Theo tờ Spiegel, sinh vật ăn tạp luôn được biết đến với khả năng đào đất siêu hạng đã khơi dậy sự tò mò của hai nhà khảo cổ học nghiệp dư, sau khi nó đào được xương chậu người và cất trong hang ở Stolpe, Đức.
Một con lửng đã có công đào được mộ từ thế kỷ 12 tại Đức - (Ảnh: androidpit.com.br)
Nhờ công của con lửng này, hai ông Hendrikje Ring và Lars Wilhelm mới tiếp tục đào xới khu vực trên, và cuối cùng tìm thấy những mẩu trang sức có dấu hiệu từ thời Trung cổ.
Khi các nhà khảo cổ học chuyên nghiệp đến nơi, họ phát hiện đây là phần mộ của các nhà quý tộc thời xưa, và tổng cộng có 8 ngôi mộ được khai quật với niên đại vào đầu thế kỷ 12.
Trong số này, hai ngôi mộ thuộc về hai lãnh chúa, được xác định nhờ vào các thau đồng đặt dưới chân hài cốt. Những thau đồng này dùng để rửa tay sau mỗi bữa ăn, một hành động đặc trưng của giới quý tộc thời đó.
Nhà khảo cổ học Thomas Kersting cho hay ít nhất một bộ hài cốt là chiến binh, khoảng 40 tuổi, do họ phát hiện những vết thương do dao kiếm gây nên, và vết nứt do ngã ngựa trước khi chết.
Theo Thanh niên