Xót lặng trước những bức tranh
Một ngày cuối năm, chúng tôi có mặt ở trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 (trực thuộc sở Lao động - Thương binh & Xã Hội TP.Hà Nội) để chứng kiến thời khắc xuân mới gõ cửa ở một trong những nơi có hoàn cảnh tương đối đặc biệt. Được thành lập từ năm 1992 với nhiệm vụ quản lý gái mại dâm và người nghiện ma túy trên địa bàn TP.Hà Nội.
Tuy nhiên cho đến nay, sự khác biệt của trung tâm số 2 này là họ còn dang tay đón nhận những số phận hết sức đáng thương: Những thiên thần nhiễm "H". Được biết ở thời điểm hiện tại, nơi đây đang nuôi dưỡng và chăm sóc cho tổng cộng 79 trẻ bị nhiễm HIV/AIDS đến từ nhiều vùng đất khác nhau. Các em đều có hoàn cảnh vô cùng éo le như: Không còn bố mẹ, bị bỏ rơi ở cổng trung tâm, tại bệnh viện...
Cơn mưa phùn rả rích cùng cái lạnh tê tái những ngày cuối năm đã không ngăn được bước chân háo hức và những giọt lệ nóng hổi cứ thế tuôn trào trên đôi mắt khách lạ khi chứng kiến những hành động cảm động đến nghẹn lòng nơi đây. Một đồng nghiệp nữ của tôi, thậm chí đến tận lúc ngồi trên xe trở về Hà Nội vẫn cứ sụt sùi thương cảm mãi.
Ngoài việc xót thương các em nhỏ xinh xắn tựa thiên thần mà đã mang án tử vì virus HIV, chính những cử chỉ yêu thương thực lòng của những con người là bố, mẹ nuôi khi chăm sóc các em cũng khiến người phụ nữ nhiều năm dạn dày gió sương của nghiệp báo rung động lòng trắc ẩn.
Điều đáng nói ở chỗ, những người là mẹ nuôi hay bố nuôi đều là những học viên đang học tập cải tạo ở trung tâm. Họ đều có lý lịch đầy tì vết với quá khứ hoặc từng làm gái mại dâm, hoặc từng nghiện ma túy nặng đến mức phải đi cai nghiện bắt buộc.
Những thiên thần với nụ cười trong sáng mặc dù "án tử" luôn lơ lửng trên đầu.
Theo lời chỉ dẫn của một cán bộ quản lý trung tâm, chúng tôi đến thăm nơi đang nuôi dưỡng 79 trẻ em có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Được biết các em bé được trung tâm bố trí sinh hoạt theo hình thức gia đình với 5 nhà. Một nhà sơ sinh nuôi trẻ dưới 2 tuổi, hiện có 10 trẻ. Các trẻ còn lại được chia thành 4 nhà, 2 nhà nam, 2 nhà nữ.
Mỗi nhà được đặt tên theo tên gọi yêu thích của các em như: Nhà Bồ câu, nhà Hoa mai, nhà Thỏ đế, nhà Bí ngô. Cuộc sống của các em tại đây cũng giống như các trẻ em khác, nhưng có một điểm khác biệt đáng chú ý, là các em đều đặn hàng ngày phải uống thuốc ARV để điều trị căn bệnh cho đến nay vẫn làm bó tay giới khoa học này.
Theo tìm hiểu, tại trung tâm, hiện có 22 mẹ nuôi, 17 cán bộ y tế, chăm sóc, giáo dục... Các mẹ nuôi làm việc ở đây ngoài một số là người ngoài xin vào làm tự nguyện, còn không ít là những người có quá khứ lầm lỡ như mại dâm, nghiện ma túy.
Khi chúng tôi bước vào nhà sinh hoạt chung cũng đúng là lúc các mẹ đang tíu tít chơi đùa cùng các em. Hướng dẫn các em dán giấy, vẽ tranh để tạo nên những khoảng không gian đầy màu sắc đón chờ xuân mới. Giống như người lớn, ở thời khắc giao mùa đầy thiêng liêng, các em bé dù nhỏ tuổi nhưng dường như cũng đã cảm nhận được nguyên vẹn, sự phấn khởi thích thú khiến những nụ cười vốn đã tựa thiên thần lại càng thêm tỏa sáng.
Gặp khách lạ, các em chào đón ríu rít, cùng chạy đến khoe với chúng tôi những bông hoa giấy ngộ nghĩnh hoặc những bức tranh với đường nét ngây thơ. Thoáng chút xót xa, tôi vừa kịp nhận thấy chủ đề được nhiều em nhỏ khai thác, là chủ đề mái ấm gia đình, với bố mẹ và con nắm tay trong một căn nhà ấm cúng.
