Có rất nhiều loài động vật có khả năng tự tái tạo. Nhưng với câu hỏi vì sao con người không có khả năng này, giáo sư phát triển và tế bào David M. Gardiner thuộc đại học California-Irvine, người tham gia chính vào chương trình nghiên cứu “Tái tạo các chi UCI”, cho biết: “Quá trình tái tạo cũng quan trọng, cơ bản, có tính sinh học như quá trình sinh sản”.
Ông cũng cho biết con người cũng có khả năng tái tạo. Chúng ta thường xuyên “làm mới” mình ở cấp độ tế bào và có khả năng tự hàn gắn vết thương. Người lớn chúng ta khó có thể mọc lại những chi đã mất, nhưng trẻ con thì có.
Khi còn ở trong bào thai, chúng ta phát triển các cơ quan là dựa vào những tế bào gốc. Và những con vật có thể tái tạo cơ thể, chúng giữ lại được những tế bào này để phát triển lại những cơ quan đã bị mất.
Thủy tức Turritopsis dohrnii được mệnh danh là loài thủy tức trường sinh bất tử do có khả năng tự tái tạo cơ thể.
Tuy nhiên cũng giống như nhiều loài động vật có vú khác, khi chúng ta được sinh ra, những tế bào gốc này được thay thế bằng những tế bào trưởng thành thể xô-ma, có thể tồn tại và hạn chế mức độ tự tái tạo các bộ phận cơ thể.
“Chắc hẳn phải có điều gì đó khiến quá trình tái tạo bị chặn, không thể phát triển hơn nữa”-Gardiner cho hay.
Nhiều nhà khoa học cho rằng chính cơ chế gen trong cơ thể, giúp ngăn các khối u phát triển, cũng ngăn luôn sự phát triển của hàng loạt gen để phát triển thành các chi thay thế.
Tuy nhiên, mọi chuyện dường như sẽ thay đổi với những thành tựu khoa học gần đây, đặc biệt là việc phát hiện ra cách chuyển các tế bào thường thành tế bào gốc. Giáo sư Gardiner cho rằng việc có phát triển mới các chi hoặc bộ phận trong cơ thể phụ thuộc nhiều vào những hướng dẫn “gen” với tế bào. Chỉ cần thay đổi những thông tin trong gen phụ trách sự phát triển và các phần cơ thể, chúng ta sẽ có thể tái tạo được các bộ phận cơ thể.
Tuy nhiên đến khi nào các nhà khoa học có thể giải mã và lập trình được quá trình tự tái tạo cho cơ thể người vẫn còn là một câu hỏi ngỏ.
Theo Kiến thức