“Cơn lốc” mở thẻ tín dụng: Đừng để thành con nợ!

“Cơn lốc” mở thẻ tín dụng: Đừng để thành con nợ!

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 4, 02/08/2017 13:25

Đằng sau hàng nghìn quà tặng, khuyễn mãi,… của ngân hàng, việc mất kiểm soát chi tiêu thẻ tín dụng có thể khiến những “con nghiện” mua sắm trở thành “con nợ” ngân hàng.

Vừa tiêu tiền, vừa được tặng quà

Thời gian gần đây, xu hướng mở thẻ tín dụng – đặc biệt là thẻ tín dụng quốc tế (VISA credit hay Master Credit) ngày càng phổ biến.

Điều này cũng dẫn đến tốc độ tăng trưởng mạnh của thị trường thẻ tín dụng thời gian gần đây. Hàng loạt ngân hàng ngay lập tức “bắt sóng”, “tung chiêu” khuyến mại, hoàn tiền cho chủ thẻ, tặng quà khủng… cho các khách hàng mở thẻ tín dụng.

Nếu như trước đó việc mở thẻ tín dụng chỉ phổ biến tại các ngân hàng nước ngoài như HSBC, Citibank…hay các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV… thì hiện nay các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt tham gia vào cuộc đua mở thẻ.

Tài chính - Ngân hàng - “Cơn lốc” mở thẻ tín dụng: Đừng để thành con nợ!

Ngân hàng bước vào cuộc đua mở thẻ tín dụng với hàng loạt khuyến mãi khủng

Tùy vào hạng thẻ mở mới, khách hàng của Techcombank  có thể được tặng quà hàng nghìn vali cao cấp nếu phát sinh chi tiêu từ 2-5 triệu đồng trong vòng 30 ngày đầu tiên phát hành thẻ.

Ngân hàng BIDV cũng triển khai chương trình khuyến mại thẻ, tặng quà du lịch (Châu Âu, Hàn Quốc, nghỉ dưỡng), đồ công nghệ hay voucher mua sắm... Khách hàng mới mở thẻ tín dụng quốc tế còn được tặng tiền lên tới 2.000.000 đồng vào tài khoản khi có giao dịch phát sinh.

Đối với những khách hàng của ngân hàng An Bình (ABBank), chủ thẻ tín dụng quốc tế Visa Credit Platium mới ra mắt có thể được hoàn tiền 1 triệu đồng vào tài khoản, miễn lãi 45 ngày đầu tiên.

Dạo một vòng quanh các cửa hàng, siêu thị trung tâm thương mại, người dân không khó bắt gặp những chương trình khuyến mại “khủng” khi ngân hàng liên kết với cửa hàng.

Anh Sơn – nhân viên phát hành thẻ của một ngân hàng thương mại top đầu Việt Nam cho biết, xu hướng tiêu dùng bằng thẻ ghi nợ (debit card – thẻ ATM là một trong những loại thẻ ghi nợ) đã bão hoà, tốc độ mở thẻ dần chậm lại nên các ngân hàng hiện tập trung vào mảng thẻ tín dụng (credit card – như Visa Credit hay Master Credit).

Do các ngân hàng cùng chuyển hướng sang phân khúc thẻ tín dụng (một hình thức tín dụng tiêu dùng) nên sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, áp lực chạy chỉ tiêu thẻ đè nặng lên vai các nhân viên ngân hàng.

Theo đó, nhiều nhân viên nhà băng không ngại khó ngại khổ để chạy chỉ tiêu, chủ động gọi điện mời khách hàng mở thẻ tín dụng, chăm sóc tận nhà hay cơ quan làm việc.

Khi đó, khách hàng chỉ cần ngồi ở nhà ký giấy tờ và chờ ngày lấy thẻ, việc còn lại đã có ngân hàng lo.

Những câu chuyện “dở khóc dở cười”

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, việc mở thẻ và tiêu tiền của ngân hàng không hề đơn giản, quy định khắt khe hơn mở thẻ ATM rất nhiều.

Trong vai một khách hàng có nhu cầu mở thẻ tại ngân hàng BIDV, nhân viên yêu cầu khách hàng phải khai báo nhân thân đầy đủ (chứng minh thư, nơi thường trú,…), nguồn thu nhập ổn định (sao kê lương 6 tháng gần nhất trên 4 triệu đồng/tháng, xác nhận của cơ quan làm việc…) hoặc phải có tài sản cầm cố tại ngân hàng – đơn giản nhất là sổ tiết kiệm.

Theo lý giải của nhân viên ngân hàng, việc mở thẻ tín dụng là một hình thức cho vay tín dụng tiêu dùng của ngân hàng nên khách hàng cũng cần phải đảm bảo bằng tín chấp (sao kê lương hàng tháng) hoặc thế chấp (sổ tiết kiệm).

Đặc biệt, khách muốn mở thẻ không được có nợ xấu trên CIC - trung tâm thông tin tín dụng…

Chưa dừng lại ở đó, việc đủ tiêu chuẩn mở thẻ là một chuyện, việc kiểm soát chi tiêu thẻ tín dụng cũng khiến những “con nghiện mua sắm” – đặc biệt mà shopping online đau đầu.

Tài chính - Ngân hàng - “Cơn lốc” mở thẻ tín dụng: Đừng để thành con nợ! (Hình 2).

Sau 45 ngày miễn lãi, khách hàng phải chịu lãi suất cao nếu không trả nợ thẻ tín dụng

Theo quy định, hầu như các ngân hàng sẽ cho khách hàng miễn lãi từ 45 – 55 ngày sau khi phát sinh giao dịch, tuy nhiên sau đó mới là “cơn ác mộng”. Lãi suất trả chậm sẽ tính từ 1,5% - 2,5%/tháng, tức từ 18% - 30%/năm cho những khoản tín dụng phát sinh. Mức lãi suất này cao hơn so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay từ 2-3 lần.

Việc chỉ cần nhập thông tin thẻ khi thanh toán online hoặc quẹt thẻ qua POS cũng khiến người tiêu dùng khó có thể kiểm soát được mức độ mua sắm của mình hay rủi ro dẫn đến những câu chuyện dở khóc dở cười như “nằm ngủ ở nhà bỗng dưng mất 30 triệu” hay “đang ở Việt Nam, tài khoản mua sắm mất 12 triệu ở nước ngoài”.

Đến ngày phải thanh toán mới “tá hoả” và nhận về những “trái đắng” khi bỗng dưng gánh nợ ngân hàng.

Phí rút tiền mặt qua thẻ tín dụng cũng không rẻ như ATM, mức phí giao dịch mỗi lần khoảng 3-4% số tiền rút. Nhiều người cũng không chú ý đến phần phí thường niên của thẻ, khoảng 200.000 – 500.000 đồng tuỳ từng loại thẻ và từng ngân hàng khác nhau.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng không ít lần cảnh báo về việc bảo mật thẻ tín dụng hay những trường hợp mắc nợ xấu trên CIC chỉ vài trăm nghìn đồng do quên không thanh toán hoặc mở thẻ tuỳ tiện, không để ý phí thường niên phát sinh…

Tuy vậy, thẻ tín dụng vẫn có tính ưu việt của nó, góp phần thuận tiện trong các giao dịch trực tuyến. Thế giới ngày càng “phẳng”, sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt những ứng dụng trong đời sống là để phục vụ con người. Điều quan trọng là con người có khả năng kiểm soát và sử dụng thẻ tín dụng như một công cụ hữu ích cho bản thân. 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.