Hẳn rất nhiều lần chúng ta đã từng nghe câu nói này: Con hư tại mẹ. Đặc biệt là trong những bài báo về kẻ cướp, giết người, luôn có câu của mẹ thủ phạm: Nó ở nhà là một kẻ hiền lành. Ai mà ngờ đâu... Và những comment dưới bài báo sẽ là hằng hà sa số những câu kiểu: Con hư tại mẹ!
Tôi đồng ý rằng mẹ nào cũng thế, trong mắt mẹ, con mình lúc nào cũng ngoan, hiếu thảo và hiền lành. Thậm chí còn ngốc nghếch, dại dột. Nhưng lòng thương con của mẹ bị gán cho việc làm con hư thì không! Tôi thật thấy bất công và có nhiều phần ác độc. Bất công là bởi sao con hư lỗi chỉ là từ mẹ? Ác độc là bởi đâu đó từ chính phán xét này nhiều đứa trẻ đã lớn lên trong sự hạn chế yêu thương của mẹ. Bởi nhiều mẹ sợ con hư vì mình chiều mà đã thành Mẹ Hổ, bởi sợ con hư mà luôn phải đóng vai ác. Mà mẹ thì chẳng đóng được vai ác đâu.
Cố ác bao nhiêu cũng chỉ khiến con mình tổn thương nhiều hơn sợ sệt, khiến con đau hơn là con tốt lên. Còn nếu trở thành Mẹ Hổ được thì thứ mẹ đó thường là những người lý trí coi làm mẹ là một nghề nghiệp. Làm mẹ để khoe con như sản phẩm mình đã tạo ra hơn là một đứa con. Tôi sợ và ghét những bà mẹ như thế. Họ giỏi thế nào tôi cũng thây kệ bởi tôi chỉ thấy xã hội lại thêm một đứa trẻ bị tổn thương, thêm một đứa trẻ bất hạnh.
Tôi không cho rằng cách dạy con của các mẹ phải thế này hay thế khác. Không! Chẳng có giáo trình nào dạy bạn trở thành một người mẹ tốt, mẹ chuẩn. Mỗi mẹ đều tự trở thành một giáo trình với chính đứa con mình. Làm mẹ theo cách của chính mình chứ đừng làm mẹ theo những ý kiến của người khác. Nếu ta không muốn con mình sống theo cái nhíu mày của kẻ khác sao ta lại cứ làm mẹ theo cái nhíu mày của kẻ khác???
Nhiều mẹ cố nhồi con ăn vì ra đường sợ họ chê mẹ vụng để con gầy, cố bắt con học hành giỏi giang vì sợ xấu hổ với họ hàng nếu con học dốt, cố bắt con làm cái này cái nọ để vui lòng mình vừa lòng thiên hạ. Họ không sai khi họ muốn con họ tốt lên nhưng họ sai khi họ yêu con bằng lý trí chứ không phải bằng trái tim mình.
Con hư tại mẹ còn là sự bất bình đẳng giới, định kiến giới nữa khi mà coi việc nuôi dạy con thuộc về người mẹ, người phụ nữ. Thất bại của con thuộc về người mẹ. (Trong khi con giỏi giang thế nào cũng có câu: Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh). Nhưng tại sao chính những người phụ nữ cũng dùng câu nói đó khi nhận định về những đứa trẻ hư?
Đàn ông nói câu đó có thể được hiểu như một cách chối bỏ trách nhiệm nuôi dạy con, coi chuyện nuôi dạy con là của phụ nữ. Những gã đàn ông quy trách nhiệm cho phụ nữ như thế đa phần đều là những gã đàn ông chỉ biết gieo giống chứ chưa thể được coi là một người cha. Nhất là những đứa trẻ sa ngã vào con đường xấu đều bắt nguồn từ sự bỏ bê con cái chứ không phải từ sự chiều chuộng của người mẹ. Là không có sự quan tâm đến con cái từ cả bố lẫn mẹ.
