Thực hư nguy cơ"đại tuyệt chủng"
Các chuyên gia tại trường đại học James Cook, Townsville, Queensland (Australia) và bảo tàng Field, Chicago (Mỹ) khẳng định, cách đây khoảng 250 triệu năm, khoảng 95% động vật biển và 70% động vật trên cạn từng biến mất khỏi Trái đất trong một thảm họa cực kỳ lớn.
Thảm họa tuyệt chủng sinh học này xảy ra khi Trái đất chỉ có một lục địa duy nhất và được bao quanh bởi một đại dương rộng lớn. Sau lần "đại tuyệt chủng" đó, những loài có cấu trúc đơn giản đã bị thay thế bởi loài có cấu trúc phức tạp hơn.
Ông Peter Wagner, quản lý khu vực động vật có xương sống hóa thạch tại bảo tàng Field đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu tuyên bố: "Những phân tích của chúng tôi cho thấy "đại tuyệt chủng" không chỉ làm thay đổi mãi mãi sự đa dạng về loài mà còn làm thay đổi cả cấu trúc sinh thái đại dương".
Các chuyên gia còn cảnh báo, loài người đang làm cho nhiều hệ sinh thái quay về tình trạng giống như 540 triệu năm trước đây, trước khi các loài động vật ồ ạt xuất hiện. Ông Wagner nhận xét, mảnh thiên thạch từng làm khủng long tuyệt chủng cũng không có sức tàn phá khủng khiếp đó như loài người.
Hai nhà cổ sinh vật học Jack Sepkoski và David M. Raup trong một bài báo năm 1982 đã xác định 5 vụ "đại tuyệt chủng" nổi bật và được đông đảo giới khoa học tán thành. Trong đó, vụ tuyệt chủng lớn gần đây nhất là sự kiện tuyệt chủng kỷ Creta, diễn ra 65 triệu năm trước, luôn được quan tâm tới nhiều nhất bởi tính chất đặc biệt của nó. Vụ tuyệt chủng đó đã tiêu diệt hầu hết các loài khủng long vốn là kẻ thống trị trên Trái đất trong một thời gian rất dài và mở ra cơ hội bước lên vũ đài lịch sử cho các loài động vật có vú, trong đó có con người.
Tuy nhiên, các nhà khoa học thuộc viện Nghiên cứu sinh vật cổ địa chất Nam Kinh, viện Khoa học Trung Quốc cho biết, Trái đất có thể đang bước vào thời kỳ “đại tuyệt chủng” các loài sinh vật lần thứ 6.
Hiện nay, tính đa dạng sinh vật trên Trái đất đang bị đe dọa đặc biệt nghiêm trọng. Hàng năm đều có nhiều loài sinh vật bị tuyệt chủng. Cuộc “đại tuyệt chủng” sinh vật lần thứ 6 kéo dài bao nhiêu năm, hiện tại vẫn rất khó dự đoán. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến 5 cuộc “đại tuyệt chủng” trước kia, bao gồm núi lửa bùng phát, va chạm thiên thạch, mực nước biển hạ thấp...
Theo giới khoa học, các cuộc “đại tuyệt chủng” trước kia đều xuất phát từ nguyên nhân tự nhiên, nhưng trong cuộc “đại tuyệt chủng” sinh vật lần thứ 6 này, con người lại đóng vai trò ảnh hưởng chính. Khi các loài sinh vật tuyệt chủng đến mức báo động, hệ sinh thái chắc chắn bị mất cân bằng. Lúc đó, loài người cũng bắt đầu ở vào tình trạng thiếu hụt nguồn thức ăn, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng tăng lên.
Loài người đã từng "suýt" bị tuyệt chủng?
Trong suốt một triệu năm lịch sử phát triển, loài người cũng đã có những thời kỳ "lao đao" về số lượng và cũng đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Các nhà khoa học trường đại học Utah (Hoa Kỳ) đã tính toán kỹ lưỡng, 1,2 triệu năm về trước, thời kỳ tổ tiên chúng ta sống rải rác ở châu Phi, châu Âu và châu Á, dân số trên toàn thế giới chỉ vào khoảng 18.500 người và không thể vượt quá con số 26.000 người.
Điều này có nghĩa là số lượng loài người còn ít hơn cả tinh tinh (tổng số cá thể khoảng 25.000) và người vượn (ước tính khoảng 21.000 cá thể). Thời gian đó, tỉ lệ sinh của loài người gần như ở con số 0%. Sẽ ra sao nếu tình trạng 0% kéo dài? Tất nhiên, khi đó loài người sẽ bị tuyệt chủng hoàn toàn.
Loài người "suýt" bị tuyệt chủng?
