Con ngoan - con hư

Con ngoan - con hư

Ngô Thị Hồng Duyên

Ngô Thị Hồng Duyên

Thứ 4, 13/12/2017 13:00

Tôi và mẹ tôi vừa có cuộc tranh cãi nảy lửa về vấn đề tại sao lại có những đứa con ngoan và hư?

Chả là có một cô bé nọ học lớp 7, bỏ nhà đi theo bạn trai mấy hôm liền. Bố mẹ cô bé tìm khắp nơi không thấy, cuối cùng có người báo là cô bé ở nhà bạn trai. Bố cô bé lôi cô bé về nhà, đánh cho một trận tơi bời rồi nhốt vào phòng khóa trái cửa.

Hỏi rõ hơn về vụ việc này, tôi được biết, bố mẹ cô bé này làm kinh doanh. Cả ngày họ gần như không nhìn thấy mặt con. Sáng ra họ đưa cho con mấy chục nghìn đồng để tự ăn sáng và ăn trưa còn việc con có dùng số tiền đó đúng mục đích không thì không biết, con có đến trường không cũng không hay. Con hay chơi với những ai, đi những đâu, làm những gì thì không rõ. Chỉ khi thấy con mất tích mới đi tìm.

Thể hiện quan điểm trước vấn đề này, tôi có nói: Nhìn chung, con ngoan hay hư, nên người hay không là do cách dạy bảo, uốn nắn của bố mẹ.

Nếu bố mẹ không quan tâm sâu sát đến con, hàng ngày chỉ đưa tiền cho con để nó tự ăn sáng, ăn trưa... rồi đến khi chúng phạm sai lầm lại lôi về đánh đập thì bản thân đứa trẻ đó khó có thể ngoan được. Đặc biệt là lứa tuổi từ lớp 7 đến lớp 9, giai đoạn dễ kích động, muốn khẳng định cái tôi và nhân cách đang hình thành mạnh mẽ.

Mẹ tôi nghe thấy vậy, nổi trận lôi đình bảo: “Ơ thế chả nhẽ lúc nào cũng phải kè kè bên cạnh nó. Không đi kiếm tiền thì ai nuôi. Thế nào là sâu sát?”.

Gia đình - Con ngoan - con hư

Nhìn chung, con ngoan hay hư, nên người hay không là do cách dạy bảo, uốn nắn của bố mẹ. (Ảnh minh họa)

Sự khác nhau về quan điểm sống luôn tạo nên những mâu thuẫn trong đời sống gia đình giữa bố mẹ và con cái. Tôi và mẹ tôi cũng vậy. Nhưng, quan điểm sống của tôi thế này, con cái phải biết kính trọng bố mẹ, điều đó là đương nhiên nhưng... việc thể hiện quan điểm cá nhân thì phải luôn bình đẳng.

Lắng nghe con cái giúp cho chúng có cảm giác được tôn trọng như một người trưởng thành. Và tất nhiên, chẳng việc gì phải gồng mình lên chứng minh với bố mẹ rằng con đã lớn khi mà bố mẹ đã thừa nhận.

Thậm chí, bố mẹ nên gợi chuyện, để con kể lại những việc đã xảy ra ở trường, những vấn đề mà bạn bè chúng gặp phải, để con thể hiện quan điểm trước những vấn đề đó. Có như vậy, bố mẹ mới hiểu con và dễ bề uốn nắn kịp thời nếu chúng có những tư duy lệch lạc.

Bố mẹ không nên cấm con nói lên những suy nghĩ của chúng. Đừng áp đặt theo kiểu “Là con thì bố mẹ nói gì phải nghe lời". Cách này chỉ tạo nên những đứa trẻ ương bướng và lầm lì, sự kính trọng mà chúng dành cho bố mẹ cũng giảm dần. Sự chịu đựng lớn dần sẽ giống như một quả bom chờ ngày phát nổ. Con cái là cái gương phản chiếu rõ nét hình ảnh của bố mẹ chúng. Đã là bậc cha mẹ, hãy làm tốt nhiệm vụ của mình trước khi đổ mọi tội lỗi lên đầu những đứa trẻ mới lớn.

Tất nhiên, mẹ tôi vẫn chịu ảnh hưởng của cách giáo dục con từ thời ông bà. Tôi không trách mẹ. Nhưng nếu sau này 2 đứa con tôi có hư thì chắc chắn, tôi sẽ nhìn lại bản thân mình trước tiên.

Tôi nghĩ, nên biết phân bổ thời gian vừa kiếm tiền, vừa quan tâm đến việc giáo dục con cái. Chẳng có đứa trẻ nào tự nhiên lớn lên đã ngoan hay hư cả. Tôi tin, đối với những bậc cha mẹ đã xác định được việc nuôi dạy con là quan trọng thì điều đáng tiếc như trường hợp của cô bé ở trên sẽ không xảy ra.

Lê Thanh Ngân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.