Con gái út 5 tuổi của chị Dương Dương (Trung Quốc) mới đi học mầm non. Ở nhà vốn được ông bà cưng chiều nên việc học hành của cô bé luôn khiến người mẹ đau đầu. Không ít lần trong khi đi làm, chị Dương Dương nhận điện thoại của giáo viên phản ánh chuyện con quá nghịch ngợm, không thể giữ yên lặng.
Có lần, chị nhận được tin nhắn từ giáo viên, nói rằng đứa trẻ dỗ dành như thế nào cũng không ngủ, nhất định la hét đòi xem phim hoạt hình. Khi cô giáo bế đến một phòng khác để an ủi, không ngờ đứa trẻ tức giận, cầm sợi dây chuyền vàng trên cổ cô kéo mạnh. Sợi dây đứt, cô giáo cũng bị trầy xước cổ.
Nhận thấy nếu không nghiêm túc trong việc dạy dỗ con, sai lầm của con có thể sẽ ngày càng nghiêm trọng, vì thế chị Dương Dương liền đưa con về nhà, trước mặt ông bà chỉ ra lỗi sai của con. Cô khẳng định, dù là trẻ con thì khi phạm sai lầm vẫn phải chịu trách nhiệm.
Chị Dương Dương nói với con phải bồi thường thiệt hại khi làm hỏng đồ của người khác. Chị thỏa thuận với con sẽ bán chiếc máy tính bảng của con để lấy tiền mua cho cô giáo một sợi dây chuyền khác. Sau này, con phải tích lũy những hành động và việc làm tốt để nhận thưởng và tiết kiệm rồi mua lại món đồ của mình.
Đứa trẻ nước mắt lưng tròng, nhưng nhìn ông bà chỉ im lặng chứ không bênh vực như mọi khi nên đành đứng yên "chịu trận". Hôm sau, cô bé cùng mẹ đến trường tự mình xin lỗi giáo viên. Sau sự việc này, đứa trẻ cũng trở nên "đằm tính", ngoan ngoãn và nền nếp hơn hẳn.
Sau khi được đăng tải trên mạng xã hội, câu chuyện dạy con của chị Dương Dương đã nhận được nhiều lời khen từ các bậc phụ huynh. Cách làm này giúp con hiểu được hậu quả của hành vi nghịch ngợm, giúp con có trách nhiệm với lỗi bản thân gây ra. Hơn thế, việc thu Ipad cũng hạn chế con sử dụng, tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm lý. Nhiều người nhận xét, cách giải quyết này rất lợi hại, đúng là "một mũi tên trúng 2 đích".
Thực tế, việc bố mẹ quá nhẹ nhàng hoặc luôn chiều chuộng con không phải lúc nào cũng là một cách giáo dục tốt. Những đứa trẻ luôn được nuông chiều, bỏ qua cái sai đương nhiên là sẽ đến lúc dạy không nổi, bởi vì trẻ không biết phân biệt đâu là đúng-sai, tốt-xấu.
Nhiều người thường biện hộ rằng trẻ còn nhỏ, chưa hiểu chuyện để bỏ qua lỗi lầm của con, nhưng chính vì trẻ không biết gì mới cần phải dạy.
Ví dụ, với việc con đập phá đồ hay đánh mọi người khi không vừa ý nếu bố mẹ bỏ qua, hành vi này sẽ được củng cố và trở thành thói quen xấu. Vì vậy dù thương con, cha mẹ nhất định phải cứng rắn, không thể để cảm xúc lấn át. Hãy cho trẻ thấy bạn yêu thương con nhưng con vẫn phải làm theo những điều đúng đắn.
Nên dạy trẻ cách kiểm soát cảm xúc đồng thời có hình thức phạt khi trẻ làm sai. Nên bắt đầu giáo dục ngay từ nhỏ và phân tích những hậu quả khi trẻ hành động xấu, phạt ngay lập tức những sai phạm.
Cha mẹ dạy dỗ con nghiêm khắc nhưng cũng cần nhớ không dùng bạo lực với trẻ và từ chối đặt trẻ ngang hàng với người lớn.
Theo các chuyên gia, khi con mắc lỗi, bố mẹ nên bình tĩnh để đưa ra giải pháp phù hợp. Dưới đây là những điều mà bố mẹ cần lưu ý:
- Bố mẹ nói lời xin lỗi để con noi gương
Một đứa trẻ có lòng tự trọng cao thường ngại nói lời xin lỗi. Vì vậy, bố mẹ nên nói lời xin lỗi và nhận trách nhiệm về lỗi lầm của con. Trẻ thấy vậy sẽ hiểu vấn đề và mạnh dạn nhận lỗi sai. Bố mẹ cần làm tấm gương tốt để con noi theo học tập.
- Phân tích để con hiểu đúng - sai
Nhiều đứa trẻ khi mắc lỗi nhưng không biết mình đang sai ở đâu nếu như bố mẹ không giải thích. Vì vậy, khi thấy con mắc lỗi, bố mẹ nên bình tĩnh, tránh quát mắng con. Sau đó, hãy nhẹ nhàng phân tích để con hiểu rõ vấn đề: Con sai ở đâu? Sai như thế nào? Vì sao như vậy lại là sai?,…
Kể cả khi trẻ không sai thì bố mẹ cũng cần phân tích vấn đề. Nếu trách nhiệm của bản thân thì con phải nói lời xin lỗi. Còn nếu trách nhiệm của người khác thì người khác phải xin lỗi con. Quan trọng là con nhận thức được đúng - sai rõ ràng.
-Khuyến khích con xây dựng mối quan hệ
Cha mẹ là tấm gương cho trẻ về hành vi và thái độ. Nếu bố mẹ có thể dạy con nhận lỗi thì sau này trí tuệ cảm xúc của con sẽ rất cao. Trẻ sẽ xây dựng được các mối quan hệ đem lại lợi ích cho bản thân.
Do đó, sau khi mắc lỗi sai, bố mẹ hãy khích lệ trẻ can đảm nhận lỗi và cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với người khác. Mọi người thường đánh giá cao những người có dũng khí nhận lỗi và sẵn sàng kết giao.
Minh Hoa (t/h)