Còn kiểu trả lời kiến nghị cử tri rất chung chung, thiếu trách nhiệm

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 2, 20/11/2023 10:09

Đại biểu Quốc hội đánh giá vẫn còn nhiều trường hợp trả lời cử tri một cách chung chung, chưa cụ thể, chưa thể hiện hết trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.

Sáng 20/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nêu rõ, qua công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp, tinh thần trách nhiệm của các địa phương, bộ, ngành được nâng cao, nhiều kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết với tỉ lệ cao.

Trong đó có những kiến nghị đã kéo dài như đối với việc thiếu trang thiết bị vật tư, y tế, cơ chế quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vẫn còn nhiều trường hợp trả lời cử tri một cách chung chung, chưa cụ thể, chưa thiết thực, chỉ cung cấp thông tin, không đi vào cụ thể giải quyết vấn đề, không đủ sức thuyết phục, chưa thể hiện hết trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến phát sinh đơn thư khiếu kiện.

Ông Hải đề nghị rà soát quy định của Chính phủ, đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp cận, xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri theo đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm, thời gian giải quyết, không để tình trạng kéo dài trong xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri.

Đối thoại - Còn kiểu trả lời kiến nghị cử tri rất chung chung, thiếu trách nhiệm

Đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Thanh Hoá (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cơ bản đồng tình, đánh giá cao trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến trách nhiệm giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương.

Theo bà Ngọc, nhận thức của các địa phương liên quan đến công tác tiếp nhận, xử lý các ý kiến, kiến nghị cử tri được coi trọng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, đánh giá kết quả trong thực hiện nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực mình.

“Điều này thể hiện tính cầu thị, trách nhiệm trong tiếp thu của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước”, bà Ngọc nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nữ đại biểu nhấn mạnh công tác tiếp nhận, trả lời kiến nghị còn có tồn tại, hạn chế.

“Việc tổng hợp báo cáo một số đoàn còn chậm, một số nội dung chưa đúng thẩm quyền, còn những phần trả lời chưa sát, chưa đúng, chưa trúng, còn chung chung, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các địa phương thực hiện, còn có sự đùn đẩy trách nhiệm, một số kiến nghị chưa được xem xét kịp thời, kỹ lưỡng”, bà Ngọc nêu.

Đối thoại - Còn kiểu trả lời kiến nghị cử tri rất chung chung, thiếu trách nhiệm (Hình 2).

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, đoàn Hòa Bình (Ảnh: Quochoi.vn).

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác này, đại biểu đề nghị các đoàn ĐBQH cần chủ động thực hiện sớm hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, tổng hợp văn bản chính xác các kiến nghị gửi tới các cơ quan có thẩm quyền theo quy định về thời gian, đảm bảo về nội dung.

Quốc hội, các ĐBQH cần xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát lại những trả lời của các bộ ngành, qua đó có đôn đốc, theo dõi thực hiện.

“Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri cần trở thành một nội dung trong công tác thi đua, khen thưởng, để đánh giá kết quả thực hiện công tác, nhiệm vụ của các bộ, ngành, tạo sự thống nhất trong tổ chức, thực hiện”, đại biểu Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh.

Đối thoại - Còn kiểu trả lời kiến nghị cử tri rất chung chung, thiếu trách nhiệm (Hình 3).

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, đoàn Đắk Nông (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) góp ý một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri.

Bà Hằng cho rằng, để đổi mới hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hôị cần có kế hoạch rà soát, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định chặt chẽ hơn về thời hạn, chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm của đơn vị soạn thảo và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Thứ hai, đối với việc trả lời kiến nghị cử tri của các bộ ngành Trung ương, phần lớn văn bản trả lời của các bộ, ngành trả lời bám sát câu hỏi, đúng quy định pháp luật, có trích dẫn cơ sở pháp lý, nội dung, số liệu chuyên ngành chi tiết, rõ ràng; tập trung đưa ra giải pháp, hướng giải quyết ý kiến, kiến nghị cho cử tri.

Thứ ba, trên cơ sở kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đề nghị cơ quan có thẩm quyền nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri để đảm bảo tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri.

“Vì báo cáo trả lời ý kiến cử tri là một trong những tư liệu chủ yếu để các ĐBQH trả lời, giải thích cho cử tri trong các đợt tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp Quốc hội nên cần có tính thời sự, kịp thời”, bà Hằng nêu rõ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.