Còn mãi nỗi đau sau những tấm tôn vô tri…

Còn mãi nỗi đau sau những tấm tôn vô tri…

Thứ 5, 27/10/2016 11:09

Sự ra đi đột ngột của em bé 9 tuổi ở Hà Nội vì bị tôn cứa cổ khiến nhiều người đau xót. Nỗi đau ấy như càng bị xát thêm muối khi biết người thợ chuyên chở tôn là một thương binh nghèo đến khốn cùng…

Ngay sau khi thông tin về tai nạn thương tâm của bé trai 9 tuổi ở Hà Nội lan rộng trên các mặt báo, mạng xã hội Facebook tràn ngập những bài đăng cảm xúc, giận dữ, mạt sát…

Không ít “Facebooker” có tiếng đã vận dụng đủ mọi ngôn từ khinh bỉ, phẫn nộ, bức xúc nhất để thể hiện thái độ phản đối với hình thức vận chuyển vật liệu cồng kềnh đó, với những con người làm cái nghề “mang danh nghèo để bất tuân pháp luật”…

Sau một ngày, xuất hiện thông tin về người thợ chuyên chở tôn, một bộ phận không nhỏ dư luận lại cảm thấy… khó nghĩ, vì đã lỡ buông quá nhiều lời cay độc nhắm vào ông.

Xin trích một đoạn thế này: “Nó là lính Vị Xuyên... Thời gian nằm phòng ngự trên đó nó luôn nằm trong hầm cóc nên lưng nó còng gập xuống, nên tên nó đằng sau có chữ còng. Sức ép đạn pháo đã khiến nó không như người bình thường... Thế kỷ 21 rồi nhưng nó vẫn chỉ kiếm sống bằng bốc vác hàng ở chợ Tân Mai và dùng xích lô chở hàng quanh quẩn ở đó, khuôn mặt khắc khổ, làn da ngăm đen rám nắng vì bươn chải mưu sinh ngoài đường bằng chiếc xích lô cũ với số tiền kiếm được ít ỏi. Anh em trong hội trước đây có bàn nhau góp tiền mua cho nó cái xe máy để đi xe ôm, nhưng nó từ chối vì nó không biết đi xe máy, sợ gây tai nạn”.

Hiện người thương binh nghèo xơ nghèo xác đó vẫn đang bị tạm giữ, để chờ chịu trách nhiệm cho “tội ác” mà ông đã gây ra.

Nói đến đây, nhiều người hẳn sẽ phải ngửa mặt lên mà than: “Thương cháu bé, thương cả cái người bị coi là thủ phạm gây ra vụ việc đau lòng! Thương thay, sao những điều trái khoáy ấy vẫn cứ tồn tại ở đất nước ta?”

Xi nhan Trái Phải - Còn mãi nỗi đau sau những tấm tôn vô tri…

 Vì những tấm tôn vô tri hay vì lẽ gì mà không ít người đang phải hứng chịu những trái ngang của cuộc đời? Ảnh minh họa: Báo Giao Thông.

Trải qua nhiều cuộc chiến khốc liệt, số lượng thương binh ở Việt Nam vào hàng đông đảo trong xã hội. Nhưng số lượng “thương binh giả” còn đông hơn nhiều. Những người này ăn vận đồ quân ngũ cũ, sờn bạc, đeo kính đen, ngày ngày chạy xe 3 gác, xe thồ vi phạm giao thông, chở hàng cồng kềnh và tạo ra mối đe dọa thường trực trên nhiều con phố đông đúc.

Chính họ, chứ không phải ai khác, đã hủy hoại hình ảnh của những thương binh nỗ lực “tàn nhưng không phế” trong cuộc sống này.

Nếu đã một lần chứng kiến chiếc xe 3 gác, xe xích lô… nghênh ngang đi ngược chiều, lao vào đường cấm, vượt đèn đỏ cắt ngang dòng xe, chở những vật liệu sắc nhọn, bạn sẽ thấy sự ác cảm tăng vọt đối với loại phương tiện vốn chỉ dành cho thương binh kiếm sống ấy. Nhưng người cấm lái vận chuyển vô ý thức phần đông lại không phải là thương binh.

Đây là sự trái khoáy thứ nhất cần lưu ý!

Sự trái khoáy thứ hai, là những thương binh thực sự, vừa bị cạnh tranh bởi đội ngũ “thương binh giả” đông đảo nói trên, vừa phải tìm kế mưu sinh qua ngày, ai đảm bảo cho họ có cuộc sống tối thiểu, trong khi những chương trình đền ơn đáp nghĩa vẫn cứ được rao giảng ngày này qua tháng khác?

Sự trái khoáy thứ ba sau câu chuyện đau lòng, là sân chơi cho trẻ em thỏa sức nô đùa mà không lo gặp phải tai nạn nguy hiểm tới tính mạng.

Bạn sẽ cảm nhận rõ sự trái khoáy này, nếu từng một lần được chứng kiến nhóm em nhỏ hào hứng thả diều thế nào trên… nóc chung cư cũ tầng 5, lan can chỉ cao 30 cm. Hoặc thấy cảnh các em bé đá bóng dưới lòng đường hăng hái thế nào, bị cụt hứng ra sao khi có xe lao tới, và ngay cạnh lòng đường ấy, là một sân chơi rất rộng của các em, nhưng đang được thầu làm… bãi trông xe ô tô.

Ba sự trái khoáy nói trên, suy cho cùng, lại phải quay về tìm các nhà quản lý và thực thi chính sách để hỏi. Vì nếu họ làm tốt công việc của mình, thì làm sao những sự trái khoáy đó còn tồn tại được?

Xin hỏi những cán bộ nhà nước vẫn đang hằng ngày vùi đầu vào những dự án hỗ trợ kiếm sống cho các thương binh, dự án tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em, dự án kiểm soát nạn “thương binh giả” tung hoành trên đường phố…
Các anh, các chị nghĩ gì khi đọc thông tin về vụ tai nạn thương tâm vừa qua?

Mong suy nghĩ đó sẽ nhanh chóng trở thành hành động thiết thực, bởi vì, chỉ vài ngày sau tai nạn ấy, một phụ nữ hơn 60 tuổi ở Hà Nội cũng vừa mất mạng vì bị tôn cứa cổ, khi bà đang ngồi trên vỉa hè!

Bút Lãng

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.