Ngày nay điện thoại thông minh đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên nhiều người bị “nghiện” thiết bị công nghệ này đến mức luôn nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại mọi lúc mọi nơi, bất kể trên xe buýt, tàu điện, khi đang lái xe hay đang đi bộ.
Mới đây, Minwook Paeng, một sinh viên ngành thiết kế công nghiệp đã tìm ra giải pháp hạn chế tai nạn cho những người đi bộ nhưng không thể rời mắt khỏi điện thoại đó là cho ra đời thiết bị có tên Paeng's Third eye.
“Paeng's Third eye” (Tạm dịch: con mắt thứ ba của Paeng) gồm một hộp nhựa trong mờ, dán trực tiếp vào trán của người dùng bằng một miếng gel mỏng. Bên trong hộp nhựa là một loa nhỏ, một cảm biến con quay hồi chuyển và một cảm biến sóng siêu âm. Con quay giúp phát hiện chướng ngại vật khi đầu người dùng nghiêng xuống, nó sẽ mở phần mí mắt và sóng siêu âm theo dõi khu vực phía trước. Khi phát hiện chướng ngại vật, nó sẽ cảnh báo người dùng qua chiếc loa.
Như vậy trong khi đôi mắt thật tập trung vào điện thoại thông minh thì con mắt thứ ba giúp người dùng quan sát các chướng ngại vật trên đường. Với sáng tạo này bạn có thể yên tâm xem Instagram, Facebook khi đi bộ mà không sợ bị vấp ngã.
"Điện thoại thông minh đã xâm nhập vào cuộc sống hiện đại sâu sắc đến mức chúng ta không thể phủ nhận sự phát triển của nó. Thay vì cố gắng thay đổi, chúng ta nên chấp nhận thực tế và điều cần thực hiện là phát triển công nghệ để hạn chế mặt trái của smartphone”, Minwook nói.
Minwook Paeng giải thích thêm, thành phần màu đen của thiết bị giống như con ngươi là một cảm biến siêu âm để phát hiện khoảng cách. Khi có vật cản phía trước, cảm biến siêu âm sẽ phát hiện ra và báo cho người dùng biết bằng âm thanh.
Điện thoại mới chỉ tồn tại được vài thập kỷ nhưng chúng đã và đang tác động không nhỏ đến cơ thể của con người. Khi tưởng tượng những gì có thể xảy ra với thế hệ sau này, Minwook đã lập ra dự án hướng tới tương lai và “con mắt thứ ba” là sản phẩm đầu tay của anh.
"Vì sử dụng điện thoại thông minh sai tư thế nên đốt sống cổ của chúng ta bị nghiêng về phía trước gây ra "hội chứng cổ rùa", ngoài ra các ngón tay út mà chúng ta đặt trên điện thoại cũng sẽ bị uốn cong. Sau này, khi một vài thế hệ trôi qua, những thay đổi nhỏ từ việc sử dụng điện thoại thông minh sẽ tích tụ và tạo ra một ngoại hình con người hoàn toàn mới, khác lạ", Minwook lo ngại.
Minwook hy vọng với dự án thiết kế của mình, ngay cả khi nó không thành hiện thực, cũng sẽ đóng vai trò như một lời nhắc nhở rằng những hậu quả mà chúng ta sẽ phải gánh chịu khi quá phụ thuộc vào điện thoại thông minh.
Minh Hoa (t/h)