Trẻ em ngày nay được tạo điều kiện để tiếp cận với các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng, … Tuy nhiên mặt trái của vấn đề này là con trẻ chưa thể nhận biết tất cả dấu hiệu của kẻ xấu nên dễ dàng trở thành mục tiêu để chúng lợi dụng. Đặc biệt, khi các bậc cha mẹ do quá mải mê đi làm mà lơ là việc quan tâm, chăm sóc con cái thì kẻ gian lại càng có cơ hội hành động. Câu chuyện được một người mẹ Trung Quốc chia sẻ trên mạng xã hội mới đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý con cái cũng như cho trẻ sử dụng thiết bị công nghệ.
Cụ thể, người mẹ này cho biết thường xuyên cho con gái 11 tuổi mượn điện thoại vì con đang phải học online tại nhà. Cô bé sau khi cầm điện thoại của mẹ thì thường trốn biệt trong phòng ngủ.
Nghĩ con tập trung học bài nên người mẹ không mảy may nghi ngờ cho đến một ngày chị tình cờ nghe được con gái đang nói chuyện với ai đó. Nhận thấy sự bất thường, chị áp sát vào cửa thì nghe được ở đầu dây bên kia có kẻ đang xúi con gái chuyển tiền đến một tài khoản lạ. Đến khi lấy lại được điện thoại thì chị đã thấy tài khoản của mình bị “bốc hơi” 40.000 NDT (khoảng 143 triệu đồng).
Hóa ra con gái đã nói dối chị là muốn xem thông tin lớp học để đăng nhập mạng xã hội, rồi thêm nick của tên lừa đảo đang muốn lừa lấy quyền lợi trong trò chơi miễn phí. Sau đó chỉ cần quét mã QR, tên này đã dễ dàng chiếm đoạt 40.000 NDT trong tài khoản người mẹ.
Tự nhiên mất khoản tiền lớn khiến người phụ nữ vô cùng sững sờ. Chị đã trình báo với phía cảnh sát nhưng khả năng lấy lại được rất thấp. Có lẽ, không chỉ mình con gái chị mà nhiều đứa trẻ khác cũng đã trở thành nạn nhận của những trò lừa tiền tương tự. Từ sự việc trên các chuyên gia giáo dục đưa ra lời khuyên với các bậc phụ huynh như sau:
-Phụ huynh tuyệt đối không cho con trẻ biết những bí mật liên quan đến mật khẩu điện thoại, mật khẩu thanh toán của thẻ ngân hàng. Tốt nhất nên sắm riêng cho trẻ 1 điện thoại chỉ được cài đặt phần mềm học online.
-Nhắc nhở con nếu nhận được tin nhắn bất thường hay có vấn đề nào phát sinh trong khi dùng điện thoại thì phải nói với người lớn nhờ giúp đỡ.
-Thường xuyên nhắc nhở con phải cảnh giác, tránh nghe lời dụ dỗ của người lạ. Bên cạnh đó cha mẹ có thể cho con em mình biết một số tin tức về lừa đảo trực tuyến và cái giá phải trả cho việc này.
-Dành thời gian quan tâm đến đời sống tinh thần, thể chất của con. Cha mẹ và con cái nên có sự đồng cảm, thường xuyên chia sẻ, tâm sự với nhau. Cha mẹ có thể lập kế hoạch đi chơi, cho con đọc nhiều sách để giảm bớt thời lượng sử dụng điện thoại di động. Một khi phát hiện điều không ổn cha mẹ cần giáo dục, uốn nắn kịp thời để con mình không mắc phải sai lầm.
Minh Hoa (t/h)