15 triệu năm – một con số không tưởng để ngồi lên cỗ máy thời gian tìm hiểu về thế giới. Thế nhưng, một điều thần kỳ đã xảy ra, một nhà khoa học người Tây Ban Nha là Jose Bienvenido Diez đã phát hiện một đóa hoa kỳ lạ 15 triệu năm tuổi bên trong một hóa thạch hổ phách Dominica của Bắc Mỹ.
Việc các nhà khảo cổ khám phá về sinh vật thời xa xưa thông qua các hóa thạch hổ phách đã không còn xa lạ.
Hóa thạch hổ phách khá phổ biến ở Bắc bán cầu, đặc biệt là Myanmar, nơi người ta đã phát hiện ra đủ loại hóa thạch trong suốt nhiều năm qua.
Hổ phách thực chất là nhựa cây hóa thạch, tồn tại nhiều trong các lớp đá và trầm tích trên khắp thế giới. Tuy nhiên, hổ phách lại rất khó được phát hiện tại Australia hay New Zealand.
Hóa thạch hổ phách có giá trị bởi chúng cho ta thấy mô hình 3D của các mẫu vật được bảo quản vô thời hạn.
Tuy nhiên nhựa cây cũng là chất rất dễ bị phá hủy. Không dễ dàng gì để nhựa cây đó có thể chống chịu sự phân hủy của các quá trình vật lý và sinh học qua hàng chục triệu năm để tồn tại đến ngày nay.
Vì vậy, mỗi loài sinh vật hay thực vật tồn tại trong hóa thạch hổ phách càng vô cùng quý giá.
Quay lại với bông hoa kỳ lạ, nhóm các nhà nghiên cứu bao gồm Jose Bienvenido Diez và 3 nhà nghiên cứu người Trung Quốc đã cùng thực hiện báo cáo về đóa hoa thượng cổ này.
Kết quả nghiên cứu đã được ghi nhận trong tập san "Palaeoentomology" (Côn trùng học cổ đại).
Những loài hoa ngày nay cũng đã tiến hóa và phát triển khác rất nhiều về chủng loại hay hình thái, nhưng hình ảnh một đóa hoa từ thời viễn cổ vẫn còn lưu lại trên Trái đất sau 15 triệu năm khiến người ta không khỏi trầm trồ trước sự kỳ diệu của thiên nhiên.
Các nhà khoa học sẽ tiếp tục lập danh sách nhiều loại thực vật tìm thấy trong hổ phách, bởi nhiều trong số chúng có thể là những loài mới, và thậm chí là những nhóm thực vật mới nữa.
Trước đó vào năm 2018, 7 bông hoa được bảo quản hoàn hảo trong khối hổ phách 100 triệu năm ở Myanmar dưới kỷ Phấn trắng.
Những bông hoa nguyên vẹn được cho thuộc về một loài hoa ít cánh trong rừng mưa, chúng rụng xuống do 1 con khủng long bạo chúa nào đó đi ngang qua quệt rơi khỏi cây!
Điều ngạc nhiên là 7 bông hoa có kích thước nhỏ xíu với bề rộng từ 3,4 đến 5mm, nhưng cao tận 36m!
Theo nhóm nghiên cứu, đây là bộ sưu tập hoa lớn nhất từ thời này từng được phân tích. Họ cho biết những bông hoa trông như mới hái dù hàng trăm triệu năm đã trôi qua từ khi hóa thạch hình thành.
George Poinar Jr, giáo sư danh dự ở Đại học Oregon, Mỹ, cho biết: "Hổ phách lưu giữ các bộ phận của bông hoa tốt tới mức chúng trông như mới hái từ vườn. Những con khủng long có thể quệt vào cành cây, khiến hoa rơi rụng và dính vào nhựa ở vỏ cây bách tán. Nhựa cây này sau đó bị hóa thạch và trở thành hổ phách".
Cả 7 bông hoa trong khối hổ phách đều có đài hoa tỏa ra mọi hướng.
Dựa trên đặc điểm này, chúng được đặt tên là Tropidogyne pentaptera (T. pentaptera), sử dụng từ Hy Lạp mang nghĩa số 5 (penta) và cánh (pteron).
Các nhà nghiên cứu so sánh những bông hoa với một loài khác tên Tropidogyne pikei (T. pikei) cũng được phát hiện gần đây trong hổ phách và nhận thấy một số đặc trưng đáng chú ý.
Nguyên Anh (Nguồn National GeoGraphic/The Guardian)