Người thừa kế là cá nhân còn sống hoặc đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Đối với người thừa kế là tổ chức thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Theo đó, có hai cách để một người được hưởng thừa kế gồm:
- Theo di chúc: Phải có tên trong di chúc hợp pháp do người để lại tài sản lập trừ con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động;
- Theo pháp luật: Khi người để lại di sản không lập di chúc hoặc di chúc không có hiệu lực pháp luật thì người con thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết. Lúc này, con sẽ được hưởng phần di sản bằng với vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của người chết.
Mặc dù theo quy định tại Điều 610 Bộ luật Dân sự mới nhất 2015, mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản và quyền hưởng di sản nhưng vẫn có các trường hợp con không được hưởng thừa kế của cha mẹ để lại:
- Từ chối nhận di sản thừa kế (Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015). Tuy nhiên, việc từ chối phải không nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ mà người chết để lại và phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản thừa kế.
- Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe; ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ; xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản.
- Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.
- Cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người đó được hưởng.
- Lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản lập di chúc, giả mạo, sửa chữa, hủy, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với mong muốn của người để lại di sản...
Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ của con cái. Trong đó, con cái không có nghĩa vụ phải trả nợ thay cho cha mẹ. Tuy nhiên, khi nhận thừa kế từ cha mẹ thì những người thừa kế lại phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.
Theo đó, Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ, trong phạm vi di sản mà mình được hưởng, con phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do cha mẹ để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận trừ phi có thỏa thuận khác.
Lúc này, nếu cha mẹ chết khi chưa trả xong nợ thì mỗi người con được hưởng thừa kế phải dùng tài sản mà mình được hưởng để trả. Riêng người con không nhận thừa kế, nếu có thỏa thuận sẽ trả nợ thay những người thừa kế thì mới phải trả khoản nợ cha mẹ đã chết để lại.
Như vậy, người con không được từ chối nhận di sản nếu muốn trốn tránh nghĩa vụ trả nợ do cha mẹ đã chết để lại. Ngược lại, nếu không nhận di sản nhưng có thỏa thuận với người cho vay và các đồng thừa kế khác thì người này có thể trả nợ thay mà không phải là nghĩa vụ bắt buộc.
Hoàng Mai