Con không nhận cha và khát khao mùa Xuân trọn vẹn!

Con không nhận cha và khát khao mùa Xuân trọn vẹn!

Nguyễn Thị Hường

Nguyễn Thị Hường

Thứ 5, 11/02/2021 08:00

Trần Minh Quân đang phải sống trong chuỗi ngày dằn vặt sau song sắt vì chính mình đã cướp đi tuổi thơ của con gái nhỏ.

Giờ đây, người cha ấy đếm từng ngày mong mỏi được đón một mùa Xuân trọn vẹn bên con...

Xót xa con không nhận cha

Nhà thơ người Đức Novalis từng viết: “Một đứa con ngủ ngon, yên giấc không đâu bằng trong phòng của cha nó”, bởi đối với một đứa trẻ, không khoảng trời nào bình yên bằng trong vòng tay cha.

Ấy vậy mà, có một bé gái khi gặp lại cha sau bao ngày xa cách, lại òa khóc và đi thụt lùi trong sợ hãi. Hình ảnh đó vẫn luôn in hằn trong ký ức xót xa của phạm nhân Trần Minh Quân (SN 1989, trú tại thị trấn Phước An, huyện KrôngPăk, Đắk Lắk).

Sau gần chục năm tự vấn, Quân dường như không còn muốn nhắc đến đoạn quá khứ buồn. Quân cũng từng có một gia đình êm ấm, nhưng anh ta đã tự tay phá tan hạnh phúc. Quân kết hôn khi còn khá trẻ. Năm 2010, gia đình nhỏ đón thêm thành viên mới là một bé gái kháu khỉnh, bụ bẫm.

Những tưởng, hạnh phúc cứ mãi nở hoa trước hiên nhà, chẳng ngờ, áp lực cuộc sống đổ dồn lên đôi vai cộng thêm một chút ghen tuông đã khiến Quân mất bình tĩnh, ra tay tước đoạt mạng sống của người vợ vẫn “đầu ấp tay gối” với mình. Gây án xong, người đàn ông ấy dùng chính con dao hung khí để tự sát, nhưng không hiểu vì sao mình vẫn còn sống và tỉnh dậy sau 2 ngày hôn mê trong bệnh viện.

Hồ sơ điều tra - Con không nhận cha và khát khao mùa Xuân trọn vẹn!

Phút trải lòng của phạm nhân Trần Minh Quân.

Mặc dù thoát khỏi “cửa tử” nhưng Quân không thoát khỏi những chuỗi ngày tự dằn vặt bản thân sau song sắt, nỗi nhớ con, nhớ cha mẹ và em gái khiến anh ta cứ thao thức hằng đêm. Anh ta ân hận vô cùng vì chính tay mình đã cướp đi tuổi thơ của con gái bé bỏng khi mãi mãi không còn được gặp mẹ, còn cha phải đi tù. Cô bé được ông bà nội nuôi dưỡng, nhưng thiếu vắng vòng tay cha mẹ trong những năm đầu đời vẫn là một thiệt thòi quá lớn.

Vài tháng sau ngày gây án, Quân được tạo điều kiện cho gia đình thăm gặp. Cô con gái lúc này mới hơn 4 tuổi, lẫm chẫm bước theo ông bà nội vào thăm cha. Bao ngày xa cách, Quân không giấu nổi sự mừng rỡ định chạy tới ôm con, nhưng cô bé bỗng nhiên gào khóc nức nở và chân cứ bước thụt lùi. Khi được bà nội bế về phía cha thì bé càng khóc to hơn và tỏ ra sợ hãi.

“Một lần nữa, tôi cảm giác như mình lại mất thêm một điều rất quý giá trong cuộc đời. Trước đây, con gái luôn quấn quýt, bám cha như sam. Vậy mà, sau khi tôi gây ra tội lỗi và bị bắt, lần đầu tiên gặp lại sau chuỗi ngày nhung nhớ, con gái đã không gần cha nữa. Tim tôi đau thắt. Cảm giác không thể diễn tả nổi! Chính tay tôi đã tước đi quyền lợi của con gái mình, tước đi người mẹ, tước đi thời gian cần có cha bên cạnh...”, phạm nhân Trần Minh Quân trải lòng.

