Theo đó, đáp ứng cho khoảng 80% sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở và hỗ trợ cho khoảng 500 nghìn hộ gia đình tại nông thôn cải thiện nhà ở.
Theo ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, bộ Xây dựng, hiện có tới 6 chương trình hỗ trợ nhà ở. Tính riêng chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị hiện đã hoàn thành xây dựng 84 dự án với quy mô xây dựng khoảng 33.400 căn hộ và đang tiếp tục triển khai 135 dự án với khoảng 81.000 căn hộ. Con số này bao gồm cả một số dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội được UBND các tỉnh, TP chấp thuận.
Còn đối với nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp hiện đã hoàn thành 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ và đang tiếp tục triển khai 72 dự án với khoảng 88.000 căn hộ.
Đánh giá về nhà ở xã hội ở Việt Nam hiện, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT công ty CP Đầu tư Nam Long cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội và nhà thương mại đang rất bức thiết vì cơ cấu dân số đang bước vào cơ cấu dân số vàng, với 70% trong độ tuổi lao động từ 15 – 59 tuổi.
Theo nhận định của ông Quang, các TP hay siêu đô thị như Hà Nội và TP.HCM đang bùng nổ về nhu cầu nhà ở trong khi quỹ đất để xây dựng nhà ở, giao thông và các dịch vụ tiện ích đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Riêng tại TP.HCM, nhu cầu nhà ở nhất là căn hộ đã và đang bùng nổ nhiều năm qua. Ông Quang cho hay, theo số liệu không chính thức hàng năm có khoảng 20.000 gia đình mới có nhu cầu nhà ở vừa túi tiền.
Ông chia sẻ, có những buổi mở bán trong một ngày đã giao dịch thành công 200 căn, cho thấy nhu cầu với phân khúc này rất lớn. Bên cạnh đó, theo ông thanh khoản của phân khúc này ở thị trường thứ cấp cũng khá tốt.
Ông Quang cũng dẫn chứng khảo sát của CBRE cho thấy nhu cầu nhà ở giá rẻ là cao nhất và phát triển bền vững nhất. Trong đó, căn hộ bình dân và trung cấp có giá bán từ dưới 15 triệu đến tối đa 32 triệu đồng/m2 chiếm tới 80% thị phần căn hộ bán tại TP.HCM giai đoạn 2015 – 2017.
Trả lời câu hỏi về nguồn vốn đối với nhà ở xã hội, hoặc nhà thương mại giá rẻ sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng, ông Vũ Văn Phấn cho rằng, quan điểm của bộ Xây dựng là giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà Nước và phải nhiều mới làm được thì tương lai đó là không được.
Ông Phấn cho hay, cơ quan quản lý cũng dành nhiều thời gian để học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia về vấn đề bố trí vốn cho nhà ở xã hội, trong đó đa số đều không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Singapore hình thành ngân hàng tiết kiệm nhà ở, do người dân đóng góp, không phải ngân sách Nhà nước.
"Chúng tôi cũng đi học kinh nghiệm các nước bạn rồi nhưng với điều kiện kinh tế Việt Nam thì mô hình này chưa được thông qua. Do đó, hiện nay chỉ có nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội", ông Phấn cho hay.