Không chỉ một lần mà nhiều lần, loài người đã đứng trước thảm họa bị tuyệt chủng. Có thể kể đến sự kiện "siêu núi lửa" Toba phun trào ở Indonesia vào 70.000 năm trước, gây ra một "mùa đông hạt nhân", chỉ còn 15.000 người sống sót. Số người sống sót này đã phải rất khó khăn để duy trì sự sống trong khí hậu lạnh băng do vụ phun trào gây ra.
Một tính toán khác còn chỉ ra, trong suốt 2 triệu năm trước, số người trên hành tinh xanh thực sự chưa vượt quá con số 20.000 người. Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thiết, sự thiếu biến dị trong trong ADN chính là nguyên nhân dẫn tới những giai đoạn "nút cổ chai" trong lịch sử loài người.
Việc sử dụng phương pháp mới trên các đoạn gen di truyền ADN trong bộ gen đã giúp các nhà khoa học nghiên cứu Di truyền học dễ dàng tìm hiểu về con người hiện đại cũng như tổ tiên sớm nhất của chúng ta. Nhờ vậy, các nhà khoa học sẽ có trong tay đầy đủ thông tin về các chuỗi ADN, từ đó xác định quy mô dân số các thời kỳ trước.
Nhà di truyền học về loài người Lynn B. Jorde và các đồng nghiệp đã tính toán được sự đa dạng về mặt di truyền giữa tổ tiên sớm nhất của chúng ta và con người hiện đại. Họ đi đến kết luận rằng, vào khoảng một triệu năm về trước, Trái đất đã từng xảy ra những thảm họa lớn, ít nhất cũng có quy mô như vụ “siêu núi lửa” Toba phun trào, đã quét sạch nhiều loài trên Trái đất. Giáo sư Jorde đưa ra giả thiết loài người và tổ tiên trực tiếp của chúng ta đã trải qua những chu kỳ bao gồm thời kỳ có quy mô dân số phát triển cũng như thời kỳ suy thoái đến mức đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Theo công bố của viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, kết quả nghiên cứu về loài người cho thấy quy mô của loài người 1,2 triệu năm trước chỉ gồm khoảng 18.500 người ở độ tuổi sinh sản và không thể vượt qua con số 26.000. Điều này có nghĩa là trước sự xuất hiện của người tinh khôn ở châu Phi, số lượng người đứng thẳng - tổ tiên gần nhất của người hiện đại vẫn còn ở quy mô nhỏ, mặc dù đã di chuyển khắp thế giới. Con số này thể hiện rõ sự giảm sút bất thường của loài người. Tỷ lệ tử lớn hơn tỷ lệ sinh là điều đáng báo động và nguy cơ tuyệt chủng là điều không thể tránh khỏi.
Như vậy, sự kiện loài người gần như tuyệt chủng đã từng diễn ra và hiện nay, không chỉ các loài sinh vật khác đứng trước thảm họa "đại tuyệt chủng" mà loài người cũng có khả năng bị giảm số lượng.
Cuộc sống hiện đại ngày nay khiến con người trở nên văn minh và tiên tiến hơn thời đại xưa kia, nhưng đây cũng là điều đáng lo ngại. Khi con người đạt đến trình độ hiểu biết "đỉnh cao", ý thức về việc sinh đẻ sẽ giảm xuống. Dù trước đây, việc này đã từng xảy ra, loài người không quan tâm đến việc duy trì giống nòi, tỷ lệ tử vong tăng cao khiến loài người ở vào thế "bấp bênh". Nếu sự việc này lại diễn ra trong tương lai, điều các nhà nghiên cứu lo ngại sẽ thực sự xảy ra. Không cần đến một thảm họa hay sự mất cân bằng của hệ sinh thái, loài người sẽ tự động biến mất như các loài vật đã từng bị tuyệt chủng khác.
Giáo sư Jorde cho hay: "Loài người đang tự đẩy mình vào tình trạng tiến gần đến sự kiện "đại tuyệt chủng". Sự thay đổi của khí hậu, thảm họa thiên nhiên chỉ là một phần lý do, nguyên nhân chính vẫn là ở con người. Hiện tại, loài người đang can thiệp quá nhiều vào sự sống của muôn loài, tác động quá nhiều đến tự nhiên và quên đi việc duy trì nòi giống".
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể cứu vãn được tình hình. Không bao giờ là quá muộn khi loài người biết sửa sai. Các nhà nghiên cứu hy vọng, trong tương lai gần, hệ sinh thái của chúng ta sẽ lấy lại được cân bằng nhờ việc tái tạo lại những sinh vật đã mất, ngừng tác động đến tự nhiên. Với cách đó, các thảm họa tự nhiên cũng tự động ngừng lại, không còn gây nguy hiểm cho muôn loài, trong đó có con người.
Hồng Nhung