Mong mỏi mùa Xuân bình yên

Đối với Quân, cái Tết đầu tiên sau song sắt lạc lõng, cô quạnh, mất hết tất cả, nỗi nhớ nhà và những cái Tết đoàn viên trước đó càng dâng lên cồn cào.

“Nhớ thương bao nhiêu cũng chỉ biết khóc ở trong lòng. Vì muốn khóa chặt đoạn ký ức đó nên tôi không muốn chia sẻ, tâm sự với ai... Sau một thời gian, được các cán bộ trại giam an ủi, động viên, tôi bắt đầu mở lòng hơn, tạm gác tâm trạng mỗi khi Tết đến Xuân về. Đặc biệt, mỗi dịp gần Tết, khi cha mẹ đưa con gái tôi vào thăm, giá trị cuộc sống tự do lại ập về, tôi càng khao khát được ôm người thân trong vòng tay vào khoảnh khắc đón năm mới...”, Quân nghẹn ngào.

Hồ sơ điều tra - Con không nhận cha và khát khao mùa Xuân trọn vẹn! (Hình 2).

Phạm nhân Trần Minh Quân luôn nỗ lực cải tạo thật tốt để sớm trở về bên gia đình.

Nhìn đôi mắt ngấn lệ của mẹ mỗi lần vào thăm, Quân không khỏi chạnh lòng, nhớ lại: “Năm đó, khi tôi tỉnh lại trong bệnh viện, vừa nhìn thấy mẹ vào thăm, tôi sốc rồi ngất đi, khiến mẹ lo lắng, không dám vào thăm nữa... Cứ như vậy, phải đến vài tháng sau, tôi mới được gặp lại mẹ. Sau này, em gái tôi kể: “Quãng thời gian đó với mẹ quả là nặng nề. Đêm nào mẹ cũng trằn trọc, nhớ thương anh mà không thể gặp, khóc đến sưng cả mắt”.

Tôi muốn đưa tay xoa dịu những giọt nước mắt, những nếp hằn của thời gian trên gương mặt mẹ nhưng hiện giờ không thể... Tôi chỉ biết cố gắng cải tạo thật tốt để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm trở về bên gia đình, thực hiện những điều dang dở mà tôi đã bỏ lỡ trong suốt nhiều năm nay”.

Điều mà người cha này khao khát nhất chính là được cầm tay con gái và ở bên để cùng con trưởng thành: “Những năm khi con gái còn nhỏ, tôi vẫn chưa kịp để ý, nhưng đến một lần, khi đang ngồi nói chuyện, bà nội đứng dậy, ra căng-tin mua đồ, con bé nhấc điện thoại lên và thổn thức: “Ba ơi, ba mau về với con nha. Ở nhà, mỗi khi con nghịch chút là cô út lại la con...”.

Đó chỉ là những lời nói vẩn vơ của trẻ thơ nhưng lại chạm tới đáy lòng, tôi biết con gái mình đã lớn hơn, đã biết đợi cha, luôn mong cha là người bảo vệ mình...”.

Hình ảnh của cô con gái mỗi lúc một lớn hơn chính là động lực mãnh liệt nhất, thôi thúc người cha trên hành trình trở về nẻo thiện và sớm ngày được tận hưởng cuộc sống tự do cùng người thân. Bữa cơm gia đình, cái Tết đoàn viên luôn hiện hữu trong từng giấc mơ, như khát khao về một ngày mai tươi sáng.                                                 

Bức tâm thư chưa dám gửi cho cha

Phía sau song sắt, phạm nhân Trần Minh Quân đã viết rất nhiều bức thư cho cha, nhưng chưa một lần dám gửi: “Sau khi tôi gây ra tội, cha mẹ vừa lo đám tang cho vợ tôi, vừa chạy vạy chữa trị thương tích cho tôi khiến gia đình kiệt quệ, không còn một đồng đong gạo. Nhưng cha tôi không hề gục ngã, ông vực dậy, lập lại cuộc sống mới cho gia đình tốt đẹp hơn xưa rất nhiều. Điều đó khiến tôi vô cùng khâm phục! Thầm biết ơn cha, tôi đã viết rất nhiều lá thư nhưng lại chưa một lần dám gửi, nỗi niềm dành cho đấng sinh thành vẫn giấu kín riêng mình tôi biết”.

Nguyễn Hường - Thủy Tiên

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.