Sau những đứa con phạm tội tôi không thấy một người mẹ nào đáng trách mà tôi chỉ thấy đó là những người mẹ bất hạnh và bất lực. Bất hạnh vì nhiều mẹ phải vừa kiếm sống vừa nuôi con không có chồng phụ giúp. Bất lực vì kiến thức không có, không biết phải dạy con thế nào, không có ai giúp đỡ. Hầu hết, khi đã làm mẹ, người phụ nữ nào cũng dành dụm điều tốt nhất mà mình có cho con mình. Cái gọi là chiều chuộng thực sự chỉ là họ không biết phải làm thế nào mới là đúng. Bởi cuộc đời này, đâu phải cứ tốt cho người này là đúng với người kia, tốt với cha mẹ và đúng với con cái nhiều khi còn là một khoảng cách xa, rất xa. Nó đôi khi dài bằng khoảng cách của cả thế hệ.
Con hư tại mẹ… có chồng hỏng thì đúng hơn. Chồng hỏng nên chồng nằm ở xó khuất nào khi mẹ phải nai lưng cày cuốc lo cho con từ cái ăn đến chuyện học hành. Những ông chồng ngồi quán nhậu bình luận thiên hạ đúng sai trong khi con mình thì chẳng một lời chỉ bảo hoặc nếu có chỉ là “Ra mà hỏi mẹ mày”. Những ông chồng có thể kiếm ra rất nhiều tiền nhờ mối quan hệ, chăm sóc con sếp, giả dối với khách hàng, thì về dạy con bằng điều gì?
Tôi vẫn thường nghĩ rằng làm cha ngoài việc trở thành người chăm sóc, dạy bảo con còn phải là tấm gương cho con. Có thể chẳng phải là một tấm gương cho con noi theo nhưng chắc chắn phải là để con cái đừng hổ thẹn vì có người cha như thế. Khi các ông đang chén chú chén anh là lúc vợ tất tả tan sở vừa đi chợ, đón con rồi về nấu nấu nướng nướng.
Khi các ông cắm mặt vào điện thoại, máy tính chém chuyện thiên hạ trên Facebook, xem bóng đá là lúc vợ cho con ăn, dạy con học. Khi các ông à ơi người phụ nữ của người đàn ông khác, đóng vai “ông bác, ông chú dễ thương” với con của họ là lúc vợ còn đang bận rửa đít cho con, bận tắc sữa tức ngực, bận đứa con tuổi bướng… Tôi đã thấy nhiều người đàn ông như thế, ai trong chúng ta cũng đều thấy dăm gã đàn ông như thế nhưng sao vẫn mở miệng ra là “auto”: Con hư tại mẹ?
Trái tim người mẹ quả đúng là đôi lúc u mê, mù quáng. Tôi cũng đã thấy những người mẹ coi con là báu vật, sẵn sàng sống còn với bất cứ ai chạm vào con họ, làm đau con họ hoặc thậm chí chỉ là không bằng lòng với cái sự hỗn hào của con họ. Trẻ con thì biết cái gì? Nhiều mẹ bênh con chết thôi vì lẽ đó.
Đôi lần tôi cũng bực lắm mà buông câu: Con hư tại mẹ. Nhưng rồi tôi hiểu rằng lỗi đó là lỗi yêu thương không đúng cách. Họ yêu con như bị bùa ngải thuốc lú. Là bởi trái tim của họ quá đỗi mong manh nên đầu óc của họ cũng thành vô cùng mờ mịt. Thì cũng là đáng thương chứ không thể là đáng trách. Bởi mẹ nào cũng vậy, khi con hư, lòng mẹ nào chả đớn đau như nhau. Đớn đau vì con cũng thấu tận cùng tâm can rồi. Còn phải bẽ bàng, còn phải nhục nhã, còn phải ê chề nữa bởi những xỉ vả người đời nữa, có đáng không?
Nghĩ đến mẹ mình xin đừng quên mẹ người!
Hoàng Anh Tú
Độc giả có những tâm sự hay khúc mắc cần sự tư vấn, giải đáp của chuyên gia hoặc đơn giản chỉ là để trải lòng, chia sẻ những quan điểm về hôn nhân, "cách sử dụng" một cuộc hôn nhân,... xin hãy gửi trực tiếp bài viết của bạn cho Tiệm sửa chữa hôn nhân của chúng tôi theo địa chỉ mail suachuahonnhan@nguoiduatin.vn