Chia sẻ câu chuyện này với chúng tôi, mẹ nuôi Nguyễn Thị Lập xúc động cho biết: "Trước kia tôi cũng là học viên tại đây, sau đó đến nấu cơm ở khu dành cho trẻ đặc biệt, dần dần gần gũi, thấy thương và đồng cảm với các con nên tôi xin được nán lại làm việc tại trung tâm. Dường như cảm nhận được sự thiệt thòi của mình, các con ở đây rất ngoan. Các con cũng hay hỏi tôi những câu ngây thơ như: "Bố (mẹ) con đâu? Nhà con ở đâu?...". Mỗi lần đứng trước câu hỏi ấy, tôi đều như chết đứng và tìm cách nói tránh đi để các con quên".
Mẹ mại dâm nuôi con nhiễm "H"
Theo chia sẻ từ những mẹ nuôi trực tiếp cho các bé, ngoài việc chăm dạy các con theo phương pháp truyền thống, việc tư vấn tâm lý đóng vai trò rất quan trọng. Theo đó, để các em tiếp cận dần với xã hội, hòa nhập cộng đồng, tránh những trường hợp bị sang chấn từ bên ngoài thì ngay từ khi các em còn nhỏ, các mẹ cũng như các cán bộ chuyên trách đã phải tư vấn về tâm lý, trang bị các kỹ năng về chăm sóc sức khỏe, hòa nhập cộng đồng, cách để tự bảo vệ bản thân và bảo vệ những người khác. Đặc biệt là nhận thức được tầm quan trọng của việc uống thuốc hàng ngày.
Về việc học hành, được biết đây là một trong những vấn đề nan giải nhất đối với trung tâm khi vận động, tuyên truyền nhận thức để cho trẻ hòa nhập. Đến nay, về cơ bản, trẻ cấp 2 đã có những hướng đi tích cực, các em được đến trường học tuy vẫn phải học khác lớp với trẻ bình thường. Đối với trẻ cấp 1, các em học tại trung tâm nhưng vẫn theo quân số của trường tiểu học Yên Bài B. Thực tế mỗi tuần chỉ có buổi 2 các em mới đến trường chào cờ và tham gia các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ cùng các học sinh khác.
Ngoài những mẹ nuôi, ở trung tâm còn có những bố nuôi cũng được các trẻ hết sức yêu quý. Họ là những cán bộ trung tâm, là đội ngũ y bác sĩ hoặc thậm chí có cả những học viên nam, đã từng có thời lầm lỡ. Những học viên này, họ có thể không chăm sóc các em được tốt như những bàn tay mềm mại phụ nữ, nhưng những công việc nặng nhọc cần giúp sức, họ cũng luôn cố gắng hết mình. Những người bố, người mẹ này cũng chăm sóc để ý các con từng li từng tí, chẳng khác với con đẻ của mình là bao. Nhiều người còn nhớ cả cân nặng và biểu đồ phát triển trọng lượng của các con.
Nhìn những gương mặt đang tuổi lớn, bé nào cũng trắng trẻo, xinh tươi, chúng tôi càng xót xa trước những số phận chua xót. Bé Chu Phương Anh, sinh năm 2001, hiện tại đang học lớp 4. Vào trung tâm từ năm 2008, cô bé có làn da trắng và nụ cười rạng rỡ khiến ai cũng có thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Em ngập ngừng kể: "Mẹ bảo em đứng ở đó rồi một lát mẹ quay lại, nhưng em chờ mãi vẫn chẳng thấy mẹ đâu. Rồi có một người đưa em vào đây. Bây giờ con chẳng biết bố mẹ là ai nữa, con chỉ còn có cô giáo Thủy, và con yêu cô nhất".
Còn bé Phạm Thị Tính 8 tuổi, có biệt danh là Cà Rốt đưa đôi mắt đen láy, ngây thơ bộc bạch: "Con vào đây từ năm 2011, nhà con ở Thanh Hóa, xa lắm, bây giờ con cũng không biết đường về nhà nữa. Một hôm con đi học về, có chú nhà báo đưa tin là con bị bệnh HIV, bác sỹ nói nên đưa con vào đây. Cô giáo không cho con học chung với các bạn nữa, mẹ con mất rồi, chỉ còn bố thôi. Con mong đến Tết để được bố đón về thăm ông bà".
Quả thật, ước mơ của trẻ nhiễm HIV là chính đáng. Bản thân các em không có lỗi khi phải mang trong mình virus của căn bệnh thế kỷ do bố mẹ truyền sang. Xuân mới đang đến, truyền hơi ấm đến từng ngõ phố, hi vọng mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với các em trong năm mới và nhiều năm về sau nữa, để chút cuộc đời ngắn ngủi nơi dương thế sẽ bớt thiệt thòi.
Tuy phải điều trị bằng thuốc ARV - một loại thuốc kháng virus có rất nhiều độc tính, gây tác dụng phụ làm các bé hay quên, khó tiếp thu kiến thức nhưng hầu hết các em đều đều nhớ tới gia đình của mình. Sống chung với căn bệnh quái ác, các em vẫn mang trong mình những ước mơ, những hy vọng về một tương lai tươi sáng và tốt đẹp. |
Long Nguyễn - Lan Hương