Những bức tranh trên tường gần gũi vẽ cảnh sinh hoạt, lao động, hình ảnh các em thiếu nhi vui chơi, đặc biệt là những bài thơ thể hiện sức trẻ, tuyên truyền chính sách của Đảng, khơi dậy lòng yêu nước... là một nét vô cùng đặc biệt của ngõ ao dài – con ngõ nằm trong phường Đức Thắng (Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được đây là những bức vẽ do cụ ông Cao Chí Thịnh (SN 1923, phường Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẽ. Từ nhiều năm nay, cụ vẽ tranh trang trí cho ngõ ao dài, nơi mà cụ đang sinh sống. Và đáng nói, toàn bộ chi phí để mua sơn, vôi, ve vẽ tranh cụ tự tiết kiệm bỏ ra.
Chính sự tò mò về những bức vẽ lạ và người đã tạo ra chúng đã thôi thúc tôi tìm về con ngõ ao dài một ngày đầu hè nắng chói. Số nhà 57 chính là nơi sinh sống của cụ Thịnh. Trái ngược với sự ồn ã phía ngoài, nhà cụ Thịnh nằm im lìm gần cuối ngõ.
Cụ Thịnh nay vắng nhà. Theo lời một vài người hàng xóm, cụ bị đau chân và đang phải nằm điều trị ở bệnh viện.
“Cụ nằm viện đến hôm nay là 7 ngày cháu ạ. Mấy hôm rồi cũng có vài người đến tìm cụ mà không được. Cụ ở nhà nói chuyện với mấy anh chị có khi lại phấn khởi, khỏe lên đấy”, cô Lan Anh – một người cháu của cụ Thịnh vui vẻ nói.
Nhà cụ Thịnh rất nhiều cây. Trước cổng là giàn bầu trĩu quả, phía bên trong là giàn nho với những chiếc lá nhỏ in trên nền trời xanh biếc. Người họ hàng của cụ Thịnh mở chiếc cổng sắt, vồn vã mời tôi vào nhà.
Căn phòng nhỏ chừng 20 mét vuông nhưng ngăn nắp và treo rất nhiều tranh vẽ. Từ tranh chân dung Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cờ đỏ sao vàng... cho đến những bức tranh phong cảnh, tĩnh vật... Tất cả được cụ sắp xếp tỉ mẩn và đầy khoa học.
Xuất thân không phải là họa sĩ, cũng chưa từng học vẽ nhưng cụ Thịnh lại có một niềm đam mê lớn với hội họa. Tình yêu đó có lẽ được cụ gửi gắm lên cả những đồ vật thân thuộc trong nhà.
Bức tường rêu mốc của nhà được cụ sơn sửa, vôi ve, biến thành các bức hình sinh động, truyền tải những thông điệp vô cùng ý nghĩa: “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Chăm học chăm làm, “Sinh đẻ kế hoạch”, “Tình yêu đôi lứa”...
Thậm chí, trên chiếc chạn nhựa đựng dụng cụ làm bếp, chiếc cối và chày gỗ cũng được vẽ số.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ấy mà nghe hàng xóm láng giềng nói, cụ vẫn rất khỏe mạnh. Vài ngày nay trái gió trở trời, cụ bị đau chân. Bình thường, cụ vẫn tích cực vẽ làm đẹp cho xóm.
“Cụ Thịnh ở ngõ ao dài từ năm 1996. Ngày cụ về đây, đầu tiên cụ trồng cây khắp các ngõ. Hết đất trồng cụ bắt đầu vẽ. Thỉnh thoảng cụ còn làm các cái ghế, trò chơi cho trẻ con trong ngõ. Cụ bỏ tiền ra mua sơn, vôi, ve để vẽ. Có những bức tranh từ lâu rồi, nhưng cũng có những bức cụ mới vẽ gần đây”, một người hàng xóm nói.
Tôi thấy cậu thanh niên đeo chiếc cặp chéo vừa đi, vừa nhìn những bức hình trên tường ngõ đầy thích thú. Đó là Trần Đức Quân, sinh viên năm 3 Học viện tài chính. Trong kí ức của cậu, hình ảnh cụ Thịnh mải mê vẽ từng nét trên những bức tường của xóm đã trở nên quá quen thuộc.
“Những người đi qua đây thường dành một chút thời gian để ngắm những bức tranh, đọc các bài thơ cụ viết và vẽ trên tường. 4-5 năm nay, cụ vẽ rất nhiều. Cụ chưa dừng lại đam mê mà tiếp tục vẽ, làm đẹp cho phố phường”, Quân chia sẻ.
Mới đây, mọi người mới biết rằng có một con ngõ lạ như ngõ ao dài giữa Thủ đô Hà Nội. Còn với người dân ngõ ao dài, đây là những hình ảnh quá đỗi quen thuộc từ nhiều năm nay. Những bức tranh tường có thể chưa thật đẹp nhưng nó ẩn chứa trong đó tình yêu nghệ thuật của cụ Thịnh cũng như mong muốn của cụ sẽ xây dựng thôn xóm sạch đẹp, văn minh.
Mộc Miên