cha, mẹ, con giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ.

Khi người con đã đạt đến độ tuổi nhất định có đầy đủ hành vi dân sự (đã thành niên) thì có quyền tự quyết định về hành vi, về cuộc sống riêng của mình, khi đó cha mẹ chỉ là những người thực hiện quyền của cha mẹ, từ sự dẫn dắt chủ động, trực tiếp sang hướng dẫn, gợi ý, cố vấn, giúp đỡ... cuộc sống của con.

Quan hệ giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ hình thành một cách tự nhiên bằng con đường huyết thống. Do đó, sự gắn bó tình cảm và mối liên hệ giữa cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ là quy luật tự nhiên, có tính bền vững bất biến bởi nguồn gốc huyết thống, vì vậy, quan hệ huyết thống tự nhiên không thể chấm dứt theo ý chí chủ quan của con người. Pháp luật cũng không thể định đoạt việc chấm dứt quan hệ huyết thống vì điều đó trái với lẽ tự nhiên.

Theo luật Hôn nhân và gia đình thì cha mẹ có quyền và nghĩa vụ phải thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Với con ruột, nếu có hành vi phạm pháp với cha mẹ thì tùy mức độ vi phạm mà cơ quan chức năng sẽ xử lý hành chính hay hình sự.

Hiện tại pháp luật chỉ có quy định về việc chấm dứt quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi quy định tại điều 78 Luật hôn nhân gia đình 2014, các quy định tại Luật nuôi con nuôi.

Tuy nhiên, do tính chất thiêng liêng của quan hệ cha, mẹ, con nên việc chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi cũng chỉ được thực hiện trong 3 trường hợp nhất định, đó là:

Trường hợp 1, cha mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên tự nguyện chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi.

Trường hợp 2, con nuôi bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha, mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha, mẹ nuôi hoặc có hành vi phá tán tài sản của cha, mẹ nuôi.

Trường hợp 3, cha mẹ nuôi đã có các hành vi xâm hại, lợi dụng con nuôi.

Mặt khác, việc chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi phải thực hiện theo thủ tục tư pháp và do toà án giải quyết.

Nếu xin chấm dứt quan hệ cha, mẹ, con nuôi thì việc chấm dứt quan hệ này được dựa trên các căn cứ theo quy định tại Luật nuôi con nuôi:

Thứ nhất, con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Thứ hai, con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi.

Thứ ba, cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi.

Thứ tư, vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật nuôi con nuôi.

Như vậy, nếu như hiện tại quan hệ cha con có nhiều bất đồng thì cần một thời gian để giải quyết, gia đình cần áp dụng các biện pháp cần thiết để giáo dục con cho phù hợp.

Mọi thắc mắc của bạn về các vấn đề hôn nhân, gia đình sẽ được đội ngũ chuyên gia, luật sư, bác sĩ của "Chát với chuyên gia" trên Tạp chí điện tử Người Đưa Tin Pháp Luật giải đáp một cách chi tiết, tận tình nhất. Hãy gửi những vấn đề của bạn cho chúng tôi theo địa chỉ mail: suachuahonnhan@nguoiduatin.vn

Hoàng Mai

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.